Trung Quốc được gọi tên 'chủ nợ lớn nhất thế giới': 1.100 tỷ USD chưa kể lãi, Mỹ cũng không bằng
Trung Quốc đã cho vay hơn 1.000 tỷ USD thông qua sáng kiến Vành đai, Con đường với ước tính 80% khoản vay hỗ trợ các quốc gia đang gặp khó khăn tài chính.
Chủ nợ lớn nhất thế giới
AFP hôm 7/11 đưa tin, tại Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế Sáng kiến Vành đai, Con đường lần thứ 3 được tổ chức tại Bắc Kinh vào tháng trước, nước chủ nhà Trung Quốc cho biết, có hơn 150 quốc gia trải dài từ Uruguay đến Sri Lanka đã đăng ký tham gia Vành đai, Con đường (BRI) - sáng kiến thúc đẩy cơ sở hạ tầng toàn cầu rộng lớn được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình công bố cách đây một thập kỷ.
Theo AFP, thập kỷ đầu tiên của sáng kiến này chứng kiến Trung Quốc phân bổ các khoản vay khổng lồ để tài trợ cho việc xây dựng cầu, cảng và đường cao tốc ở các nước có thu nhập thấp và trung bình.
Theo một báo cáo được công bố hôm 6/11 bởi viện nghiên cứu tài chính AidData có trụ sở tại Mỹ, hơn một nửa trong số các khoản vay nói trên hiện đã bước vào thời hạn trả nợ gốc, và dự kiến sẽ đạt mức 75% vào cuối thập kỷ này.
Dựa trên dữ liệu tổng hợp về nguồn tài trợ của Trung Quốc cho gần 21.000 dự án trên 165 quốc gia, AidData cho biết. Bắc Kinh hiện đã cam kết cung cấp viện trợ và tín dụng "dao động khoảng 80 tỷ USD mỗi năm" cho các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình.
Trong khi đó, Mỹ cung cấp 60 tỷ USD cho các quốc gia này mỗi năm.
Báo cáo chỉ ra "Bắc Kinh đang đảm nhận một vai trò xa lạ và không thoải mái – là chủ nợ chính thức lớn nhất thế giới".
AidData cho biết: "Tổng số dư nợ - gồm toàn bộ gốc nhưng không bao gồm lãi - từ những người đi vay ở các nước đang phát triển vay của Trung Quốc ít nhất là 1,1 nghìn tỷ USD".
AidData ước tính rằng "80% danh mục cho vay nước ngoài của Trung Quốc tại các nước đang phát triển hiện đang hỗ trợ các quốc gia đang gặp khó khăn về tài chính".
Trung Quốc tiếp tục rót tiền cho Vành đai, Con đường
Theo DW, nguồn hỗ trợ tài chính khổng lồ của Trung Quốc đã thu hút đông đảo các nước đang phát triển. Những người ủng hộ BRI tin rằng sáng kiến đã mang lại nguồn lực và tăng trưởng kinh tế cho Nam bán cầu.
Tuy nhiên cũng đã có những ý kiến từ phương Tây và ở một số quốc gia nhận được tài trợ, như Sri Lanka và Zambia, rằng dự án cơ sở hạ tầng từ nguồn vốn do Trung Quốc cung cấp khiến họ gánh các khoản nợ khó thanh toán.
Theo AidData, vấn đề chi phí tại những dự án do các công ty Trung Quốc xây dựng đã khiến nhiều nền kinh tế, bao gồm Malaysia và Myanmar, đang đàm phán lại thỏa thuận để giảm giá thành.
Báo cáo cho biết Trung Quốc đang khắc phục các vấn đề của mình "và trở thành một nhà quản lý khủng hoảng ngày càng lão luyện". Bắc Kinh đang tìm cách giảm thiểu rủi ro cho BRI bằng cách điều chỉnh các hoạt động cho vay phù hợp hơn với các tiêu chuẩn quốc tế.
Và theo AidData, trong số những phương pháp đó, Trung Quốc còn có "các biện pháp ngày càng nghiêm ngặt để tự bảo vệ khỏi nguy cơ bị 'bùng nợ'".
"Khả năng tiếp cận tài sản thế chấp bằng tiền mặt mà không cần sự đồng ý của người vay đã trở thành một biện pháp bảo vệ đặc biệt quan trọng trong danh mục cho vay song phương của Trung Quốc", báo cáo viết.
Theo AFP, tại Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế Sáng kiến Vành đai, Con đường lần thứ 3 vào tháng trước, ông Tập Cận Bình nói Trung Quốc sẽ bơm hơn 100 tỷ USD vốn mới vào các dự án BRI.
Một báo cáo chung trong năm nay của Ngân hàng Thế giới (WB) và các tổ chức khác, bao gồm AidData, cho hay Bắc Kinh đã cung cấp các khoản vay cứu trợ hàng tỷ USD cho các nước tham gia BRI trong những năm gần đây.
Ngoài ra, theo AFP, các dự án hạ tầng lớn trong khuôn khổ BRI cũng nhận được sự quan tâm đáng kể liên quan đến lĩnh vực xử lý lượng phát thải carbon và tác động đối với môi trường.
Đời sống và pháp luật