Trung Quốc "hạ thủy" đội quân khổng lồ, quyết thắng lớn trên thị trường vốn
Bằng cách cho phép các ngân hàng thương mại quốc doanh tham gia vào mảng ngân hàng đầu tư, Trung Quốc được cho là đang tung ra "đội quân tinh nhuệ nhất" để "quyết thắng".
- 06-07-2020Trung Quốc: Mưa lớn không dứt, lũ lụt dồn dập, người chết gia tăng
- 06-07-2020Chứng khoán Trung Quốc tăng phi mã khi nhà đầu tư kỳ vọng vào một đợt sóng tiếp theo
- 05-07-2020[Case Study] Một tay chơi game, một tay ăn gà rán: Nước đi cao thủ giúp tăng 5% lượng khách, 35% doanh số tại Trung Quốc của KFC
Tháng 12 năm ngoái, Trung Quốc đã đưa vào sử dụng tàu sân bay đầu tiên do nước này tự sản xuất hoàn toàn sau 30 năm nỗ lực. Nhưng gần đây, chính phủ Trung Quốc kỳ vọng sẽ sớm nhìn thấy thành quả hơn trong nỗ lực xây dựng thứ được gọi là "công ty chứng khoán tầm cỡ tàu sân bay" – 1 ngân hàng đầu tư đủ hùng mạnh để vươn lên trong thị trường vốn Trung Quốc đang ngày càng cạnh tranh khốc liệt hơn. Trong động thái mới nhất, bằng cách cho phép các ngân hàng thương mại quốc doanh tham gia vào mảng ngân hàng đầu tư, Trung Quốc được cho là đang tung ra "đội quân tinh nhuệ nhất" để "quyết thắng".
Cho đến năm 1999, luật pháp Trung Quốc vẫn quy định các ngân hàng bán lẻ không được phép kinh doanh mảng ngân hàng đầu tư. Theo đó các ngân hàng thương mại không thể bảo lãnh phát hành cổ phiếu hay cung cấp dịch vụ môi giới chứng khoán. Phần việc này là của các công ty chứng khoán, bởi các nhà quản lý cho rằng sự tách bạch như vậy sẽ giúp cho hệ thống tài chính an toàn hơn. Tuy nhiên, theo tờ Caixin, sắp tới 2 ngân hàng thương mại sẽ được thử nghiệm cấp phép kinh doanh chứng khoán.
Nguyên nhân đầu tiên thôi thúc Trung Quốc tung ra nước đi này là do sự cạnh tranh từ các công ty nước ngoài. Sau nhiều năm trì hoãn, cuối cùng thì năm ngoái Trung Quốc đã dỡ bỏ mức trần sở hữu cổ phần tại các công ty trong lĩnh vực chứng khoán đối với các công ty nước ngoài. Ngay lập tức những ông lớn đến từ phương Tây – như Citigroup, Morgan Stanley và UBS – đã giành quyền kiểm soát tại các liên doanh hoặc tự lập công ty hoàn toàn mới 100% sở hữu nước ngoài. Mặc dù các ngân hàng ngoại chưa ghi được dấu ấn đáng kể trong hệ thống ngân hàng Trung Quốc vì bị hạn chế số lượng chi nhánh, trong mảng ngân hàng đầu tư họ đang chiếm ưu thế nhờ lợi thế về chuyên môn.
Kể cả nếu không bị uy hiếp bởi các ngân hàng ngoại, Trung Quốc cũng đang rất mong muốn định hình lại các công ty môi giới chứng khoán. Các nhà quản lý muốn thị trường vốn giúp giảm gánh nặng cho các ngân hàng (năm ngoái hệ thống ngân hàng đóng góp tới 2/3 tăng trưởng tín dụng). Tổng tài sản của 10 ngân hàng lớn nhất Trung Quốc hiện lớn gấp 30 lần so với của 10 công ty chứng khoán lớn nhất và lợi nhuận cũng lớn hơn nhiều lần.
Vấn đề lớn nhất của ngành chứng khoán Trung Quốc là quá phân mảnh. 131 công ty đã đăng ký đang cung cấp những dịch vụ quá giống nhau và đánh chiếm khách hàng bằng cách mức phí siêu thấp. Thậm chí một số công ty cung cấp dịch vụ bảo lãnh phát hành trái phiếu miễn phí.
Tất nhiên quãng thời gian ban đầu chưa thể tạo ra cuộc cách mạng. Theo Chen Jiahe, lãnh đạo của công ty quản lý tài sản Novem Arcae, Trung Quốc sẽ không đi theo cách đột ngột áp dụng chính sách mới và xóa bỏ những công ty đang tồn tại. Có vẻ như nhà đầu tư cũng đồng tình với điều này: cổ phiếu của các công ty môi giới lớn nhất đã giảm khoảng 5% ngày 29/6, khi tin tức lần đầu xuất hiện, nhưng từ đó đến nay đã hồi phục hoàn toàn.
Tuy nhiên, ngành chứng khoán Trung Quốc đang đứng trước một bước ngoặt lớn. Chính phủ Trung Quốc muốn thanh lọc và trao cho các ngân hàng giấy phép kinh doanh chứng khoán sẽ khiến các công ty chứng khoán khó có thể cạnh tranh nổi.
Mô hình ngân hàng tích hợp cả mảng thương mại và đầu tư thường bị chỉ trích là sẽ tạo ra xung đột văn hóa, trong đó các nhân viên ngân hàng đầu tư quá mạnh bạo có thể lấn át sự thận trọng của các nhân viên ngân hàng thương mại. Nhưng chính Trung Quốc đã chứng minh rằng sự tách biệt vẫn mang đến rủi ro. Năm 2015 TTCK Trung Quốc sụp đổ sau khi các nhà quản lý không thể ngăn chặn các công ty môi giới cho vay ký quỹ một cách liều lĩnh, trong khi các nhà quản lý mảng ngân hàng sẽ được trang bị tốt hơn để đối phó với điều này.
Dù sao đi nữa thì cũng khó có thể tưởng tượng bức tranh sẽ như thế nào khi các ngân hàng khổng lồ và nặng nề của Trung Quốc biến thành 1 đội quân các môi giới chứng khoán nhanh nhạy. ICBC, ngân hàng lớn nhất Trung Quốc, hiện đang cung cấp dịch vụ ngân hàng đầu tư ở Hồng Kông nhưng chỉ bó hẹp trong các sản phẩm đơn giản nhất dành cho các công ty quốc doanh. China Merchants Bank dù là ngân hàng hạng 2 với quy mô nhỏ hơn nhưng cũng có giá trị vốn hóa 120 tỷ USD, gần gấp đôi Goldman Sachs. Nói theo cách ví von, China Merchants Bank có thể chỉ là tàu hải quân (nhỏ hơn 1 bậc so với tàu sân bay), nhưng đó cũng sẽ là cú hạ thủy chấn động khiến những con tàu nhỏ trên thị trường vốn Trung Quốc phải kinh động.
Tham khảo The Economist