MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trung Quốc hối hả hồi sinh "con đường tơ lụa"

29-04-2016 - 16:03 PM | Tài chính quốc tế

Đàn lạc đà đi trên những dải cát màu đỏ bất tận của Minh Sa Sơn không còn chở hàng hóa như cách đây hàng nghìn năm...

Bất chấp sự giảm tốc của nền kinh tế Trung Quốc nói chung, tỉnh Cam Túc của nước này vẫn đang chứng kiến tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ, một phần nhờ chiến lược của Bắc Kinh nhằm hồi sinh tuyến giao thương trên "con đường tơ lụa" cổ xưa.

Du khách đông gấp 40 dân số

Hình ảnh những đàn lạc đà nối bước nhau trên sa mạc Minh Sa Sơn dễ khiến du khách hình dung ra cảnh các lái buôn mang theo hàng hóa rong ruổi trên con đường tơ lụa nối từ vùng phía Đông của Trung Quốc, qua Trung Á, tới Địa Trung Hải cách đây hàng nghìn năm.

Nhưng ngày nay, đàn lạc đà đi trên những dải cát màu đỏ bất tận của Minh Sa Sơn không còn chở những thứ hương liệu, gia vị và vải vóc đắt tiền như xưa nữa, mà chở du khách với mức giá 100 Nhân dân tệ mỗi lượt.

Zhang Yu, một người dắt lạc đà cho biết, đàn lạc đà phục vụ du khách trên sa mạc này đã lên tới con số 1.000 con.

“Nhờ những con lạc đà này mà chúng tôi có công ăn việc làm”, Zhang nói. Anh và đồng nghiệp ra giá 20 Nhân dân tệ đối với những du khách muốn được họ giúp chụp ảnh trong suốt hành trình khoảng 4 km trên lưng lạc đà. Một du khách ngạc nhiên trước những bức ảnh rất chuyên nghiệp mà Zhang chụp cho mình đã đề nghị tặng thêm cho anh vài chục Nhân dân tệ, nhưng anh nhất định từ chối.

Với mục tiêu của Chính phủ Trung Quốc nhằm đưa "con đường tơ lụa" trở lại, thành phố cấp huyện Đôn Hoàng của Cam Túc, nơi Minh Sa Sơn tọa lạc, đón lượng du khách tăng trưởng bùng nổ trong những năm gần đây.

Thành phố hơn 200.000 dân này đã đón 6,6 triệu lượt khách du lịch trong năm 2015 và dự kiến đón 8 triệu lượt du khách trong năm 2016 - con số nhiều gấp 40 lần dân số địa phương.

Phó thị trưởng Đôn Hoàng, ông Wang Xiaoling, cho biết, trong vòng 5 năm trở lại đây, GDP của thành phố đã tăng gấp khoảng 2 lần, đạt 11,5 tỷ Nhân dân tệ, tương đương khoảng 1,8 tỷ USD, trong đó văn hóa-du lịch đóng góp xấp xỉ 60%.

Đôn Hoàng giữ một vị trí đặc biệt quan trọng trên con đường tơ lụa cổ. Được miêu tả như một ốc đảo nằm bên rìa sa mạc Taklamakan, Đôn Hoàng là nơi giao thoa của nhiều nền văn hóa lớn và là một trong những thành phố đầu tiên của Trung Quốc chứng kiến sự xuất hiện của các lái buôn phương Tây.

Ngoài ra, với hệ thống hang động Mạc Cao chứa khoảng 2.000 tượng phật, Đôn Hoàng còn từng là một điểm đến của các tín đồ Phật giáo hành hương.

Với vị trí như vậy của Đôn Hoàng, Chính phủ Trung Quốc và chính quyền tỉnh Cam Túc đã mạnh tay đầu tư vào địa phương này nhằm phục vụ cho “Một vành đai, một con đường” - chiến lược đưa con đường tơ lụa trở lại. Năm 2015, tổng vốn đầu tư tài sản cố định vào Đôn Hoàng đạt mức 19 tỷ Nhân dân tệ.

Từ năm 2013, Đôn Hoàng đã bắt tay vào việc chuẩn bị cho triển lãm văn hóa quốc tế "Con đường tơ lụa", một lễ hội quy mô quốc tế nhằm mục tiêu thúc đẩy giao lưu văn hóa, đặt nền móng cho các hoạt động giao thương và hợp tác kinh tế giữa các quốc gia.

Để chuẩn bị cho sự kiện dự kiến diễn ra vào tháng 9/2016, với sự tham gia của hơn 70 quốc gia, Đôn Hoàng đang khẩn trương xây dựng một khu liên hợp quy mô lớn với tổng vốn đầu tư 1,6 tỷ Nhân dân tệ. Khu liên hợp này bao gồm diện tích triển lãm rộng 126.000 m2, một trung tâm hội nghị với sức chứa 3.000 người và một nhà hát có sức chứa 1.200 người.

Tất bật hạ tầng

Nhịp sống kinh tế gấp gáp đang không chỉ diễn ra ở Đôn Hoàng mà ở hầu khắp các thành phố khác của Cam Túc.

Đặc biệt, đô thị mới Lan Châu, với diện tích hơn 1.700 km2, thực sự là một công trường xây dựng khổng lồ với một khu miễn thuế rộng gần 3 km, và hàng nghìn căn hộ từ bình dân tới cao cấp đang dần được hình thành.

Trong quá trình xây dựng Lan Châu, hàng loạt ngọn núi khô cằn đặc trưng của vùng cao nguyên Nội Mông đã được san phẳng để nhường chỗ cho các công trình.

Phát triển hạ tầng giao thông là một ưu tiên khác của Cam Túc nhằm hồi sinh "con đường tơ lụa".

Từ Đôn Hoàng đến Gia Dục Quan - một thành phố khác thuộc Cam Túc, là nơi khởi đầu của Vạn Lý Trường Thành - phải đi qua một con đường cao tốc thẳng tắp dài gần 400 km, xuyên qua vùng hoang mạc khô cằn của cao nguyên Nội Mông. Hai bên đường, dưới ánh mặt trời còn chói chang lúc 8h tối của vùng hoang mạc là hàng chục nghìn turbin điện gió và những tấm pin năng lượng mặt trời trải rộng ngút tầm mắt.

Tại Lan Châu, thành phố thủ phủ của tỉnh, một hệ thống tàu điện ngầm với tổng chiều dài khoảng 90 km đang được xây dựng, dự kiến bắt đầu đi vào hoạt động trong năm 2016.

Ngoài ra, Cam Túc còn sở hữu một mạng lưới gồm 14 sân bay lớn nhỏ khác nhau, trong đó có hai sân bay quốc tế. Tỉnh đang có kế hoạch nâng cấp sân bay ở Gia Dục Quan thành sân bay quốc tế thứ ba.

Giải thích về vị trí của Cam Túc trong chiến lược “Một vành đai, một con đường”, ông Zhang Shi En, Phó giám đốc Sở Thương mại Cam Túc, cho biết trong tổng chiều dài 10.000 km của "con đường tơ lụa", thì có tới 1.600 km nằm ở địa phận Cam Túc.

Dù vậy, sự giảm tốc kinh tế của Trung Quốc nói chung đã ảnh hưởng đến Cam Túc trong những năm gần đây. Ở các thành phố thuộc tỉnh này, không khó để nhận thấy những dự án bất động sản đang xây dựng bị đình trệ hoặc đã hoàn tất nhưng không có người ở. Cũng giống như ở nhiều địa phương khác ở Trung Quốc, tốc độ xây dựng quá nhanh chóng đã dẫn tới một lượng bất động sản tồn kho không nhỏ ở Cam Túc.

Năm 2015, Cam Túc đạt tốc độ tăng trưởng GDP 8%, cao hơn mức 6,9% của toàn Trung Quốc. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng này đã giảm đáng kể so với mức 12,6% đạt được vào năm 2012.

Mặc dù vậy, nhờ sự hồi sinh của "con đường tơ lụa" mà nhiều người dân ở Cam Túc đang kiếm được những công việc mới, mà trước đây có thể họ chưa từng tưởng tượng ra.

Wang Xin là một trong số những người như vậy. Người đàn ông 65 tuổi đã nghỉ hưu nhưng kiếm thêm được 1.300 Nhân dân tệ mỗi tháng nhờ công việc dọn phân lạc đà và nhặt rác theo ca 4 tiếng mỗi ngày ở Minh Sa Sơn.

“Công việc cũng khá vất vả vì thời tiết nắng nóng, nhưng thu nhập như vậy không phải là tồi”, Wang vui vẻ nói.

An Huy

VnEconomy

Trở lên trên