Trung Quốc lộ điểm yếu trong lũ lụt: Mưa lớn chỉ là bài kiểm tra nhẹ, "ác mộng" thật sự sắp bắt đầu
Bộ Thủy lợi của Trung Quốc ngày 13/7 cho biết, 433 con sông trên cả nước đã có lượng nước vượt mức báo động.
- 14-07-2020Mưa lũ lịch sử, 33 sông lớn ở Trung Quốc vượt mức kỷ lục
- 14-07-2020Trung Quốc cảnh báo công dân có thể bị tịch thu tài sản tại Australia
Lực lượng Cảnh sát Vũ trang Nhân dân và Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đã được điều động đến các khu vực lũ lụt để củng cố bờ sông, đê điều, chống lũ.
Huy động nguồn lực tối đa khắc phục mưa lũ
Tờ Thời báo Hoàn Cầu (Trung Quốc) cho rằng đối mặt với nguy cơ thảm họa, truyền thông phương Tây đã có suy đoán sai lệch rằng Trung Quốc sẽ lặp lại trận lụt năm 1998 mặc dù nước này đã chi tiêu số tiền khổng lồ cho hệ thống chứa nước.
Tờ báo trích lời chuyên gia Trung Quốc, bác bỏ những lo ngại, nói rằng tình hình có thể khó khăn hơn trong tuần tới, thậm chí là tháng tới. Tuy nhiên với hệ thống trữ nước, đặc biệt với đóng góp của hồ chứa đập Tam Hiệp khổng lồ, những cơ chế ứng phó khẩn cấp, công nghệ cao, với quyết tâm của người Trung Quốc, thương vong và tổn thất sẽ được hạn chế đến mức tối đa, kịch bản năm 1998 sẽ không lặp lại.
Bộ Thủy lợi Trung Quốc vào sáng thứ Hai (13/7) cho biết trong 433 con sông vượt mức báo động lũ kể trên, có 109 con sông có lượng nước vượt mức an toàn và 33 con sông ghi nhận mức nước cao kỉ lục trong lịch sử.
Trong trường hợp nước tại các con sông tràn ra ngoài, phản ứng sẽ được kích hoạt ở mức cao nhất, đội cứu hộ sẽ đóng quân suốt ngày đêm, đê được gia cố và người dân được sơ tán.
Bộ này cho biết thêm, tình hình lũ lụt dọc dòng chính của sông Dương Tử (Trường Giang), bao gồm các thành phố lớn như Vũ Hán vẫn đang ở mức ổn định.
Tuy nhiên, tình hình phía Đông tỉnh Giang Tây đang ở mức nghiêm trọng nhất. Tại Giang Tây, hồ Bà Dương – hồ nước ngọt lớn nhất Trung Quốc đã báo cáo mức nước báo động, ít nhất bốn trạm thủy văn tại hồ đã vượt mức nước lũ kỷ lục năm 1998.
Hồ Bà Dương đã đạt diện tích mặt nước lên đến 4.206 km2 - mức lớn nhất trong thập kỉ, lớn hơn 20% so với mức trung bình mùa lũ.
Tại khu vực Wenguidao, thị trấn Bà Dương, huyện Bà Dương, việc xây dựng khẩn cấp đã được tiến hành nhằm khắc phục sự cố vỡ đê. 300 đội xây dựng, 25 máy xây và 150 phương tiện đã có mặt - kỹ sư tuyến đầu chống lũ Zeng Mingyang nói với tờ Hoàn Cầu ngày 13/7.
Nước lũ từ hồ tràn qua đê Weiguidao vào ngày 8/7 đã làm ngập 62 km2 đất nông nghiệp và sáu ngôi làng. Hơn 10.000 dân làng đã được sơ tán.
Kỹ sư Zeng cho biết, vết vỡ đê dài 127m đã được khắc phục vào tối 13/7, nhanh hơn 1 ngày so với dự kiến.
"Chúng tôi chia hai ca làm việc suốt ngày đêm, mỗi ca 12 tiếng," Kỹ sư Zeng nói.
Đội cứu hộ tại thị trấn Bà Dương. Ảnh: Tân Hoa Xã
Tại sông Xihe thuộc thị trấn Bà Dương, binh sĩ của Lực lượng Tên lửa PLA đã chất bao cát để gia cố đê tại một khu vực vỡ đường ống thải. Nếu những điểm yếu này không được khắc phục, đê có thể vỡ bất cứ lúc nào, 10.000 người dân gặp nguy hiểm và 202km2 đất nông nghiệp sẽ bị phá hủy.
Nước từ Trường Giang, một nhánh chảy vào hồ Bà Dương, đã dâng cao hơn đê và đang dâng dần lên bằng chiều cao của "bức tường bùn" gia cố. Nếu nước tràn ra ngoài, trung tâm thị trấn Bà Dương cách đó 3km sẽ bị đe dọa.
Khoảng 500 binh sĩ từ trụ sở Giang Tây đã tập trung đến Trường Giang qua đêm để bảo vệ đê.
Hầu hết dân làng đã được sơ tán, một số thanh niên ở lại phục vụ công việc hậu cần. Họ gửi thức ăn, nước uống cho các chiến sĩ tiền tuyến chống lụt hoặc tham gia vận chuyển bao cát lên đê.
Theo Thời báo Hoàn Cầu, mưa lớn bắt đầu từ 14/7 có thể làm mực nước tăng thêm 2-3cm.
Quan chức thị trấn Bà Dương Wang Zhonghua đang cùng hàng trăm binh sĩ, dân làng và đội tình nguyện "chiến đấu" tại tuyến đầu chống lũ cho hay, "Chúng tôi sẽ ở lại với con đê cho đến phút cuối cùng."
Bài kiểm tra tổng thể chuẩn bị những khó khăn lớn hơn sắp tới
Các nhà phân tích cảnh báo rằng việc vỡ 14 đê ở tỉnh Giang Tây, và để xảy ra tình trạng ngập lụt nghiêm trọng trong lưu vực hồ Bà Dương, đã chỉ ra những điểm yếu trong công tác kiểm soát lũ lụt của Trung Quốc.
Mưa lũ còn nhiều hơn vào cuối tháng 7, đầu tháng 8, chính vì thế lũ lụt lúc này chỉ là bài kiểm tra hệ thống kiểm soát nước, chống lũ của Trung Quốc sau những cải cách lớn trong suốt 22 năm qua từ thảm họa Đại hồng thủy 1998.
Hoàn Cầu dẫn lời các chuyên gia cho rằng, năm nay, nhiều khu vực đã báo cáo tình trạng nghiêm trọng hơn năm 1998, nhưng mất mát sẽ ít hơn nhờ hệ thống kiểm soát nước và cơ chế ứng phó khẩn cấp. Đập Tam Hiệp và các dự án khác đóng vai trò quan trọng trong việc điều tiết đỉnh lũ các lưu vực.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cũng lưu ý rằng những dự án thủy lợi chỉ có thể giảm thiểu tác động của lũ chứ không tránh lũ hoàn toàn. Thời tiết bất lợi như việc mưa kéo dài hơn trên lưu vực sông Dương Tử có thể mang lại hậu quả lớn hơn vượt khả năng chịu đựng của đê điều con người xây dựng.
Ủy viên Ban Ứng phó thiên tai quốc gia Trung Quốc Gao Jiangua nói với Hoàn Cầu hôm 13/7 rằng, sau trận lụt kinh hoàng năm 1998, các thành phố Trung Quốc đã tăng cường công tác phòng chống lũ lụt, xây cao đê điều và xây dựng các khu vực chứa nước tràn trên bờ sông. Những hành động này nhằm đảm bảo rằng các thành phố lớn như Vũ Hán thuộc Hồ Bắc và Cửu Giang thuộc Giang Tây sẽ được bảo vệ khỏi lũ lụt lịch sử.
Thành phố Vũ Hán 13/7. Ảnh: Tân Hoa Xã
Các nhà phân tích cũng cho hay, lũ lụt thời gian gần đây, nghiêm trọng nhất ở tỉnh Giang Tây, cho thấy sự cần thiết của dự án "trả đất nông nghiệp cho hồ" được bắt đầu sau trận lụt năm 1998.
Những trận lũ lớn trong năm nay là bài kiểm tra không chỉ cho hệ thống bảo tồn nước mà còn kiểm tra khả năng ứng phó thiên tai của Trung Quốc.
"Đánh giá sẽ được hoàn tất sau khi mùa lũ qua đi," ông Gao trả lời tờ Thời báo.
Tổ quốc