MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trung Quốc rục rịch khởi động lại nền kinh tế, đối mặt một loạt câu hỏi hóc búa

09-03-2020 - 12:30 PM | Tài chính quốc tế

Trong bối cảnh các biện pháp chống virus, đặc biệt là hạn chế đi lại được triển khai rất nghiêm túc, tỷ lệ khôi phục chỉ là 80% hoặc thấp hơn.

Thời điểm này hàng năm, toàn bộ các nhân vật trong bộ máy chính trị Trung Quốc đều sẽ tập trung tại đại lễ đường nhân dân để bàn bạc và sau đó là biểu quyết thông qua các mục tiêu về tăng trưởng kinh tế cũng như những chính sách để biến mục tiêu thành hiện thực.

Tuy nhiên, thay vào đó thủ đô Bắc Kinh đang im lìm. Những sự kiện tụ tập đông người đều bị hủy trong bối cảnh Trung Quốc và cả thế giới đang phải đương đầu với virus corona chủng mới – thứ gây ra dịch bệnh khiến hàng nghìn người thiệt mạng và khiến nền kinh tế lớn thứ hai thế giới "đóng băng", giờ còn lây lan ra khắp các châu lục.

Dẫu vậy các cuộc họp không thể diễn ra không phải là nguyên nhân duy nhất khiến Trung Quốc chưa thể công bố kế hoạch khởi động lại nền kinh tế. Virus có lẽ sẽ đẩy kinh tế Trung Quốc vào 1 quý tồi tệ, với chỉ số đo lường hoạt động sản xuất sụt giảm mạnh chưa từng thấy.

Trong lúc vẫn đang phải đối mặt với tình trạng y tế khẩn cấp quốc gia, chính phủ của Chủ tịch Tập Cận Bình giờ đây cũng phải quyết định chi tiêu bao nhiêu và chi vào đâu, không quên nghĩ đến những rủi ro vẫn tồn tại lâu nay như gánh nặng nợ và những dự án cơ sở hạ tầng ngày càng đem lại ít hiệu quả. Tất cả sẽ phụ thuộc vào câu hỏi liệu Trung Quốc có muốn bảo vệ mục tiêu tăng trưởng "khoảng 6%" đã được đưa ra ban đầu hay không.

Nếu Trung Quốc vẫn kiên định và sau đó triển khai chính sách kích thích kinh tế thì sẽ cần đến gói kích thích có quy mô tương đương 4.000 tỷ nhân dân tệ (577 tỷ USD) mà nước này đã áp dụng thời khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008. Điều này cũng sẽ giúp hỗ trợ kinh tế thế giới vốn đang đối mặt với nhiều khó khăn.

Tuy nhiên hiện Trung Quốc đang áp dụng phương pháp tiếp cận "chờ đợi và quan sát", bởi các số liệu thống kê cho thấy dịch bệnh đang dần được kiểm soát, và có thể Bắc Kinh sẽ không cần phải chi lớn nếu nền kinh tế có thể tự phục hồi.

Ở tâm dịch Hồ Bắc, số ca nhiễm mới có xu hướng giảm dần với mức trung bình 150 ca/ngày trong tuần trước, so với mức hơn 400 ca trong tuần trước nữa. Ở hầu hết các địa phương khác không ghi nhận thêm ca nhiễm mới trong nhiều ngày liên tiếp, và chỉ xuất hiện một số ca rời rạc.

Những diễn biến này khiến những người tin rằng nền kinh tế có thể nhanh chóng hồi phục theo hình chữ V cảm thấy an tâm phần nào. Tuần trước cổ phiếu của Merck tăng mạnh sau khi công ty cho biết nhiều khả năng tác động của virus sẽ giảm dần trong quý II và chỉ khiến doanh thu giảm 1%.

Nhưng những báo cáo chính xác từ khu vực các tỉnh thành ven biển phía Đông, trung tâm sản xuất của Trung Quốc, cho thấy nhiều công ty chưa thể hoạt động trở lại hoặc hoạt động dưới công suất. Trong bối cảnh các biện pháp chống virus, đặc biệt là hạn chế đi lại được triển khai rất nghiêm túc, tỷ lệ khôi phục chỉ là 80% hoặc thấp hơn.

Một mối nguy khác là với số ca nhiễm mới giảm xuống như hiện nay, nền kinh tế sẽ khởi động lại và công nhân quay trở lại quá sớm. Ben Cowling, giáo sư dịch tễ tại ĐH Hong Kong, cảnh báo có thể xuất hiện làn sóng thứ hai ở Trung Quốc khi các doanh nghiệp hoạt động trở lại và mọi người quay lại làm việc. Các thành phố lớn cũng dễ bị lây nhiễm từ nước ngoài thông qua hoạt động thương mại.

Ngoài ra số liệu thống kê chính thức của Trung Quốc cũng có thể gây nhầm lẫn sau khi nhiều lần thay đổi cách tính, thay đổi khái niệm về ca nhiễm.

Trong bối cảnh bất ổn như hiện nay, các lãnh đạo Trung Quốc đang phải đối mặt với bài toán khó là làm sao để kích thích kinh tế mà không một lần nữa nới lỏng các điều kiện cho vay. Tổng nợ của Trung Quốc đang tiến tới mốc gấp 3 lần quy mô nền kinh tế, và ổn định tài chính vẫn là ưu tiên hàng đầu.

Một gói kích thích mạnh mẽ sẽ yêu cầu hạ lãi suất sâu hơn hiện nay, đồng thời bơm mạnh thanh khoản thông qua hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc, kết hợp các chính sách giảm thuế và tăng chi cho cơ sở hạ tầng. Những biện pháp này vốn đã được bàn đến trước cả khi dịch bệnh bùng phát vì kinh tế Trung Quốc đang giảm tốc.

Triển vọng tăng chi cho cơ sở hạ tầng khá mờ mịt do Trung Quốc hiện đã có mạng lưới đường sắt cao tốc lớn nhất thế giới, và các địa phương có nguồn ngân sách hạn chế.

Nói ngắn gọn hơn thì việc triển khai 1 gói kích thích quy mô lớn khó khăn hơn đáng kể so với lần gần nhất. Trong khi đó theo David Loevinger, người từng là chuyên gia về Trung Quốc tại Bộ Tài chính Mỹ và hiện là chuyên gia phân tích tại quỹ TCW ở Los Angeles, kinh tế Trung Quốc đứng trước nguy cơ phải chịu cả cú sốc bên trong và cú sốc bên ngoài vì kinh tế thế giới cũng bị ảnh hưởng nặng nề, do đó Trung Quốc cần đến kích thích nhiều hơn bao giờ hết.

Trung Quốc rục rịch khởi động lại nền kinh tế, đối mặt một loạt câu hỏi hóc búa - Ảnh 3.

Thu Hương

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên