MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trung Quốc sau khi dỡ bỏ lệnh phong toả là lời cảnh báo đối với Mỹ và châu Âu: Nhà máy, cửa hàng mở cửa trở lại nhưng người tiêu dùng không ai chi tiền!

01-05-2020 - 10:18 AM | Tài chính quốc tế

Trung Quốc – nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới và động lực quan trọng đối với đà tăng trưởng toàn cầu, đang đối mặt với một vấn đề lớn về người tiêu dùng. Chỉ đến khi vấn đề này được giải quyết, thì đà tăng trưởng của quốc gia này – và rộng hơn là cả thế giới, mới có thể "nhen nhóm" trở lại.

Khi đại dịch Covid-19 bùng phát ở Trung Quốc, các công ty và giới chức nước này đã đưa ra những bước tiến lớn để khởi động lại nền kinh tế. Sau thời gian dài đóng cửa, các nhà máy tại đây đã bắt đầu mở cửa trở lại và thậm chí tình hình ô nhiễm không khí cũng đang quay trở lại.

Tuy nhiên, việc chờ đợi sự hồi phục đến từ phía người tiêu dùng dường như lại là nhiệm vụ khó khăn hơn. Nhiều người đã mất việc hoặc cắt giảm lương. Nhưng số khác vẫn lo ngại về dịch bệnh sau thời gian ở trong nhà, trong khi đó họ phải phụ thuộc vào khoản tiền tiết kiệm để lo từng bữa ăn. Đối với thế hệ trẻ Trung Quốc nổi tiếng với cách chi tiêu kiểu phương Tây, việc tiết kiệm lại là một điều mới mẻ.

Chloe Cao là một dịch giả sống tại Bắc Kinh. Chị từng chi hơn 200 USD/tháng cho những bữa ăn ở nhà hàng, 70 USD/tháng cho những buổi đến cửa hàng cafe và khoảng 170 USD cho tuýp kem dưỡng da nhập khẩu. Giờ đây, khi không có việc làm, chị tự nấu ăn, tự mua cafe và mua đồ dưỡng da nội địa với giá 28 USD. Cao chia sẻ: "Mức chi tiêu của tôi đã sụt giảm mạnh. Khi tìm được việc, tôi sẽ bắt đầu tiết kiệm và sẽ không phung phí như trước đây."

Trung Quốc sau khi dỡ bỏ lệnh phong toả là lời cảnh báo đối với Mỹ và châu Âu: Nhà máy, cửa hàng mở cửa trở lại nhưng người tiêu dùng không ai chi tiền! - Ảnh 1.

Vấn đề về tâm lý e ngại khi chi tiêu ở Trung Quốc chính là một bài học đối với Mỹ và châu Âu – khi những quốc gia này chỉ đang lên kế hoạch phục hồi nền kinh tế. Ngay cả khi các công ty mở cửa trở lại, thì thách thức thực sự có thể là thuyết phục người tiêu dùng chi tiền trở lại.

Với một số biện pháp, nền kinh tế Trung Quốc đang từ từ được tái khởi động. Hầu hết các nhà máy và mỏ khai thác đã bắt đầu sản xuất với tốc độ "chóng mặt" trong tháng 3, ở tất cả các lĩnh vực từ sản xuất thép cho đến điện thoại di động. Sản lượng công nghiệp đã tăng trở lại gần với mức kỷ lục.

Dẫu vậy, nền kinh tế nước này vẫn đang gặp nhiều khó khăn. Doanh số bán lẻ - vốn ổn định trong các cuộc khủng hoảng trước đây, đã giảm gần 1/6 trong tháng 3 so với 1 năm trước. Ngoài ra, hình ảnh từ vệ tinh cho thấy ánh sáng từ các khu vực công nghiệp của Trung Quốc ít hơn so với năm trước, là một dấu hiệu cho thấy các công trường xây dựng không hoạt động trong toàn bộ 24 giờ và ít nhà máy hoạt động suốt ngày đêm hơn.

Trung Quốc sau khi dỡ bỏ lệnh phong toả là lời cảnh báo đối với Mỹ và châu Âu: Nhà máy, cửa hàng mở cửa trở lại nhưng người tiêu dùng không ai chi tiền! - Ảnh 2.

Dẫu vậy, những hoạt động đó có thể sẽ không kéo dài. Người tiêu dùng ở Mỹ và châu Âu cũng không mua sắm hàng Trung Quốc nhiều như trước đây. Ví dụ, các cửa hàng department store ở Mỹ đã huỷ bỏ hoặc hoãn nhiều đơn đặt hàng.

Trong khi đó, Larry Hu – kinh tế gia tại ngân hàng đầu tư Macquarie Securities, dự đoán rằng tỷ lệ thất nghiệp của Trung Quốc sẽ tăng gần gấp đôi trong năm nay. Theo ước tính của Zhongtai Securities – công ty môi giới của Trung Quốc, tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị trong tháng 3 là 5,9%, nhưng con số thực có thể lên tới 20%, bao gồm lao động nhập cư từ khu vực nông thôn.

Hơn nữa, tổng doanh số của đồ nội thất, quần áo, đồ gia dụng và trang sức đã giảm 1/4 đến 1/3 vào tháng 3 so với 1 năm trước đó. Trên các khu phố và trung tâm thương mại, nhiều cửa hàng thậm chí đông nhân viên hơn khách, khách hàng chủ yếu chỉ đi qua và không mua sắm.

Ghi nhận khoản nợ khổng lồ để xây dựng các tuyến đường sắt cao tốc, đường cao tốc và những dự án cơ sở hạ tầng mới sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, Trung Quốc đã nỗ lực để phụ thuộc nhiều hơn vào người tiêu dùng. Nhờ nền kinh tế tăng trưởng liên tiếp trong gần nửa thế kỷ, người trẻ luôn sẵn sàng chi tiêu và phóng khoáng như người Mỹ. Trung Quốc cần tái khởi động "động lực" chi tiêu bởi cách thức cũ đã không còn hiệu quả như trước đây.

Một số nhà kinh tế đã kêu gọi Trung Quốc đưa ra nhiều biện pháp hơn để hỗ trợ người tiêu dùng. Dù Mỹ và các quốc gia khác đã công bố những chương trình chi tiêu lớn, gồm phát tiền mặt, thì Trung Quốc lại khá "im hơi lặng tiếng", một phần do lo ngại về nợ. Nhưng nếu không có người mua sắm, thì ngành bán lẻ - một trong những nhà tuyển dụng lớn nhất nước này, sẽ tiếp tục chịu thiệt hại.

Trung Quốc sau khi dỡ bỏ lệnh phong toả là lời cảnh báo đối với Mỹ và châu Âu: Nhà máy, cửa hàng mở cửa trở lại nhưng người tiêu dùng không ai chi tiền! - Ảnh 3.

Doanh số bán lẻ chỉ hồi phục nhẹ, trong khi sản lượng công nghiệp đã tăng vọt sau khủng hoảng Covid-19.

Ngoài ra, rủi ro đối với Trung Quốc là người tiêu dùng hiện vẫn quá thận trọng trong việc chi tiêu. Quốc gia này đã mất nhiều năm để phát triển mạng lưới an sinh xã hội, nhằm mở rộng dịch vụ chăm sóc sức khoẻ và những dịch vụ khác, từ đó thúc đẩy người tiêu dùng chi tiêu nhiều hơn thay vì tiết kiệm cho trường hợp khẩn cấp.

Ở tuổi 29, Chloe Cao luôn có thể tìm được công việc cho mình, chị không bao giờ phải lo ngại về khoản thu nhập tiếp theo sẽ đến từ đâu. Cao sở hữu một bộ sưu tập túi đắt tiền. Khi dịch bệnh lây lan, chị bắt đầu cảm thấy không hài lòng về việc đã chi quá nhiều cho những chiếc túi và tự hỏi "những chiếc túi giờ đây có tác dụng gì".

Hiện tại, vẫn chưa rõ liệu xu hướng tiết kiệm của người tiêu dùng Trung Quốc có kéo dài qua thời gian tìm thấy vaccine và khi cuộc sống trở lại bình thường hay không. Dẫu vậy, nhiều người cho biết họ cảm thấy sự thay đổi này là điều tích cực.

Cao chia sẻ: "Nếu sau này tôi bị bệnh nặng, lại mất việc thì sao? Tôi nghĩ rằng trong tương lai tôi sẽ phải có một khoản tiền nhất định trong tài khoản ngân hàng để cảm thấy an tâm."

Tham khảo New York Times

Lục Lam

Trở lên trên