Trung Quốc sẽ khuấy động thị trường dầu thế giới như thế nào?
Trung Quốc, nước mua dầu lớn nhất thế giới, đang mở một thị trường trong nước để giao dịch hợp đồng tương lai về dầu mỏ. Nền kinh tế số hai thế giới đã ấp ủ kế hoạch này trong nhiều năm.
- 11-02-2018Trung Quốc muốn thay đổi luật chơi trên thị trường năng lượng toàn cầu?
- 27-01-2018Giá dầu thô lên ngưỡng cao nhất hơn 3 năm
Sở Giao dịch Năng lượng Quốc tế Thượng Hải (INE), một đơn vị của Sàn giao dịch Tương Lai Thượng Hải (Shanghai Futures Exchange – SFT), sẽ cho phép người mua Trung Quốc tác động đến giá dầu và thanh toán bằng đồng Nhân dân tệ.
Ngoài ra, thương nhân nước ngoài sẽ được phép đầu tư một trong những thị trường hàng hoá đầu tiên của Trung Quốc bởi vì việc trao đổi được đăng ký tại khu thương mại tự do của Thượng Hải.
Khi nào giao dịch bắt đầu?
Từ ngày 26/3. Các cơ quan chức năng của Trung Quốc đã tiến hành nhiều thử nghiệm và hệ thống giao dịch cũng đã đáp ứng đủ những yêu cầu cần thiết. Nhu cầu với các hợp đồng tương lai dầu mỏ của Trung Quốc đã trở nên cấp bách vào năm 2017 khi Trung Quốc vượt Mỹ trở thành nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới. Lượng dầu mà nền kinh tế số 2 thế giới mua vào đã đạt mức cao kỷ lục hồi tháng 1.
Nguồn: Tổng cục Hải quan Trung Quốc, EIA
Tại sao điều này lại quan trọng với Trung Quốc?
Điều này sẽ giúp Trung Quốc giành được một số kiểm soát đối với giá dầu trên thế giới, bên cạnh các sản phẩm tương lai từ các điểm chuẩn quốc tế chính, dựa trên đồng USD.
Việc ký kết các hợp đồng dầu mỏ bằng đồng nhân dân sẽ thúc đẩy việc sử dụng đồng tiền của Trung Quốc trong thương mại toàn cầu, một trong những mục tiêu quan trọng của đất nước. Và Trung Quốc sẽ được hưởng lợi từ việc có hợp đồng tương lai dành cho các loại dầu mà các nhà máy lọc dầu địa phương tiêu thụ nhiều nhất, khác với các loại dầu theo chuẩn của phương Tây.
Hợp đồng tương lai hoạt động như thế nào?
Hợp đồng tương lai ấn định giá ngày hôm nay nhưng lại giao hàng vào một ngày xác định trong tương lai.Người mua các hợp đồng tương lai muốn sử dụng chúng để tránh rủi ro giá tài sản đó tăng lên trong tương lai, các nhà đầu cơ sử dụng chúng để đặt cược vào biến động giá dầu sắp tới.
Năm 2017, các hợp đồng tương lai dầu ở New York và London đã vượt gấp 23 lần lượng dầu giao dịch thực tế. Dầu thô là một trong những mặt hàng được giao dịch tích cực nhất , với hai chuẩn chính: WTI, giao dịch trên sàn giao dịch New York Mercantile Exchange và dầu Brent, được giao dịch tại ICE Futures Europe ở London.
Tại sao gần đây Trung Quốc mới bắt đầu cho phép giao dịch sản phẩm tương lai?
Dầu kỳ hạn của Trung Quốc đã được đề xuất trong năm 2012 sau khi giá dầu thô tăng lên trên 100 USD/thùng, nhưng giá năm 2017 đã đạt trung bình ít hơn 50 USD.
Cũng có mối lo ngại về sự biến động. Trung Quốc giới thiệu dầu thô tương lai trong nước vào năm 1993, nhưng đã dừng kế hoạch một năm sau đó vì sự biến động của loại hàng hóa này.
Trong những năm gần đây, Trung Quốc liên tục trì hoãn hợp đồng mới trong bối cảnh bất ổn của thị trường chứng khoán và thị trường tài chính. Những động thái bất ổn đó đã khiến chính quyền Trung Quốc can thiệp vào thị trường bằng cách này hay cách khác.
Các hợp đồng tương lai của các loại hàng hóa khác được giao dịch tại Trung Quốc như thế nào?
Nickel là mặt hàng chính gần nhất được niêm yết vào năm 2015, trong vòng sáu tuần, giao dịch tại Thượng Hải vượt qua hợp đồng tương lai trên sàn giao dịch kim loại London, LME.
Tại Trung Quốc, các nhà đầu cơ đóng vai trò lớn hơn, thúc đẩy khối lượng giao dịch nhưng làm cho các thị trường dễ bị biến động. Vào đầu năm 2016, người đứng đầu LME cho hay, có thể một số thương nhân Trung Quốc thậm chí không biết họ đang kinh doanh gì khi các nhà đầu tư đổ vào mọi thứ từ các thanh thép gia cố đến quặng sắt. Giá tăng mạnh không ngừng nghỉ khi Trung Quốc can thiệp vào thị trường với các quy tắc giao dịch chặt chẽ hơn, mức phí cao hơn và thời gian giao dịch ngắn hơn.
Liệu người nước ngoài có mua dầu tương lai của Trung Quốc?
Điều này vẫn còn phải chờ đợi thêm thời gian để trả lời chính xác. Các nhà sản xuất và kinh doanh dầu ở nước ngoài sẽ phải làm quen không chỉ với việc can thiệp thị trường thường xuyên mà còn cả việc kiểm soát dòng vốn chảy ra khỏi nền kinh tế của Trung Quốc. Việc kiểm soát dòng vốn đã được thắt chặt trong hai năm qua sau khi cú sốc đồng NDT giảm giá vào năm 2015 dẫn đến dòng vốn tháo chạy khỏi Đại lục.
Trung Quốc cũng đặt ra những rào cản tương tự với nhà đầu tư nước ở thị trường cổ phiếu và trái phiếu của nước này. Tuy nhiên, Trung Quốc gần đây đã thông qua một kế hoạch cho phép các nhà đầu tư nước ngoài giao dịch trực tiếp vào các hợp đồng quặng sắt ở lục địa.
Nhân dân tệ có thể thách thức sự thống trị của USD với dầu mỏ?
Theo một số nhà phân tích, điều này còn lâu mới xảy ra bởi vì thanh toán dầu bằng USD cũng là một phương tiện để phòng thủ.
Shady Shaher, người đứng đầu chiến lược vĩ mô của Emirates NBD PJSC, nói rằng cần phải nhìn vào các giao dịch bằng đồng nhân dân tệ vì Trung Quốc là thị trường trọng điểm, nhưng sẽ mất nhiều năm.
Nhà phân tích David Fickling thuộc Bloomfly cho rằng Trung Quốc không có "ảnh hưởng đủ lớn trên thị trường dầu mỏ để thực hiện một thay đổi như vậy". Mặt khác, việc chi trả bằng đồng nhân dân tệ cho dầu mỏ có thể trở thành một phần của "một Vành đai, một Con đường" để phát triển mối quan hệ giữa Âu Á, bao gồm cả Trung Đông.
Sự tham gia của Trung Quốc vào dự án chào bán công khai ban đầu của Saudi Aramco có thể giúp đưa ra ý kiến của Saudi về việc chấp nhận đồng nhân dân tệ, chỉ được sử dụng trong khoảng 2% thanh toán toàn cầu.
Bloomberg