MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trung Quốc tăng nhập khẩu gạo ST24 của Việt Nam

17-06-2021 - 14:11 PM | Thị trường

Gạo thơm - Ảnh Nguyễn Huyền

Gạo thơm - Ảnh Nguyễn Huyền

Cơ cấu gạo xuất khẩu trong 5 tháng đầu năm có sự thay đổi lớn, gạo thơm các loại và dòng gạo cao cấp ST tiếp tục được các thị trường “top trên” đón nhận tốt, trong bối cảnh thị trường xuất khẩu gạo trắng đang khá trầm lắng.

Sau 2 tháng tăng liên tiếp, xuất khẩu gạo tháng 5 giảm 34,3% về lượng và giảm 31,2% về kim ngạch so với tháng 5/2020. Lũy kế 5 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo đạt gần 2,6 triệu tấn gạo, tương đương 1,41 tỷ USD, giảm 16% về lượng và 6% về kim ngạch. Giá xuất khẩu trung bình 542,8 USD/tấn, tăng 11,9% so với cùng kỳ.

Trung Quốc tăng nhập khẩu gạo ST24 của Việt Nam - Ảnh 1.
Trung Quốc tăng nhập khẩu gạo ST24 của Việt Nam - Ảnh 2.

Nguồn VITIC

Trung Quốc tiếp tục đứng sau thị trường Philippines

Trong 5 tháng đầu năm tuy lượng gạo xuất khẩu sang Philippines giảm mạnh nhưng thị trường này vẫn duy trì vị trí hàng đầu của xuất khẩu gạo Việt Nam, kế đến là thị trường Trung Quốc.

Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong 5 tháng đầu năm nay Trung Quốc vẫn duy trì vị trí thứ 2, chiếm trên 18%  tổng lượng và tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam, đạt 483 ngàn tấn, tương đương 253 triệu USD, giá trung bình 523,9 USD/tấn, tăng 12,5% về lượng nhưng kim ngạch giảm 1,7% và giá giảm 12,6% so với cùng kỳ.

Riêng tháng 5, xuất khẩu gạo sang Trung Quốc đạt gần 114 ngàn tấn, tương đương 59 triệu USD, giá trung bình 517,4 USD/tấn, tăng nhẹ về khối lượng, kim ngạch và giá xuất khẩu.

Trong tháng 4/2021, gạo nếp tiếp tục là mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 85,5 nghìn tấn, trị giá 41,6 triệu USD (chiếm 75,9% về khối lượng và 71,8% về giá trị); so với cùng kỳ năm ngoái, giảm 20% về khối lượng và 35,6% về giá trị.

Top 3 công ty xuất khẩu gạo nếp sang thị trường Trung Quốc trong tháng 4 gồm: Công ty TNHH Dương Vũ; Công ty TNHH Tân Thạnh An và Công ty CP Tân Đồng Tiến. Ba công ty này chiếm tỷ trọng lần lượt là 18,3%, 13,2% và 11,8% tổng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. So với cùng kỳ năm 2020, Công ty TNHH Dương Vũ giảm 26,2%, Công ty TNHH Tân Thạnh An tăng 87,5%, còn Công ty CP Tân Đồng Tiến tăng 96,5%.

Trung Quốc tăng nhập khẩu gạo ST24, Mỹ tăng mua gạo ST25

Trong bối cảnh xuất khẩu gạo của cả nước đang khá trầm lắng thì tình hình xuất khẩu gạo ST24 và ST25 khá tốt, nhờ thị trường Trung Quốc, Mỹ và EU tăng mua. Đặc biệt thị trường Trung Quốc tiêu thụ rất tốt gạo ST24. Tại thị trường châu Âu gạo ST24 phải đóng thuế nhưng vẫn bán có lời nếu phát triển được diện tích lúa ST24 sẽ tạo ra lợi thế tốt hơn cho gạo Việt Nam. Riêng thị trường Mỹ lại chuộng gạo ST25.

Ông Trần Tuấn Kiệt, Tổng giám đốc công ty TNHH LTTP XNK Miền Nam Food cho biết, xuất khẩu gạo thơm tiếp tục khởi sắc trong bối cảnh xuất khẩu gạo cả nước sụt giảm. Trong phân khúc gạo thơm, dòng gạo ST tuy mới tham gia thị trường thời gian gần nhưng đã được các nước nhập khẩu gạo đón nhận tốt góp phần đưa sản lượng xuất khẩu gạo thơm tăng cao. Trong 5 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo ST21 đạt 18 ngàn tấn, gạo ST24 đạt 22,7 ngàn tấn, gạo ST25 đạt 2,6 ngàn tấn.

“Trong 4 tháng đầu năm nay Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất gạo ST24, chiếm 87% trên tổng khối lượng xuất khẩu đạt 12.700 tấn, tăng 13,2% so với cùng kỳ.

Trong khi đó thị trường Mỹ lại chuộng gạo ST25, 4 tháng qua cả nước đã xuất khẩu được 2.300 tấn ST25, thì có đến 95% xuất khẩu sang thị trường Mỹ tương đương 2.230 tấn, trong khi cùng kỳ năm ngoái chỉ đạt 5 tấn và cả năm 2020 chỉ 1.200 tấn”, ông Kiệt cho hay.

Còn tại thị trường nội địa, phân khúc gạo cao cấp gạo ST24 và gạo ST25 có giá bán lẻ dao động từ 25.000 - 36.000 đ/kg tùy loại nhưng vẫn tiêu thụ tốt, vì mức giá này phù hợp với số đông người tiêu dùng Việt. Qua đó cho thấy các dòng gạo cao cấp đã có “đất sống” ngay trên thị trường nội địa và là xu hướng tiêu dùng của người Việt hiện nay.

Trung Quốc tăng nhập khẩu gạo ST24 của Việt Nam - Ảnh 3.

Ảnh minh họa gạo ST24

Theo chuyên gia, trên thị trường thế giới trong tháng 5/2021, giá gạo Việt Nam đạt 493 USD/tấn vào đầu tháng và giữ nguyên mức này. Hiện nay nhu cầu mua của các thương nhân nước ngoài không lớn và đang chờ đợi vụ thu hoạch Hè Thu.

Hiện nay, gạo trắng loại 5% tấm Việt Nam dao động từ 483 - 487 USD/tấn, gạo 25% giá 463 - 467 USD/tấn. Trong khi đó, giá gạo 5% của Ấn Độ đạt 374 USD/tấn vào đầu tháng nhưng đã tăng nhẹ vào gần cuối tháng và hiện đang ở mức khoảng 388 -392 USD/tấn.

Dịch Covid-19 đang khiến cho Ấn Độ rơi vào khủng hoảng lớn, hoạt động logistics bị đình trệ góp phần khiến cho giá gạo trở nên bất ổn, bất chấp việc Chính phủ nước này đang cố gắng mở kho dự trữ để cung ứng lương thực tốt hơn cho người dân bị ảnh hưởng.

Giá gạo Thái Lan đạt mức 480 USD/tấn vào đầu tháng và giảm xuống 465 USD/tấn vào gần cuối tháng, hiện giá gạo trắng 5% tấm Thái Lan đang dao động từ 439 - 443 USD/tấn (giảm 2 USD/tấn). Nguyên nhân chính là do nhu cầu của thương nhân nước ngoài đối với gạo Thái Lan đang rất thấp, trong khi nguồn cung nội địa khá dồi dào.

Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, trong thời gian tới, triển vọng nhu cầu của thị trường vẫn tương đối tốt. Tuy nhiên, xuất khẩu gạo của Việt Nam dự đoán có sự cạnh tranh lớn từ các nhà cung cấp khác như Thái Lan, Ấn Độ bởi giá gạo Việt Nam đang cao hơn 20 USD/tấn so với giá gạo Thái Lan và hơn 100 USD/tấn so với gạo Ấn Độ.

Theo Nguyễn Huyền

BizLive

Trở lên trên