Trung Quốc thừa nhận nợ xấu tăng vọt hàng trăm tỉ USD: Sức ép đáng sợ "bóp nghẹt" hệ thống tài chính?
Quan chức quản lý ngân hàng hàng đầu của Trung Quốc hôm 13/8 nói các nhà băng nước này sẽ phải giải quyết khoản nợ xấu trị giá 3.400 tỷ NDT (489,5 tỷ USD) trong năm nay.
- 18-08-2020Truy tố nhóm đối tượng tổ chức đưa người Trung Quốc trái phép vào Đà Nẵng
- 18-08-2020Trung Quốc tiếp tục yêu cầu Canada thả ngay bà Mạnh Vãn Chu
- 18-08-2020Giáo sư Harvard: Giá nhà ở Trung Quốc đã đạt đỉnh, tiềm ẩn nhiều nguy cơ
Nợ xấu của Trung Quốc tăng mạnh
Tuyên bố nói trên đánh dấu một rủi ro lớn đối với hệ thống ngân hàng ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Tổng số nợ xấu này ghi nhận mức tăng mạnh từ mức 2.300 tỷ NDT của năm trước và số lượng nợ xấu dự báo có thể còn tăng cao hơn vào năm sau.
Ông Guo Shuqing, Chủ tịch Ủy ban Quản lý Ngân hàng và Bảo hiểm Trung Quốc (CBIRC), nói với Tân Hoa Xã rằng sự gia tăng nợ xấu - các khoản nợ không có khả năng hoặc gần như không có khả năng thu hồi - sẽ tạo ra sức ép rất lớn lên các ngân hàng, đặc biệt là ngân hàng nhỏ và ngân hàng khu vực.
"Do có nhiều khoản vay sẽ tới hạn [năm 2020], một số vấn đề sẽ chỉ nổi lên vào năm sau", ông Guo nói, cho biết thêm rằng xu hướng tồn đọng các khoản nợ xấu là "không thể tránh khỏi" vì hoạt động kinh doanh của nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề do đại dịch COVID-19.
Cảnh báo của Guo được đưa ra vào thời điểm rất nhiều ngân hàng nhỏ của nước này đang phải đối mặt với thời điểm kiểm kê tài sản sau nhiều năm tiến hành cho vay bừa bãi, đó là chưa kể cả trường hợp gian lận tài chính và tham nhũng.
Trong khi đó, ông Guo cho biết, các ngân hàng Trung Quốc đã cải thiện cơ cấu cho vay và tăng cường cho vay trong các lĩnh vực sản xuất, cơ sở hạ tầng, công nghệ và doanh nghiệp nhỏ.
Ông Guo nói thêm rằng các ngân hàng Trung Quốc hiện đã nhận được chỉ thị gia tăng hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ. Ngoài ra, ông cho biết sẽ khuyến khích các ngân hàng đầu tư nhiều hơn vào trái phiếu doanh nghiệp.
Nợ xấu tiềm ẩn đè nặng ngân hàng Trung Quốc
Theo thống kê chính thức từ CBIRC, Trung Quốc hiện là một trong những nước đang duy trì tỷ lệ nợ xấu ở mức thấp nhất trên thế giới. Tỷ lệ nợ xấu tại các ngân hàng thương mại đã tăng 0,03% trong quý II lên mức 1,94% vào cuối tháng 6.
Tuy nhiên, các khoản nợ xấu tiềm ẩn, khi tích lũy lại sẽ nhanh chóng chiếm hết lợi nhuận ngân hàng và xói mòn lượng vốn gốc. Theo dữ liệu của chính phủ, trong nửa đầu năm nay, lợi nhuận tổng của các ngân hàng tại quốc gia tỷ dân lần đầu tiên giảm trong hơn một thập kỷ, giảm 9,4% xuống mức 1.000 tỷ NDT.
Ngân hàng Baoshang, có trụ sở tại thành phố Bao Đầu của khu tự trị Nội Mông, kể từ năm 2016 đến nay đã không công bố bất kỳ báo cáo thường niên nào và chính quyền địa phương đã quyết định tiếp quản ngân hàng này vào tháng 5/2019. Sau hơn một năm kiểm tra sổ sách, NHTW Trung Quốc phát hiện ra rằng dữ liệu tài chính của ngân hàng có hiện tượng giả mạo và nhà băng này phải nộp đơn xin phá sản.
Vụ việc trên đánh dấu sự thất bại của ngân hàng đầu tiên ở Trung Quốc trong hơn 2 thập kỉ. Chỉ tính riêng giao dịch nội bộ, Baoshang đã cung cấp cho Tập đoàn Tomorrow, thuộc sở hữu của ông trùm Xiao Jianhua, cũng là cơ quan giám sát của ngân hàng, các khoản vay có giá trị lên tới 156 tỷ nhân dân tệ (22,5 tỷ USD). Tất cả các khoản vay đều trở thành "nợ xấu", theo thông tin từ một báo cáo do trưởng nhóm tiếp quản ngân hàng trung ương, ông Zhou Xuedong, công bố.
Báo cáo của Caixin (Trung Quốc) cho biết tính đến cuối năm 2017, ngân hàng Baoshang có 556 tỉ nhân dân tệ tài sản và nợ xấu là 290 tỉ nhân dân tệ (Ảnh: Reuters)
Chính phủ Trung Quốc cũng đã tham gia bảo lãnh Ngân hàng Hengfeng vào năm ngoái. Năm nay, ít nhất 4 vụ điều hành ngân hàng đã được báo cáo lên NHTW Trung Quốc, tất cả đều xảy ra tại các công ty tín dụng nhỏ quy mô khu vực.
Theo thống kê chính thức của Trung Quốc, tỷ lệ nợ xấu tại các ngân hàng thương mại nông thôn là 4,22%. Việc sáp nhập các ngân hàng nhỏ, thường do chính quyền địa phương quản lý, đang diễn ra ngày càng phổ biến hơn.
Ví dụ, vào tháng 6, Ngân hàng Thương mại Thành phố Phàn Chi Hoa và Ngân hàng Thương mại Quận Lương Sơn ở tỉnh Tứ Xuyên đã thông báo rằng họ sẽ hợp nhất thành một ngân hàng mới.
5 ngân hàng địa phương ở tỉnh Sơn Tây phía bắc Trung Quốc gồm Ngân hàng Jinzhong, Ngân hàng Jincheng, Ngân hàng Thương mại Thành phố Dương Tuyền, Ngân hàng Changzhi và Ngân hàng Đại Đồng, cũng dự kiến sẽ hợp nhất để tạo thành một ngân hàng mới. Theo thông báo của ngân hàng được công bố vào tuần trước, đề xuất sáp nhập sẽ được thảo luận tại hội nghị cổ đông tạm thời vào cuối tháng 8.
Tuy nhiên, người ta vẫn còn nhiều nghi ngại đối với hệ thống các ngân hàng nhỏ Trung Quốc. Raymond Yeung, nhà kinh tế trưởng Trung Quốc tại Ngân hàng ANZ, cho biết các ngân hàng nhỏ, thường thuộc sở hữu của chính quyền địa phương, đối mặt với rủi ro đặc biệt cao khi thanh toán các dự án trọng điểm của chính quyền địa phương và doanh nghiệp nhà nước.
"Nhìn chung, ngân hàng có quy mô lớn hơn có khả năng đa dạng hóa rủi ro… Nhưng điều quan trọng hơn là cải thiện chất lượng tài sản thông qua tái cấu trúc doanh nghiệp và xử lý tài sản xấu," ông Yeung nói.
Trong cuộc phỏng vấn với Tân Hoa xã, ông Guo Shuqing cam kết bổ sung vốn đăng ký của các ngân hàng nhỏ, mở rộng phạm vi vốn để xử lý rủi ro và cải thiện quản trị doanh nghiệp.
Ông Guo nói thêm, "quá trình cải cách các ngân hàng quy mô vừa và nhỏ là chìa khóa để cải thiện tính ổn định và hiệu quả của nền tài chính Trung Quốc".
Tổ quốc