MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trung Quốc từng điều tra nhưng không chặn nổi thuốc thịt người

10-11-2018 - 16:43 PM | Thị trường

Năm 2011, Trung Quốc từng tiến hành điều tra sau khi có thông tin Hàn Quốc thu giữ hàng chục ngàn viên thuốc thịt người từ Trung Quốc tuồn vào.

Từ giữa cuối tháng 10, Nigeria đã phát cảnh báo đỏ cho các cơ quan y tế nước này về nguy cơ thuốc thịt người Trung Quốc tuồn vào nước này, cũng như xúc tiến điều tra về việc này.

Cơ quan Hải quan Hàn Quốc cũng thông báo đã thu giữ tổng cộng 2.751 viên thuốc thịt người buôn lậu vào nước này từ Trung Quốc trong khoảng thời gian từ năm 2015 đến tháng 8 năm nay. Trước đó, trong khoảng từ tháng 8-2011 đến tháng 5-2012, hải quan Hàn Quốc đã chặn 35 vụ buôn lậu và thu giữ hơn 17.000 viên thuốc thịt người.

Trung Quốc từng điều tra nhưng không chặn nổi thuốc thịt người - Ảnh 1.

Thuốc thịt người Trung Quốc được cảnh sát thu giữ tại Trụ sở Cảnh sát tỉnh Nam Chungcheong ở TP Daejeon, Nam Chungcheong (Hàn Quốc). Ảnh: EPA

Theo Telegraph, thực ra sau khi có thông tin thu giữ từ Hàn Quốc , năm 2011 Trung Quốc đã thực hiện một cuộc điều tra về chuyện sử dụng bào thai chết hay trẻ chết vì sinh non để bào chế thuốc.

Báo chí Trung Quốc từng xác định các tỉnh đông bắc Trung Quốc là nguồn của loại thuốc thịt người này, đặc biệt tỉnh Cát Lâm có biên giới với Triều Tiên. Cơ quan phụ trách cuộc điều tra của Trung Quốc là Cơ quan An toàn Thực phẩm và Dược phẩm tỉnh Cát Lâm. Telegraph cho biết vào thời điểm cuộc điều tra diễn ra, hãng tin này có gọi cho cơ quan này lẫn chính quyền Cát Lâm hỏi về sự việc nhưng không được trả lời.

Trung Quốc từng điều tra nhưng không chặn nổi thuốc thịt người - Ảnh 2.

Bộ Y tế Trung Quốc đã từng có động thái điều tra chuyện sản xuất thuốc từ bào thai. Ảnh: SBS

Theo thông tin từ Daily Mail thì luôn có sẵn một lực lượng thương lái túc trực ở các cơ sở y tế để mua các bào thai bị phá bỏ trước khi thành hình hay chết non, cả thi thể những đứa trẻ chết sau sinh, sau đó mang về trữ trong các tủ lạnh. Điểm đến sau đó của các bào thai , thi thể này là các cơ sở chế biến thuốc.

Năm 2014, một điều tra của đội làm phim tài liệu của SBS (Hàn Quốc) công bố thông tin điều tra rất nhiều bệnh viện và cơ sở phá thai ở Trung Quốc cũng chủ động chuyển bào thai trẻ sinh non hay bị phá bỏ cho các cơ sở sản xuất thuốc thịt người.

Nguyên liệu chính trong viên thuốc là thịt người, nhưng chúng sẽ được trộn với thảo dược như một cách qua mắt các nhà điều tra và nhân viên hải quan. Hải quan Hàn Quốc cho biết xét nghiệm cho thấy tới 99,7% thành phần các viên thuốc này là thịt người, thậm chí còn có thể cho biết giới tính của bào thai được sử dụng trong viên thuốc.

Theo thông tin từ báo Joongang Ilbo (Hàn Quốc), thuốc thịt người đã được bán ở các thị trấn, thị xã Trung Quốc với giá 220 USD/kg (hơn 5 triệu đồng) hoặc từ 53-80 USD (từ 1,2 triệu đến 1,8 triệu đồng) một gói 30-50 viên. Khách hàng của loại thuốc này thường là những người cả tin hoặc những người bệnh nặng, nan y.

Thuốc được các nhà sản xuất quảng bá có thể giúp tăng miễn dịch, giúp trẻ hóa, chữa ung thư, tiểu đường và một số bệnh giai đoạn cuối. Vì công dụng được quảng bá trên trời này mà nhu cầu tiêu thụ thuốc thịt người được đẩy lên rất cao. Tuy nhiên, Cơ quan Hải quan Hàn Quốc cho biết Bộ An toàn Thực phẩm và Dược phẩm Hàn Quốc đã xác định có tới 18,7 tỉ virus trong các viên thuốc này, trong đó có cả virus gây viêm gan B, ngoài ra còn chứa nhiều thành phần nguy hiểm khác.

Bên cạnh thuốc thịt người, nhau thai sấy khô cũng được lùng mua. Chuyện sử dụng nhau thai người với niềm tin sẽ giúp tăng lưu thông máu không lạ ở Trung Quốc và cả ở nhiều nước.

Trung Quốc từng điều tra nhưng không chặn nổi thuốc thịt người - Ảnh 3.

Quan chức Trung Quốc đang tịch thu hàng ngàn vỉ thuốc lưu thông lậu. Ảnh: CORBIS

Daily Mail ghi nhận phía Trung Quốc đã cố gắng ngăn chặn từ sản xuất đến tiêu thụ trong nước lẫn xuất khẩu nhưng không xuể và hàng ngàn vỉ thuốc vẫn được tràn qua các nước khác.

Dù Trung Quốc vẫn khẳng định sẽ kiểm soát chặt chẽ ngành công nghiệp sản xuất thuốc thảo dược ở nước này, nhưng Guardian dẫn lời chuyên gia dược phẩm Yazan Saleh ở Nigeria rằng Trung Quốc vẫn gặp thách thức lớn ở việc kiểm soát thực thi các quy định. Hơn nữa, Trung Quốc thiếu các hướng dẫn và tiêu chuẩn rõ ràng cho các nhà sản xuất thuốc.

Cũng theo ông, một lý do nữa là do số lượng công ty, cơ sở sản xuất thuốc ở Trung Quốc quá đông, hơn 5.000, bên cạnh đó có tới khoảng 500 công ty xuất khẩu thuốc. Nhiều công ty sản xuất thuốc quy mô nhỏ không đủ điều kiện tuân thủ các quy định, cũng có công ty lờ đi để duy trì khả năng cạnh tranh của mình.



Theo Đăng Khoa

Pháp luật TPHCM

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên