MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trung Quốc xóa đói giảm nghèo cực kỳ tốn kém với công việc, nhà ở và bò: Kẻ tung hô, người nức nở khóc than

03-01-2021 - 08:18 AM | Tài chính quốc tế

Trung Quốc xóa đói giảm nghèo cực kỳ tốn kém với công việc, nhà ở và bò: Kẻ tung hô, người nức nở khóc than

Trong khi đó, ông Tập Cận Bình lại được ca ngợi, sánh ngang Mao Trạch Đông nhờ chương trình tiền tỷ này.

Khi chính phủ Trung Quốc cung cấp bò giống miễn phí cho nông dân ở làng Kết Nguyên (tỉnh Cam Túc), dân làng ở vùng núi hẻo lánh này đã tỏ ra nghi ngờ. Họ lo lắng rằng các quan chức sẽ lấy lại những con bò này trong tương lai, cũng như những con bê mà họ đã vất vả nuôi.

Nhưng nông dân vẫn đang giữ những con bò và số tiền họ kiếm được. Những người khác lại nhận được một đàn cừu nhỏ. Chính phủ cũng cử người đến xây dựng một con đường vào thị trấn, xây những ngôi nhà mới cho những người nghèo nhất trong làng, và cải tạo một trường học cũ thành một trung tâm cộng đồng.

Trung Quốc xóa đói giảm nghèo cực kỳ tốn kém với công việc, nhà ở và bò: Kẻ tung hô, người nức nở khóc than - Ảnh 1.

Trong chương trình xóa đói giảm nghèo của chính phủ TQ, ông Giả Hoán Văn nhận được một con bò cái. Ảnh: NYT

Ông Giả Hoán Văn, 58 tuổi, một người dân ở tỉnh Cam Túc, ba năm trước nhận được một con bò cái và hiện bò mẹ đã sinh được hai con bê khỏe mạnh. Vào tháng 4 năm nay, ông đã bán con bò với giá 19.000 nhân dân tệ, tương đương với thu nhập mà ông kiếm được từ việc trồng khoai tây, lúa mì và ngô trên cánh đồng bậc thang gần nhà trong hai năm. Giờ đây, ông có thể thường xuyên mua rau về chế biến thức ăn cũng như các loại thuốc chữa viêm khớp gối.

"Đây là con bò tốt nhất của tôi", ông Giả nói.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đưa ra cam kết đầy tham vọng rằng, đến cuối năm 2020, các vùng nông thôn nước này sẽ hết đói nghèo và làng Kết Nguyên là một trong những trường hợp thành công. Trung Quốc tuyên bố rằng chỉ trong 5 năm, họ đã đưa hơn 50 triệu nông dân bị bỏ lại bởi nền kinh tế đô thị đang phát triển nhanh chóng thoát khỏi cảnh nghèo cùng cực.

Theo The New York Times, thành công này chứng tỏ cái giá phải trả khá cao của Trung Quốc trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, bởi cách tiếp cận xóa đói giảm nghèo này dựa vào các khoản trợ cấp khổng lồ và có thể không bền vững để tạo việc làm và xây dựng nhà ở kiên cố hơn cho người dân.

Mô hình thoát nghèo thành công

Giới chức địa phương xác định các hộ nghèo - tiêu chuẩn là chi phí sinh hoạt hàng ngày dưới khoảng 11 NDT (thu nhập bình quân đầu người ổn định trên 4.000 NDT/năm). Chính quyền cho vay, trợ cấp và thậm chí cấp cả gia súc cho người nghèo. Các quan chức đến thăm dân làng hàng tuần để kiểm tra tiến độ xóa đói giảm nghèo của họ.

Martin Raiser, Giám đốc Văn phòng Trung Quốc của Ngân hàng Thế giới cho biết: "Chúng tôi tin rằng Trung Quốc đã thành công trong việc xóa đói giảm nghèo tuyệt đối ở các vùng nông thôn - nhưng với nguồn lực huy động được, chúng tôi không chắc liệu điều này có bền vững hay hiệu quả về chi phí hay không".

Trong 5 năm qua, Bắc Kinh đã đầu tư gần 4,54 nghìn tỷ NDT cho các khoản vay và trợ cấp để xóa đói giảm nghèo - khoảng 1% sản lượng kinh tế hàng năm. Con số này chưa bao gồm các khoản đóng góp lớn từ các doanh nghiệp nhà nước như Tập đoàn lưới điện State Grid, cũng như khoản đầu tư khoảng 776,9 tỷ NDT cho việc nâng cấp điện lưới nông thôn và triển khai hơn 7.000 nhân viên tham gia các dự án xóa đói giảm nghèo.

Năm nay, khi Trung Quốc phải đối mặt với đợt đại dịch mới và thiệt hại nặng nề do lũ lụt, hành động này càng trở nên cấp thiết. Các tỉnh lần lượt thông báo rằng họ đã đạt được mục tiêu. Vào đầu tháng 12, ông Tập Cận Bình tuyên bố Trung Quốc "đã đạt được một chiến thắng lớn gây ấn tượng với thế giới."

Trung Quốc xóa đói giảm nghèo cực kỳ tốn kém với công việc, nhà ở và bò: Kẻ tung hô, người nức nở khóc than - Ảnh 2.

Ông Trương Tiến Lỗ đứng giữa ngôi nhà cũ và ngôi nhà mới. Ảnh: NYT

Nhưng ông Tập cũng thừa nhận rằng Trung Quốc vẫn cần phải nỗ lực hơn nữa để phân phối của cải rộng rãi hơn. Thu nhập hàng tháng của công nhân nhập cư làm việc trong các nhà máy ở các thành phố ven biển có thể cao ngang với thu nhập hàng năm của nông dân Cam Túc.

Chủ tịch Trunng Quốc cũng kêu gọi các quan chức đảm bảo rằng cơ hội việc làm mới được tạo ra và hỗ trợ cho người nghèo sẽ không biến mất trong vài năm tới.

Cam Túc, tỉnh nghèo nhất của Trung Quốc, vào cuối tháng 11 đã thông báo rằng họ đã hoàn thành công cuộc xóa đói giảm nghèo ở một vài huyện cuối cùng. Chỉ mười năm trước, tình trạng nghèo đói vẫn còn phổ biến trên địa bàn tỉnh.

Trước đó, theo tổ chức phi lợi nhuận quốc tế WikiLeaks tiết lộ, Ông Hồ Cẩm Đào, người tiền nhiệm của ông Tập, từng đến thăm những người dân sống trong những ngôi nhà đơn sơ ở Cam Túc. Dân làng ăn nhiều khoai tây đến nỗi các quan chức địa phương cảm thấy xấu hổ khi một bé gái từ chối ăn thêm một miếng khoai tây nữa với ông Hồ Cẩm Đào trước ống kính truyền hình vì cô bé cảm thấy quá ngấy.

Hiện nay, mặc dù nhiều làng vẫn chỉ có đường một chiều nhưng hai bên đường đã có đèn đường chạy bằng pin mặt trời. Các trang trại chăn nuôi lợn quy mô lớn, vườn ươm và nhà máy nhỏ lẻ mọc lên vô số, tạo thêm nhiều cơ hội việc làm. Các công nhân đang xây dựng những ngôi nhà mới cho những người nông dân.

Ba năm trước, Trương Tiến Lỗ hoảng sợ thức dậy khi bức tường gạch bùn của gia đình bị sụp đổ do mưa xói mòn. Phần gỗ của một bên mái nhà rơi xuống cùng với các phiến đất, suýt chút nữa đập vào người ông và mẹ ông.

Các quan chức ở làng Du Phường đã xây cho họ một ngôi nhà bê tông mới khang trang với nội thất mới. Giờ đây, Trương Tiến Lỗ, 69 tuổi, còn nhận được khoản trợ cấp 500 NDT mỗi tháng thông qua dự án xóa đói giảm nghèo. Căn nhà cũ của ông cũng được xây lại thành nhà kho.

"Nó từng là một ngôi nhà đổ nát, và bị dột khi trời mưa", ông nói.

Nguy cơ chông chênh không bền vững

Nếu các nhà máy tư nhân thuê công nhân từ các hộ nghèo, chính phủ sẽ giúp họ mua thiết bị và trả lương.

Tại Công ty TNHH May mặc Tanyue Tongwei ở đông nam Cam Túc, khoảng 170 công nhân đang may đồng phục học sinh, áo phông, áo khoác và khẩu trang, đa số là nữ. Các công nhân cho biết, ngoài tiền lương, hàng chục công nhân còn được nhận thêm kinh phí từ dự án xóa đói giảm nghèo.

Trung Quốc xóa đói giảm nghèo cực kỳ tốn kém với công việc, nhà ở và bò: Kẻ tung hô, người nức nở khóc than - Ảnh 3.

Dương Hiểu Linh làm việc tại quê nhà nhưng số tiền của cô không đủ để trang trải chi phí sinh hoạt của gia đình. Ảnh: NYT

Lư Á Minh, đại diện pháp lý của công ty, nói rằng Tanyue nhận được ít nhất 171.000 NDT trợ cấp từ kế hoạch xóa đói giảm nghèo mỗi năm - bao gồm cả khoản thanh toán 3.000 NDT/người/năm cho 17 người nghèo trong làng.

Tuy nhiên, nếu không có sự hỗ trợ liên tục, khả năng tồn tại của các nhà máy này là không đủ. Lư cho biết trước khi có trợ cấp, các nhà máy thường gặp khó khăn trong việc trả lương đúng hạn.

Mọi người chắc chắn sẽ có câu hỏi này: Liệu có gia đình nào sử dụng các mối quan hệ cá nhân với các quan chức địa phương để có được nhận được trợ cấp hay không. Theo thống kê chính thức, ban điều tra tham nhũng đã trừng phạt 99.000 người liên quan đến xóa đói giảm nghèo trên toàn quốc vào năm ngoái.

Mặc dù kế hoạch xóa đói giảm nghèo đã giúp đỡ hàng triệu người nghèo, nhưng giới phân tích chỉ ra rằng có những định nghĩa cứng nhắc trong kế hoạch. Kế hoạch này đã giúp những người được xếp vào nhóm cực kỳ nghèo vào một thời điểm nào đó từ năm 2014 đến năm 2016, nhưng không bao gồm những người khác có thể gặp khó khăn sau đó. Nó cũng không giúp được gì cho người nghèo ở các thành phố lớn, mặc dù ở đó lương cao hơn nhưng người lao động phải trả nhiều tiền hơn cho tiền thực phẩm và tiền thuê nhà.

Theo các tiêu chí phức tạp về điều kiện giảm nghèo do chính phủ Trung Quốc đưa ra, bất kỳ ai sở hữu ô tô, có tài sản trên 30.000 NDT và mua hoặc xây lại nhà trong thời gian gần sẽ bị loại trừ. Những người ở trên mức nghèo của chính phủ vẫn đang phải vật lộn để tồn tại, nhưng họ thường không thể nhận được chỗ ở hoặc các khoản trợ cấp khác.

Trương Tố Mai, một nông dân 53 tuổi, kiếm được 10.000 NDT mỗi năm từ việc trồng và bán khoai tây, chỉ có thể dùng tiền tiết kiệm của mình để xây một ngôi nhà bê tông. Bà nói rằng, ban thân lẽ ra đủ điều kiện để được giảm nghèo theo mục tiêu. Ai cũng biết rằng, đất đai ở Cam Túc rất bạc màu và việc canh tác ở đó rất khó khăn.

Công cuộc xóa đói giảm nghèo theo kiểu chiến dịch của Trung Quốc cũng không giải quyết được các vấn đề sâu xa gây tổn thương cho người nghèo, bao gồm chi phí chăm sóc sức khỏe và các lỗ hổng khác trong mạng lưới an toàn xã hội mới nổi của Trung Quốc. Bảo hiểm y tế mà cán bộ thôn cấp cho dân làng cũng chỉ có giới hạn - chẳng hạn như thuốc chữa bệnh viêm khớp của Giả Hoán Văn chỉ được hoàn trả 17%. Chi phí y tế khổng lồ có thể phá hủy gia đình ông.

Dương Hiểu Linh, 48 tuổi, làm việc trong một nhà máy khác do chính phủ trợ cấp ở Cam Túc, đã bật khóc và nói rằng, do chi trả chi phí y tế cho người chồng bị suy thận nên cô đang phải gánh một khoản nợ lớn.

Ba năm trước, cô vay 50.000 NDT từ một ngân hàng có chương trình xóa đói giảm nghèo với lãi suất bằng 0%, dự định dùng số tiền này để mua gia súc. Nhưng cô không làm thế, thay vào đó, cô vay mượn thêm tiền từ người thân, sau đó dành toàn bộ tiền cho việc ghép thận và thuốc men cho chồng.

Giờ đây, tất cả các khoản vay đã đến hạn trả nhưng cô không có tiền trả nợ. Tiền chữa bệnh sau đó của người chồng đã tiêu hết lương của cô. Vì vậy, hai vợ chồng, ba đứa con và bố mẹ chồng tàn tật sống dựa vào quỹ giảm nghèo của chính phủ với mức dưới 300 NDT/người/tháng.

Tôi không có khả năng hoàn trả. Tôi không thể làm khác được", cô nức nở. "Tôi đã vay rất nhiều tiền, và bây giờ không ai cho tôi vay nữa".

Theo NYT, bất chấp những thách thức, các chương trình xóa đói giảm nghèo có thể mang lại lợi ích chính trị lâu dài.

Tại làng Du Phường, Trương Tiến Lỗ không chỉ ca ngợi kế hoạch xóa đói giảm nghèo mà còn ca ngợi ông Tập Cận Bình, so sánh ông với Mao Trạch Đông.

Ông nói: "Đất nước thật tốt khi có ôngTập Cận Bình và chính sách quốc gia cũng rất tốt".

Theo An An

Doanh nghiệp & Tiếp Thị

Trở lên trên