MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trung tâm tài chính 5.000 tỉ hấp dẫn nhà đầu tư

TP HCM đang mời gọi nhà đầu tư xây dựng trung tâm tài chính ngân hàng, thương mại dịch vụ tại khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Đây là dự án thuộc lĩnh vực thương mại dịch vụ, trong danh sách 210 dự án TP HCM đang kêu gọi đầu tư năm 2019. Hiện đang có nhiều nhà đầu tư quan tâm tới dự án, bao gồm cả doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Theo tin từ Sở Kế hoạch và Đầu tư, TP đang triển khai 2 nhiệm vụ cùng lúc để thực hiện dự án Trung tâm Tài chính Ngân hàng, Thương mại Dịch vụ TP HCM bao gồm lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án tòa nhà trung tâm tài chính tại 2 lô đất ký hiệu số 1-7 và 1-11 thuộc khu chức năng số 1 trong khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2) do Ban Quản lý Thủ Thiêm là cơ quan đầu mối chủ trì, phối hợp với các sở - ngành tham mưu cho UBND TP. Đồng thời, xây dựng Đề án phát triển TP thành trung tâm tài chính quốc tế do Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TP HCM (HFIC) phối hợp với các sở - ngành, Trường ĐH Fulbright Việt Nam đề xuất tham mưu cho UBND TP.

Mục tiêu của dự án nhằm phát triển khu trung tâm tài chính, ngân hàng, thương mại và dịch vụ tổng hợp. Cụ thể, dự án tòa nhà trung tâm tài chính có tổng diện tích đất phát triển dự án là 14.461 m2 với các chỉ tiêu quy hoạch cụ thể, gồm 2 tòa tháp cao từ 20-50 tầng tùy từng lô; tổng mức đầu tư khoảng 4.898 tỉ đồng, thời gian xây dựng dự kiến từ 2019-2021.

Hiện 2 lô đất đã bồi thường giải phóng mặt bằng xong. Một số nhà đầu tư đang quan tâm tới dự án như Công ty CP Cơ Điện lạnh (REE); Liên danh Sakkara (Úc) và GIC (Singapore); HFIC; Công ty TNHH Steelman Partners Việt Nam (Mỹ); Liên danh Công ty CP 216 - Công ty CP Đầu tư Văn Phú…

Trung tâm tài chính 5.000 tỉ hấp dẫn nhà đầu tư - Ảnh 1.

Một góc khu đô thị mới Thủ Thiêm - nơi được chọn xây dựng Trung tâm Tài chính Ngân hàng, Thương mại Dịch vụ TP HCM Ảnh: Hoàng Triều

Tháng 3-2019, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã có công văn báo cáo UBND TP về hình thức lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án tòa nhà trung tâm tài chính.

Đến đầu tháng 5-2019, UBND TP đã có công văn giao Ban Quản lý đầu tư khu đô thị mới Thủ Thiêm chủ trì, phối hợp với HFIC, các sở - ngành, đơn vị có liên quan làm rõ những ưu điểm, cơ sở pháp lý, tham mưu UBND TP việc chọn đấu giá quyền sử dụng đất. Điều này nhằm lựa chọn đơn vị có đủ năng lực, quyết tâm thực hiện dự án trung tâm tài chính TP, trong đó bảo đảm việc triển khai dự án đồng bộ với Đề án Trung tâm tài chính TP theo chỉ đạo của Thành ủy và UBND TP.

Trong quá trình triển khai, Sở Tài nguyên và Môi trường TP được giao chủ trì, phối hợp với Trung tâm Phát triển quỹ đất rà soát, bảo đảm chặt chẽ về cơ sở pháp lý và các quy định hiện hành; tham mưu, đề xuất UBND TP tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất của 2 lô đất nêu trên theo đúng quy định pháp luật hiện hành, phù hợp quy hoạch được duyệt và chủ trương xây dựng Đề án phát triển TP thành trung tâm tài chính quốc tế.

Về đề án này, hiện HFIC đang chủ trì tham mưu, phối hợp với các sở - ngành. Tháng 3-2019, HFIC đã có công văn báo cáo UBND TP về kế hoạch thực hiện xây dựng đề án, trong đó thẩm định và ký kết hợp đồng tư vấn; công tác xây dựng kế hoạch huy động nguồn xã hội hóa thực hiện.

Theo thông tin mới nhất về tiến độ triển khai, HFIC và Trường ĐH Fulbright Việt Nam đã ký kết hợp đồng tư vấn (giai đoạn 1), đồng thời sau khi hoàn thành dự thảo đề cương sơ bộ Đề án phát triển TP thành trung tâm tài chính quốc tế, HFIC đã có văn bản lấy ý kiến các sở - ngành, đơn vị liên quan.

Nhóm nghiên cứu của Trường ĐH Fulbright Việt Nam sẽ có đánh giá tổng thể về vị thế hiện tại của TP để từ đó gợi ý định hướng chính sách, chương trình hành động cụ thể nhằm thực hiện thành công dự án này.

Theo các chuyên gia, TP luôn giữ vị thế đầu tàu kinh tế và vai trò trung tâm tài chính quốc gia nhưng đến nay vẫn chưa phát triển thành một trung tâm tài chính quốc tế trong khu vực. Trong khi đó, nhiều nền kinh tế trong khu vực đều có các TP lớn được xác định là trung tâm tài chính quốc tế.

Chuyên gia tài chính - TS Lê Đạt Chí nhận định để trở thành trung tâm tài chính quốc tế, TP cần có những sản phẩm tài chính ngân hàng, dịch vụ tổng hợp hấp dẫn, trở thành trung tâm huy động vốn của các doanh nghiệp, nhà đầu tư trên cả nước rồi từ đó hướng đến khu vực. Muốn vậy, TP không chỉ dừng lại ở việc xây dựng trung tâm tài chính ngân hàng, thương mại dịch vụ mà cần phát triển nhiều sản phẩm ứng dụng công nghệ, sản phẩm tài chính, cảng biển, sân bay, dịch vụ; tạo cơ chế thông thoáng, chính sách thuế bài bản, ưu đãi để thu hút những tập đoàn tài chính lớn nhằm thực hiện mục tiêu trở thành thị trường tài chính tầm cỡ…

Theo Thái Phương

Người lao động

Trở lên trên