Trước giờ đưa vụ VN Pharma ra xử phúc thẩm
Sáng mai (19-10), TAND Cấp cao tại TP.HCM sẽ đưa vụ án VN Pharma ra xét xử phúc thẩm. Đây là một vụ án đang được dư luận đặc biệt quan tâm...
- 14-10-2017Sẽ làm rõ trách nhiệm đơn vị thuộc Bộ Y tế vụ VN Pharma
- 04-10-2017Vụ VN Pharma: Dự kiến xử phúc thẩm vào ngày 16-10
- 28-09-2017Nhìn lại toàn cảnh vụ VN Pharma nhập thuốc ung thư H-Capita 'giả'
- 27-09-2017Nhiều bệnh viện trúng thầu thuốc của VN Pharma
- 25-09-2017Ngày mai công bố thanh tra Bộ Y tế vụ VN Pharma
- 23-09-2017Vụ VN Pharma: Lẽ ra phải kết luận là thuốc giả
Về phía toà án, Chủ toạ điều hành phiên tòa phúc thẩm là thẩm phán Phạm Công Mười, hai thẩm phán cánh gà là ông Tô Chánh Trung và bà Phạm Thị Duyên.
Đại diện VKSND Cấp cao có Viện trưởng Viện Hình sự ông Nguyễn Văn Tùng, ngoài ra Viện Cấp cao còn cử thêm kiểm sát viên Nguyễn Gia Viễn. Ngày 17-10, dù đã hết giờ hành chính, nhưng tại phòng làm việc, ông Tùng vẫn miệt mài ngồi trước máy tính, bên cạnh là chồng hồ sơ. Ông Tùng không thể tiếp chuyện nhiều được với phóng viên: “phóng viên thông cảm, tôi đang tập trung gõ lại những câu hỏi cho chỉnh chu để chuẩn bị cho phiên toà. Khoảng 5 phút nữa tôi còn có cuộc trao đổi với KSV Viễn”.
Cho tới thời điểm này, được biết có 9 luật sư đăng ký tham gia tranh tụng tại phiên toà. Hồ sơ vụ án có tới 21.758 bút lục. Dự kiến phiên xử sẽ kéo dài trong hai ngày 19 và 20-10.
Như Pháp Luật TP.HCM từng phản ánh, Nguyễn Minh Hùng (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc công ty cổ phần VN Pharma) đã thông qua môi giới là Võ Mạnh Cường (Giám đốc công ty TNHH Thương mại và hàng hải quốc tế H&C) đặt mua thuốc H-Capita 500mg Caplet chữa bệnh ung thư với số lượng thuốc 200.000 hộp, đơn giá 27 USD/hộp nhưng kê khống lên 75 USD/ hộp, nhập khẩu đợt đầu 9.300 hộp thuốc tương đương 5,3 tỉ đồng.
Hùng chỉ đạo nhân viên thuê người làm giả hồ sơ kỹ thuật thuốc trị ung thư H - Capita 500mg, giả các chứng từ, thủ tục thanh toán để được Bộ Y tế cấp giấy phép nhập khẩu.
Cuối 2013, Cục trưởng Cục quản lý Dược Trương Quốc Cường đã ký văn bản cho phép nhập khẩu 9.300 hộp thuốc trên về Việt Nam. Sau đó do có nhiều nghi ngờ nên Cục Quản lý Dược đã thanh tra, kiểm tra phát hiện nhiều sai phạm đã yêu cầu công ty tạm dừng nhập khẩu và niêm phong lô hàng và hồ sơ vụ việc được chuyển sang cơ quan điều tra.
Ngày 25-8, TAND TP.HCM đã tuyên án bị cáo Nguyễn Minh Hùng và Võ Mạnh Cường cùng mức án 12 năm tù (bằng đề nghị của VKS) về tội buôn lậu.
Cùng tội này, Nguyễn Trí Nhật (nguyên phó tổng giám đốc VN Pharma) bị phạt 5 năm tù, Ngô Anh Quốc (nguyên phó tổng giám đốc VN Pharma) 4 năm tù, Phan Cẩm Loan (cán bộ VN Pharma) 3,5 năm tù, Lê Thị Vũ Phương (nguyên kế toán trưởng VN Pharma) 3 năm tù.
Bị cáo Bùi Ngọc Duy (nguyên trưởng phòng nghiên cứu phát triển VN Pharma) một năm sáu tháng tù, Hoàng Văn Thông (dược sĩ) hai năm án treo, Phạm Anh Kiệt (tổng giám đốc Công ty Dược Sapharco) hai năm án treo, cùng về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.
Đồng thời bản án sơ thẩm cũng kiến nghị xem xét trách nhiệm của những người liên quan đến vụ này…
Sau phiên tòa, nhiều chuyên gia cho rằng cơ quan tố tụng xử lý tội buôn lậu là chưa phù hợp với bản chất vụ việc, bởi các bị cáo có dấu hiệu phạm tội buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh.
Từ đó, VKSND Cấp cao tại TP.HCM ra quyết định kháng nghị theo hướng huỷ toàn bộ bản án này để làm rõ hành vi thiếu trách nhiệm của tổ thẩm định và lãnh đạo Cục quản lý Dược - Bộ Y tế để xử lý theo pháp luật.
Cụ thể, Hội đồng giám định Bộ Y tế kết luận: “thuốc không được sử dụng làm thuốc chữa bệnh cho người”, trong khi các bị cáo nhập về với mục đích chữa bệnh ung thư cho người. Thế nhưng kết luận lại cho rằng đây là thuốc kém chất lượng mà không kết luận là thuốc giả.
Bên cạnh đó, kháng nghị cũng đề nghị phải điều tra, làm rõ số tiền các bị cáo chi hoa hồng cho các bác sĩ bệnh viện để tiêu thụ thuốc lên tới 7,5 tỉ đồng (lớn hơn cả giá trị lô thuốc 5,3 tỉ đồng)...
PLO sẽ tường thuật chi tiết diễn biến phiên xử, mời bạn đọc đón theo dõi.
Pháp luật TPHCM