MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trước khi vướng lùm xùm bị thu hồi, công ty sở hữu thương hiệu mì Gấu đỏ đang kinh doanh như thế nào?

18-11-2022 - 10:01 AM | Doanh nghiệp

Trước khi vướng lùm xùm bị thu hồi, công ty sở hữu thương hiệu mì Gấu đỏ đang kinh doanh như thế nào?

Bộ Công Thương vừa có văn bản cho biết sản phẩm mì ăn liền tôm chua thương hiệu Gấu đỏ bị phía Đài Loan (Trung Quốc) phát hiện hàm lượng Etylen oxit (EO) không phù hợp với tiêu chuẩn.

Bộ Công Thương có văn bản yêu cầu Công ty Cổ phần Thực phẩm Á Châu (Asia Food) báo cáo việc mỳ ăn liền Gấu đỏ bị cho là có hàm lượng Etylen Oxit không phù hợp.

Cụ thể, theo văn bản của Bộ Công Thương, ngày 15/11/2022, Cơ quan quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Đài Loan (TFDA) công bố lô hàng 500 CTN (945 kg) mỳ ăn liền tôm chua thương hiệu GẤU ĐỎ (SOUR-HOT SHRIMP FLAVOR INSTANT NOODLES) của nhà sản xuất/xuất khẩu ASIA FOODS CORPORATION, do Doanh nghiệp QIAN YU FOOD ENTERPRISE CO., LTD (Địa chỉ: 1 F., No. 44, Ln. 1, Xing’an Rd., 17th Neighborhood, Xinyuan Township, Pingtung County 93243, Taiwan) nhập khẩu, qua kiểm tra tại cửa khẩu, phát hiện hàm lượng Etylen oxit không phù hợp tiêu chuẩn.

Trong đó, hàm lượng Etylen Oxit được phát hiện lần này không chỉ trên gói gia vị (3,438 mg/kg) mà còn ở cả vắt mì (0,107 mg/kg).

Asia Food là nhà sản xuất hàng đầu các sản phẩm ăn liền tại Việt Nam nổi tiếng với thương hiệu Gấu đỏ.

Trong nhiều năm, thị trường nằm trong thế "chân vạc", dẫn đầu là Acecook với thương hiệu mỳ Hảo Hảo, xếp thứ hai là Masan Consumer (thành viên của CTCP Tập đoàn Masan) với các thương hiệu Omachi, Kokomi và thứ 3 là Asia Food.

Tuy nhiên, doanh thu năm 2021 của Asia Food đã bị Uniben vượt qua.

Vài năm nay, Uniben với thương hiệu mỳ 3 Miền "tấn công" thị trường rất mạnh và trở thành "tay chơi" thứ 4 đáng gờm. Nhưng khá bất ngờ khi lượng tiêu thụ mì ăn liền tăng cao, song doanh thu của Asia Food năm 2021 lại giảm 4%, còn hơn 5.500 tỷ đồng. Công ty cũng chỉ lãi 14 tỷ đồng trong năm vừa rồi.

Asia Food cùng với Colusa-Miliket (mì 2 con tôm) là 2 doanh nghiệp mỳ ghi nhận sự sụt giảm doanh thu.

Từng là một trong những "biểu tượng" của sản phẩm mì ăn liền lâu đời tại Việt Nam, gắn liền với ký ức của rất nhiều người Việt, vị thế của mì Miliket hay còn gọi là mỳ 2 con tôm đã giảm đi đáng kể trước sức mạnh của các ông lớn trong ngành. Năm 2021, doanh thu của Mikiket là 571 tỷ đồng, giảm 7%.

Trên thị trường mì ăn liền, Acecook vẫn là đơn vị đứng đầu. Acecook chính thức đi vào hoạt động từ năm 1995 đã thành công xây dựng thương hiệu mỳ Hảo Hảo trở thành mỳ quốc dân của Việt Nam, chiếm thị phần mỳ ăn liền lớn nhất cả nước. Năm 2021, doanh thu của Acecook là 12.263 tỷ đồng, tăng 6%, lợi nhuận sau thuế đạt 1.367 tỷ đồng, giảm 28%.

Trong khi đó, bằng hệ sinh thái khổng lồ tại Việt Nam, đặc biệt là hệ thống siêu thị/cửa hàng tiện ích WinMart/Winmart+ hàng nghìn điểm, sản phẩm mỳ của Masan Consumer có lợi thế rất lớn về phân phối. Theo số liệu từ báo cáo phân tích của CTCK VNDIRECT, mì ăn liền Omachi thống trị phân khúc cao cấp với 45% thị phần. Năm 2021, doanh thu từ mỳ của Masan Consumer đạt 8.800 tỷ đồng, tăng 28% và tương đương 72% doanh thu của Acecook.

Bên cạnh đó, các nhà sản xuất mỳ gói trong nước còn đang đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng lớn của các hãng mỳ gói Hàn Quốc. Các doanh nghiệp kinh doanh mỳ ăn liền Hàn Quốc như Paldo Vina (mỳ Koreno) và Nongshim (mỳ Shin) đang thu về hàng trăm tỷ đồng từ thị trường Việt Nam.

Trong năm 2021, Paldo Vina ghi nhận doanh thu 912 tỷ đồng, tăng 8% và lãi 49 tỷ đồng cao hơn cả Asia Food. Paldo Vina đem đến Việt nam các sản phẩm nguyên bản nhập từ Hàn Quốc như mỳ trộn tương đen Jjajangmen có trọng lượng gấp bốn lần gói mỳ sản xuất theo quy chuẩn cho thị trường Việt Nam.

Nongshim là thương hiệu mỳ hàng đầu Hàn Quốc du nhập vào Việt Nam chưa lâu. Năm 2018, Nongshim Vietnam mới được thành lập, đến năm 2021, Nongshim đạt doanh thu 150 tỷ đồng và lãi 9 tỷ đồng. Nhà sản xuất này lắp đặt máy nấu mỳ tại một số cửa hàng tiện lợi và vận hành xe bán đồ ăn tại TP HCM.

Huyền Trang

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên