Trước làn sóng số hóa: Ngân hàng nên bắt tay với Fintech hay thủ để giữ sân mình?
Câu hỏi trên được đặt ra tại hội nghị "Ngân hàng Việt Nam 2019 – Đột phá từ số hóa" do báo Nhịp cầu đầu tư tổ chức sáng 16/5 tại TP.HCM.
Hợp tác cùng có lợi
Nhận định chung về thực trạng số hóa ngân hàng Việt hiện nay, ông Lê Anh Dũng, Phó vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước , cho biết, hiện các ngân hàng đã và đang đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số hóa, thông qua chuyển đổi về quy trình, dịch vụ, sản phẩm mới. Tuy nhiên so với xu hướng phát triển số hóa trên thế giới thì các ngân hàng Việt Nam vẫn đi sau nên cần phải đẩy mạnh hơn nữa.
Ông Dũng đồng ý với quan điểm cho rằng bản thân tại mỗi ngân hàng cần có sự nhìn nhận, chấp nhận thay đổi cái mới từ người lãnh đạo, thích ứng với sự thay đổi và truyền lửa cho tất cả nhân viên. Bên cạnh đó, là sự bồi bổ về kiến thức tài chính, ngân hàng số cho cả người tiêu dùng.
Ông Nguyễn Hưng Nguyên, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas) nêu một thực tế: hiện chỉ có khoảng 10 triệu tài khoản thẻ hoạt động thường xuyên trên hệ thống. Trong khi đó, điều cần chú ý là cách ứng sử với các siêu ứng dụng như thế nào, facebook, Zalo…; họ thanh toán bằng cái gì, các ngân hàng và các công ty fintech cần phải phục vụ được các hình thức giao dịch đó.
Ông Phạm Thành Đức, Tổng giám đốc M_Service, đơn vị sở hữu thương hiệu ví MoMo chia sẻ, trong suốt 5 năm qua công ty kiên trì hợp với các ngân hàng. Trong quá trình hợp tác, có nhiều ngân hàng có sự e dè với fintech, nhưng với sự lăn xả, am hiểu của các ngân hàng thì việc đưa ra các ứng dụng trên apps chỉ là chuyện nhỏ với họ.
"Các fintech phải dè chừng các ngân hàng chứ không phải là ngược lại", Tổng giám đốc M_Service nói.
Đề cập việc ngân hàng nên hợp tác với fintech hay nên thủ để giữ sân của mình, đại diện của Momo cho rằng rất cần sợ hợp tác "win - win" giữa hai bên. Hiện đơn vị này hợp tác với khoảng 20 ngân hàng và thấy rằng việc tận dụng thế mạnh của nhau để cùng phát triển là tốt nhất.
Tương lai 10 năm nữa...
Theo thông tin từ ông Phạm Thành Đức, Ngân hàng Nhà nước hiện đã cấp phép hoạt động cho khoảng 30 giấy phép cho công ty fintech. Nghe thì nhiều nhưng thực tế chỉ có hoảng 5-6 ví điện tử thực sự có người dùng.
Ông Đức cho rằng đây là một ngành khốc liệt, không hấp dẫn và kén người chơi.
Còn theo nhận định của đại diện Napas, bức tranh thị trường fintech với ngân hàng hiện không khác gì bức tranh thị trường ngân hàng cách đây khoảng chục năm. Khi đó, các ngân hàng cạnh tranh bằng cách bỏ tiền của, công sức để giữ khách hàng. Sau khi có “lột xác” về sự chia sẻ trong hoạt động của các ngân hàng, thị trường ghi nhận tốc độ tăng trưởng 30-40%, có mảng tăng trưởng 100%.
Theo đó, đại diện Napas cho rằng, xu thế tất yếu là chia sẻ, không ai có đủ tiềm lực để đi một mình trong thị trường rộng lớn.
Và một câu hỏi đặt ra: Trong tương lai 10 năm tới vai trò của ngân hàng sẽ như thế nào?
Đại diện phía Ngân hàng Nhà nước cho rằng ngân hàng vẫn sẽ tồn tại phát triển nhưng tiến hóa theo cách khác. Theo đó, các ngân hàng có thể trở thành các công ty fintech với giấy phép ngân hàng.
Phía ví Momo cho rằng 3-5 năm nữa các ngân hàng có thể bỏ ra một hoặc vài chục triệu đô là có thể có công nghệ tiên tiến, việc các fintech vượt trội ngân hàng là rất khó. Theo đó, đại diện Momo cho biết công ty sẽ vẫn tập trung xây dựng nền tảng thanh toán, hỗ trợ cho các ngân hàng. Vị này cho rằng trong tương lai gần, khoảng 3 năm tới câu chuyện không có gì thay đổi đáng kể cả.
Còn theo ông phó Tổng giám đốc Napas, trong vòng 10 năm tới thì ngân hàng khó có thể bị lấn sân ở những mảng chủ chốt, chẳng hạn như cho vay, nhưng có sự thay đổi ở mảng thanh toán.
Ngoài ra còn có sự phát triển của các nền tảng chia sẻ trực tiếp, là làn sóng thay đổi hành vi của người tiêu dùng, theo đó thay đổi hẳn bức tranh của ngân hàng trong 10 năm tới.
BizLive