MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trước ngày lên sàn, SeABank có gì đáng chú ý?

21-03-2021 - 15:42 PM | Tài chính - ngân hàng

Trước ngày lên sàn, SeABank có gì đáng chú ý?

Theo kế hoạch, ngày 24/3/2021, Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) sẽ niêm yết hơn 1,2 tỷ cổ phiếu với mã SSB trên Sở giao dịch chứng khoán Tp. Hồ Chí Minh, giá khởi điểm 16.800 đồng/cổ phiếu.

Tiền thân của SeABank là Ngân hàng TMCP Hải Phòng, thành lập tháng 3/1994 tại thành phố cảng Hải Phòng. Tháng 09/2002, Ngân hàng chính thức đổi tên thành Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank). Tháng 3/2005, SeABank chuyển Hội sở từ Hải Phòng về địa chỉ mới 16 Láng Hạ, Ba Đình, Hà Nội. Và đến tháng 12/2009, Hội sở SeABank chính thức được chuyển về trụ sở hiện tại, ở 25 Trần Hưng Đạo, P. Phan Chu Trinh, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội.

Kể từ thời điểm thành lập cho đến nay, SeABank đã có 21 lần tăng vốn điều lệ, đạt mức vốn 12.087,4 tỷ đồng vào tháng 10/2020.

Trải qua 27 năm phát triển, SeABank sở hữu mạng lưới hoạt động trên khắp 3 miền đất nước với 174 chi nhánh và phòng giao dịch tại 29 tỉnh thành trên toàn quốc, quy mô tổng tài sản đạt hơn 180 nghìn tỷ đồng tính đến cuối năm 2020.

SeABank hiện có 1 cổ đông lớn sở hữu trên 5% vốn là Công ty TNHH Phát triển và Đầu tư Phú Mỹ (nắm hơn 6,5% vốn điều lệ). Ngân hàng có 83,72% vốn do cổ đông tổ chức nắm giữ, 16,28% cổ phần do cá nhân nắm và không có cổ đông nước ngoài.

Về hoạt động kinh doanh, SeABank thu hút sự chú ý của thị trường trong khoảng 3 năm trở lại đây với đà tăng trưởng rất mạnh. Nếu như năm 2017 lợi nhuận trước thuế mới đạt 381 tỷ đồng thì tới năm 2018 đã tăng gần gấp đôi, tăng gấp đôi tiếp trong năm 2019 và năm 2020 đạt cao kỷ lục 1.728 tỷ đồng. Trong 4 năm, lợi nhuận của ngân hàng đã tăng gấp 4,5 lần.

Trước ngày lên sàn, SeABank có gì đáng chú ý? - Ảnh 1.

Lợi nhuận của SeABank tăng gấp 4,5 lần trong 4 năm qua (đvt: Tỷ đồng)

Tương tự như vậy, tổng tài sản, huy động vốn và tăng trưởng tín dụng của ngân hàng cũng tăng đều đặn qua các năm với tỷ lệ tăng trưởng cao.

Trước ngày lên sàn, SeABank có gì đáng chú ý? - Ảnh 2.

Trong những năm trước, tín dụng chiếm tỷ trọng chủ yếu trong cơ cấu lợi nhuận, tuy nhiên từ năm 2019 tỷ trọng này đã giảm đáng kể và đến năm 2020 còn chiếm chưa đến một nửa nhờ ngân hàng đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ. Tháng 12/2019, ngân hàng đã ký kết Hợp đồng phân phối bảo hiểm độc quyền với Prudential Việt Nam hồi tháng 12/2019, thời gian hợp tác 20 năm.

Trước ngày lên sàn, SeABank có gì đáng chú ý? - Ảnh 3.

Nhờ đẩy mạnh nguồn thu từ dịch vụ, tỷ trọng lợi nhuận của SeABank 2 năm gần đây đã không còn phụ thuộc vào tín dụng nhiều như các ngân hàng khác trong hệ thống

Nhìn chung, hoạt động kinh doanh của SeABank tăng trưởng cao trong những năm gần đây là kết quả của chiến lược tăng trưởng thành công, xác định rõ phân khúc khách hàng, cùng với đó là nghiên cứu và đưa ra nhiều sản phẩm đa dạng, cải thiện chất lượng tài sản, cơ cấu tài chính theo hướng sử dụng nguồn huy động hiệu quả hơn.

Trên thị trường, SeABank là 1 trong 18 ngân hàng đã hoàn thành sớm Basel II, đã tất toán xong toàn bộ trái phiếu VAMC, có hơn 319 tỷ đồng trái phiếu DATC sẽ đáo hạn trong năm 2021.

Theo đánh giá của các chuyên gia đến từ công ty chứng khoán Asean, là một trong những ngân hàng TMCP được thành lập sớm nhất tại Việt Nam, trải qua 26 năm hoạt động SeABank đã tích lũy được những nền tảng quan trọng về mô hình hoạt động, công nghệ, chất lượng sản phẩm và dịch vụ, hệ sinh thái đối tác và mạng lưới khách hàng, nhân sự, quản trị rủi ro, vốn điều lệ, tổng tài sản,… và sẵn sàng bứt phá mạnh mẽ trong thời gian tới.

Tùng Lâm

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên