Trước nguy cơ đồng USD mạnh, các quốc gia trên thế giới phải làm gì?
Cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ John Connery từng nói, vấn đề của đồng USD là vấn đề của cả thế giới.
Theo tạp chí Foreign Affairs (Mỹ), đồng USD tăng sẽ làm giảm khả năng thanh toán của nhiều quốc gia có thu nhập thấp và trung bình. Ở những nước này, hầu hết trái phiếu doanh nghiệp do người nước ngoài nắm giữ và được tính bằng USD. Khi đồng USD mạnh lên, lãi vay và chi phí trả nợ đều sẽ tăng lên.
Ngay cả khi nợ nước ngoài được tính bằng nội tệ, tỷ giá hối đoái giảm có thể là một vấn đề. Khi các công ty tài chính Mỹ nhận thấy nguy cơ gây thiệt hại cho các khoản đầu tư nước ngoài của mình, họ sẽ rút khỏi các thị trường mới nổi, làm tăng áp lực giảm giá ngoại tệ, tạo ra một vòng luẩn quẩn.
Ngoài ra, bởi vì hàng hóa toàn cầu được định giá bằng USD, khi đồng tiền của một quốc gia giảm giá, chi phí nhập khẩu của quốc gia đó sẽ tăng lên. Tình huống đó sẽ kích hoạt lạm phát, đây là điều mà các chính phủ hiện tại không muốn thấy nhất.
Can thiệp vào thị trường ngoại hối
Điều này giải thích lý do tại sao các ngân hàng trung ương trên thế giới đã bắt đầu can thiệp vào thị trường ngoại hối, sử dụng lượng dự trữ USD của họ để mua đồng tiền của chính họ và giúp ổn định giá trị của chúng.
Nhưng hầu hết các trái phiếu chính phủ Mỹ mà họ bán đi cuối cùng lại bị bán phá giá vào thị trường tài chính Mỹ. Điều này chỉ làm nguồn cung trái phiếu chính phủ Mỹ trở nên dư thừa, đẩy lợi suất lên cao và làm cho đồng USD mạnh lên một cách bất thường.
Ngoài ra, các biện pháp can thiệp của ngân hàng trung ương ở các nước thị trường mới nổi vào thị trường ngoại hối thường được coi là dấu hiệu của sự suy yếu kinh tế ở các nước này, khiến họ gặp phải tình trạng hỗn loạn về kinh tế và tài chính.
Theo Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), FED sẽ không từ bỏ kế hoạch tăng lãi suất chống lạm phát của mình, kể cả khi các nước khác sẽ phải gánh chịu hậu quả vì điều đó. FED có thể kích hoạt giao dịch hoán đổi ngoại tệ, cung cấp USD cho các ngân hàng trung ương nước ngoài và đàm phán hạn ngạch hoán đổi mới với họ.
Nhưng theo nhận định của tạp chí Foreign Affairs, so với quy mô của thị trường tài chính toàn cầu, hạn ngạch hoán đổi ngoại tệ này là rất nhỏ. Nếu các ngân hàng trung ương nước ngoài sử dụng hạn ngạch hoán đổi này để can thiệp vào thị trường ngoại hối ở quy mô lớn hơn, thì những đồng USD đó cuối cùng vẫn sẽ chảy ngược trở lại Mỹ.
Giờ đây, các quốc gia không thể cùng nhau can thiệp vào thị trường như họ đã làm khi Hiệp định Plaza được ký kết vào năm 1985. Vào thời điểm đó, chính phủ Mỹ và các chính phủ nước ngoài đồng ý bán USD cùng lúc để phá giá đồng USD. Pháp, Đức, Nhật Bản, Anh và Mỹ đã đi đến thỏa thuận sau nhiều năm đàm phán ngoại giao.
Ngày nay, để thực hiện lại những biện pháp can thiệp như vậy, sẽ có nhiều quốc gia can dự hơn bao giờ hết. Việc tái hiện những thành tựu của Hiệp định Plaza sẽ đòi hỏi sự hợp tác giữa Mỹ và Trung Quốc, nhưng hai nước này hiện đang có nhiều mâu thuẫn.
Việc thực hiện một thỏa thuận như vậy cũng sẽ yêu cầu FED phải cắt giảm lãi suất. Nhưng Mỹ sẽ không ủng hộ việc cắt giảm lãi suất như vậy, do FED và Bộ Tài chính Mỹ từng nhấn mạnh vào việc kiềm chế lạm phát.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng không thể giải quyết vấn đề này. Tổ chức này đang làm những gì cần làm - triển khai các chương trình bổ sung cho các quốc gia gặp khó khăn về tài chính. Cách tiếp cận là cung cấp các khoản vay dài hạn cho các quốc gia mắc nợ nhiều và gặp khó khăn về cơ cấu, thay vì cung cấp vốn để can thiệp vào thị trường ngoại hối.
Điều lệ của IMF quy định rằng, tổ chức này chỉ có thể cho vay nếu đối tượng vay có khả năng hoàn trả cao. Nếu IMF can thiệp vào thị trường ngoại hối bằng cách cho vay USD “vô tội vạ”, tổ chức này có thể không đòi lại được số tiền gốc của mình.
Do đó, theo tạp chí Foreign Affairs, cách chắc chắn duy nhất để các quốc gia nâng cao tỷ giá hối đoái của họ là tăng lãi suất, điều này khuyến khích tiền chảy vào thị trường tài sản của họ. Tất nhiên, cách tiếp cận như vậy sẽ tạo cảm giác bất an trong thời điểm lãi suất đang tăng và tăng trưởng kinh tế yếu.
Các ngân hàng trung ương ở nhiều nước thị trường mới nổi đã có động thái nhanh chóng: Họ đã tăng lãi suất trước FED, với hy vọng sớm kết thúc chu kỳ thắt chặt tiền tệ. Nhưng thật không may, chu kỳ thắt chặt tiền tệ dường như không kết thúc. Những gì họ đã làm chỉ là một nỗ lực vô ích.
Về lâu dài, phản ứng hiệu quả của các ngân hàng trung ương là đa dạng hóa dự trữ ngoại hối và các quốc gia không nên chỉ giải quyết các giao dịch bằng USD mà nên sử dụng cả Euro, Nhân dân tệ và đồng tiền của các nền kinh tế nhỏ hơn. Bằng cách này, các quyết định của ngân hàng trung ương của một quốc gia sẽ không ảnh hưởng xấu đến nhiều quốc gia như hiện tại.
Theo Foreign Affairs, hơn nửa thế kỷ sau khi John Connery đưa ra câu nói nổi tiếng: "Vấn đề của đồng USD là vấn đề của cả thế giới" , đã đến lúc các ngân hàng trung ương phải để tâm đến nó.
Nhịp sống thị trường