Trường đại học "đỉnh" nhất của nước chủ nhà World Cup 2022: Lọt top khuôn viên đẹp nhất thế giới
Đại học Qatar từng được xếp hạng là một trong những trường đại học có khuôn viên đẹp nhất thế giới.
- 23-11-2022Linh vật World Cup 2022 'đổ bộ' sàn thương mại điện tử
- 23-11-2022Chàng trai xin sếp nghỉ 1 tuần, chi gần 40 triệu sang Qatar xem World Cup 2022
- 21-11-2022Linh vật World Cup 2022: Hồn ma hay tờ khăn giấy?
Nhắc đến trường đại học nổi tiếng nhất và cũng sở hữu chất lượng đào tạo tốt nhất của Qatar - nước chủ nhà World Cup 2022, người ta sẽ nhớ ngay tới Đại học Qatar (QU). Đại học Qatar (QU) là một trường đại học nghiên cứu công lập nằm ở ngoại ô phía bắc của Doha, Qatar. Đây cũng là trường đại học công lập duy nhất của đất nước giàu có này.
Ngược trở về quá khứ, Đại học Qatar được thành lập vào năm 1973 theo nghị định của Tiểu vương Qatar. Lúc bấy giờ, trường chỉ có vỏn vẹn 150 sinh viên (93 nữ và 57 nam) học tập. Trải qua một hành trình dài, đến năm 1977, trường được mở rộng và thay đổi tên gọi thành Đại học Qatar.
Từ một ngôi trường bé nhỏ như thế, đến nay QU đã sở hữu 10 trường thành viên trải dài ở nhiều lĩnh vực khác nhau như: Nghệ thuật và Khoa học; Kinh doanh và Kinh tế; Giáo dục; Kỹ thuật; Luật; Sharia và Nghiên cứu Hồi giáo; Dược; Khoa học Sức khỏe... Tính đến thời điểm hiện tại, QU có hơn 30.000 cựu sinh viên và hơn 20.000 sinh viên đang học tập tại đây.
Ngôi trường với cảnh quan đẹp miễn chê
Không phải ngẫu nhiên mà Đại học Qatar được chọn là một trong những trường đại học đẹp nhất thế giới, bởi cứ nhìn vào cơ sở vật chất của trường là sẽ hiểu. Theo cuốn sách Những Trường Đại Học Đẹp Nhất Thế Giới xuất bản năm 2016, nơi đây là tổng hòa của lối kiến trúc Hồi giáo cổ đại và hiện đại trong cùng một khuôn viên xinh đẹp, tràn ngập hoa tươi.
Được biết, các tòa nhà nhà "xịn xò" của Đại học Qatar do kiến trúc sư nổi tiếng thế giới Kamal Al Kafrawi thiết kế vào thập niên 70. Kiến trúc của QU đẹp đến nỗi nhiếp ảnh gia nổi tiếng Guillaume de Laubier và một người bạn phải xếp Đại học Qatar "ngang hàng" với những đại học uy tín và đẹp lộng lẫy như: Đại học Sorbonne (Pháp), Đại học Cambridge (Anh), Đại học Yale (Mỹ)...
Kiến trúc độc đáo kết hợp giữa Hồi giáo hiện đại và cổ đại
Các tòa nhà nhà "xịn xò" của Đại học Qatar do kiến trúc sư nổi tiếng thế giới Kamal Al Kafrawi thiết kế vào thập niên 70
Không chỉ có vậy, cơ sở vật chất của trường cũng được đầu tư tối tân nhằm phục vụ nhu cầu dạy và học không chỉ của giảng viên, sinh viên trong nước mà cả quốc tế. QU có cơ sở hạ tầng nghiên cứu bao gồm phòng nghiên cứu, tàu viễn dương, thiết bị kỹ thuật và thư viện bao gồm một bộ sưu tập các bản thảo quý hiếm.
Bên cạnh đó, QU còn có các tòa nhà đặc biệt như tòa nhà hoạt động sinh viên, trung tâm hỗ trợ học tập sinh viên, trung tâm tư vấn sinh viên... nhằm giúp "thần dân" nơi đây vui chơi sau những giờ học căng thẳng, cũng như giúp họ giãi bày, giải quyết các vấn đề đang gặp phải trong cuộc sống.
Khuôn viên của QU mang vẻ đẹp thanh lịch, tinh tế là nơi nhiều sinh viên ngồi thư giãn sau các giờ học căng thẳng
Cơ sở vật chất được đầu tư hết sức tối tân
Đẹp thế này ai chẳng muốn học cơ chứ
Chất lượng giảng dạy "không phải dạng vừa"
Như chúng ta đã biết, Qatar là một quốc gia nhiều dầu mỏ tuy nhiên khí hậu ở đây lại vô cùng khắc nghiệt với đầy nắng và hun hút gió cát. Thấu hiểu được những khó khăn đó, nên Qatar luôn coi phát triển giáo dục và phát triển con người là một phần không thể thiếu trong chiến lược phát triển quốc gia của mình. Dĩ nhiên, Đại học Qatar là một trong những cơ sở giáo dục trọng điểm để phát triển nguồn lực của quốc gia này.
Theo đó, các sinh viên tại đây sẽ được tạo điều kiện để thực hiện các nghiên cứu, đặc biệt là trong các lĩnh vực môi trường và công nghệ năng lượng để giải quyết các vấn đề mà các quốc gia này đang gặp phải. Nhờ sự quan tâm đó, đến nay, trường có rất nhiều dự án mang tầm quốc gia và khu vực với Chính phủ Qatar cũng như các tập đoàn công nghiệp lớn.
Đến nay, trường có rất nhiều dự án mang tầm quốc gia và khu vực với Chính phủ Qatar cũng như các tập đoàn công nghiệp lớn
Vì là trọng điểm của nền giáo dục Qatar nên muốn vào học Đại học Qatar đương nhiên không phải là chuyện đơn giản. Được biết, sinh viên phải đạt chuẩn nhất định về Toán và tiếng Anh để được theo học tại ngôi trường danh tiếng này. Ngoài ra, các khóa học của trường đều được giảng dạy bằng tiếng Ả Rập và tiếng Anh. Để không bị thụt lùi so với bạn bè đồng trang lứa, thậm chí nhiều sinh viên còn phải theo các khóa dự bị trước khi được nhận vào học chính thức.
Nhắc đến sinh viên của trường, QU có đội ngũ sinh viên trải dài 52 quốc gia khác nhau. Trong số đó, có tới 65% trong số đó là công dân Qatar, còn lại sinh viên quốc tế. Tại đây, nữ sinh chiếm khoảng 70% và họ được cung cấp trang thiết bị và lớp học riêng.
Đến nay, các cựu sinh viên nổi bật của trường có thể kể đến như: Moza bint Nasser - Con gái của Nasser bin Abdullah Al-Missned, một nhà hoạt động đối lập nổi tiếng và là cựu lãnh đạo liên minh Al Muhannada của Bani Hajer; Mohammed bin Abdulrahman bin Jassim Al Thani - Phó thủ tướng Qatar; Mariam Al Maadeed - Nhà khoa học người Qatar; Nasser Al-Khelaifi - Doanh nhân, chủ tịch câu lạc bộ bóng đá Paris Saint-Germain...
Moza bint Nasser
Đặc biệt, mới đây, BXH Đại học Thế giới năm 2022 của Quacquarelli Symonds (QS) đã công bố Đại học Qatar nằm trong top 224 trường đại học tốt nhất thế giới (tăng 21 bậc so với năm ngoái). Kết quả trên đã khẳng định được vị thế ngày càng lên của Đại học Qatar.
Nhận xét về thành tích này, Chủ tịch QU, Tiến sĩ Hassan Al Derham, cho biết: "Đây là một khoảnh khắc đáng tự hào của chúng tôi khi được xếp hạng trong 224 trường đại học tốt nhất thế giới. Bước nhảy vọt này là nỗ lực của trường để hoàn thiện chiến lược 5 năm 2018-2022.
Việc xuất hiện vào BXH đại học thế giới tạo ra bàn đạp để các trường cạnh tranh tích cực. Bởi lẽ, nó nâng cao vị thế quốc tế của trường học và tạo ra được lợi thế cạnh tranh của sinh viên trên thị trường lao động".
Trong tương lai, trường đặt mục tiêu xếp hạng trong số 200 trường đại học hàng đầu thế giới.
Tổng hợp
Trí thức trẻ