MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Truyền thống trao nụ hôn năm mới xuất hiện từ đâu?

02-01-2023 - 08:42 AM | Sống

Đã bao giờ bạn thử hôn một người mình thích vào đêm giao thừa chưa?

Đã bao giờ bạn xem một bộ phim điện ảnh nào đó mà hai nhân vật chính đón năm mới cùng nhau, và khi thời khắc nửa đêm đã đến, họ quay ra trao cho đối phương một nụ hôn ấm áp? Nụ hôn năm mới là một truyền thống, hoặc một niềm tin tâm linh lâu đời ở một số nước phương Tây như Anh, Đức, Mỹ. Vậy truyền thống này đã đến xuất hiện và du nhập vào văn hóa đại chúng như thế nào?

Truyền thống trao nụ hôn năm mới xuất hiện từ đâu? - Ảnh 1.

Nụ hôn báo hiệu điềm may

Daniel Compora, tiến sĩ, phó giáo sư Văn học và Ngôn ngữ Anh ở Đại học Toledo cho biết, nụ hôn năm mới một phần bắt nguồn từ văn hóa dân gian ở Anh và Đức. Niềm tin thời xưa cho rằng, người đầu tiên bạn gặp vào năm mới sẽ quyết định “vận hạn” cho cả năm.

Đối với các cặp đôi, nụ hôn đầu năm là để củng cố mối quan hệ trong tương lai, truyền thuyết kể rằng những cặp đôi trải qua khoảnh khắc giao thừa cùng nhau mà không hôn thì mối quan hệ sẽ gặp trắc trở. Đối với người độc thân, nếu không hôn ai sau khi chuông đồng hồ chỉ điểm 12 giờ thì họ sẽ có một năm cô đơn, hiu quạnh.

Truyền thống trao nụ hôn năm mới xuất hiện từ đâu? - Ảnh 2.

Bạn vẫn có thể hôn người thân, bạn bè

Khi trao nụ hôn, bạn không nhất thiết phải hôn người mình có tình cảm yêu đương, đó có thể là một nụ hôn với người lạ, người thân, bạn bè.

Theo tờ New York Times, người nhập cư Đức đã mang văn hóa “nụ hôn năm mới” vào nước Mỹ từ khoảng thế kỷ 19. Thời điểm đó, khi năm mới vừa bắt đầu, nhiều người Đức đã ôm lấy nhau và trao nhau những nụ hôn nồng nhiệt. Vào giữa thế kỷ 20, truyền thống này hòa vào văn hóa đại chúng, đặc biệt phim điện ảnh luôn trình chiếu những cắt cảnh lãng mạn của các cặp đôi hôn nhân.

Nụ hôn này được coi là “truyền thống” hay chỉ là một niềm tin “mê tín dị đoan” là tùy vào cách nhìn của mỗi người. Theo giáo sư Compora, nếu bạn thực sự tin nụ hôn đầu năm sẽ “hóa giải” mọi trắc trở trong chuyện tình cảm thì đó là mê tín.

Trong thời hiện đại, nụ hôn năm mới thường được coi là một phong tục, một truyền thống chứ không còn “gánh” nhiều trách nhiệm tâm linh như trước. Tuy nhiên, nhiều người có thể vin vào truyền thống này để kiếm cớ hôn một người mà chưa có sự đồng thuận từ họ.

Năm nào cũng muốn thử

Đối với J.C. Carter, một thanh niên 24 tuổi độc thân sống Brooklyn, Mỹ, từ nhỏ anh đã luôn nhìn thấy người khác hôn nhau thời khắc năm mới, nhưng lại chưa bao giờ tự mình trải nghiệm. “Nó như một cơn mơ, một ảo mộng hoặc một thứ gì đó mà mọi người phấn đấu để đạt được”, anh nói.

George Adjei-Piasare, 18 tuổi, cho biết cậu đã có nụ hôn đầu tiên trong dịp năm mới tại một bữa tiệc tổ chức vào năm ngoái. Mọi người trong bữa tiệc được ghép đôi trước nửa đêm, họ nói chuyện với nhau cả buổi tối, và khi thời khắc đến, từng cặp hôn nhau. Cậu hy vọng được hôn một lần nữa trong năm nay.

Truyền thống trao nụ hôn năm mới xuất hiện từ đâu? - Ảnh 3.

Bradley Haworth, một nhân viên pha cà phê 29 tuổi ở Los Angeles nói, năm nào anh cũng tham gia vào truyền thống nụ hôn năm mới, kể cả lúc Covid vẫn còn diễn ra. “Đó là một truyền thống lâu đời, giống như bạn sinh ra là đã biết bạn phải hôn khi đồng hồ điểm 12 giờ”, anh nhận định. Anh cũng mong có nhiều người tham gia vào truyền thống này để đón năm mới tốt lành phía trước. “Không hôn giống như tổ chức Giáng sinh mà không tặng quà, thật khó tưởng tượng đón năm mới mà thiếu đi truyền thống đó”.

Nhưng nếu nụ hôn đến từ một người ta không có tình cảm, cả người trao và nhận có thể rơi vào tình huống rất khó xử. Haworth nhớ lại, đã có thời điểm anh từng hôn một người, người này thích anh nhưng anh lại không cảm thấy gì. Vì thế, mà suốt phần còn lại của buổi tiệc, cả hai đều rất ngượng ngùng khó nói.

Truyền thống trao nụ hôn năm mới xuất hiện từ đâu? - Ảnh 4.

Clifford đã chọn hôn lên má bạn thân vào lúc nửa đêm.

Nhưng tại sao ta cứ phải hôn một người mình thích hay cảm nắng? Ta vẫn có thể hôn bạn thân của mình mà. Đó cũng là suy nghĩ của Christine Clifford, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Divorcing Divas, một tổ chức có trụ sở tại Minneapolis chuyên hỗ trợ phụ nữ sau ly hôn. Cô đã trải qua một đêm giao thừa đáng nhớ với cô bạn thân của mình. Sau khi ly hôn, Clifford thuê một chiếc limo cùng bạn, cả hai lái đến một nhà hàng sang trọng để ăn tối, rồi nhẹ nhàng hôn lên má nhau lúc nửa đêm.

“Hãy nhắm mắt vào lúc nửa đêm và nhớ lại một trong những nụ hôn bạn nhớ nhất, hoặc vớ lấy mấy thỏi socola rồi ăn cả chục cái vào lúc nửa đêm”, Clifford gợi ý một số cách vui vẻ để những người độc thân có thể tự mình trải nghiệm năm mới.

Không phải ai cũng tham gia truyền thống này

Kể cả đã là năm 2022, vẫn có những người Mỹ không biết và không thực hành truyền thống này. Rakiah Polk, 35 tuổi, một nhà tạo mẫu tóc ở Chicago cho hay: “Nếu tôi đang yêu ai và khoảnh khắc 12 giờ đến, một nụ hôn chắc sẽ rất vui, nhưng không có nghĩa là tôi sẽ cố gắng hết sức tìm ai đấy để hôn”.

Emily Maldonado, 28 tuổi, chuyên gia quan hệ công chúng ở Harlem, cho biết cô chưa bao giờ có nụ hôn năm mới với một người không phải người yêu. Năm nay cô dự định ăn tối với bạn và tổ chức tiệc tại một câu lạc bộ ở Manhattan. Mặc dù hiện tại đang độc thân, nhưng cô không mong có được một nụ hôn lúc nửa đêm. “Đúng là Covid và sự biến động xã hội ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý của mọi người, nhưng về cá nhân tôi, tôi chưa bao giờ có suy nghĩ đó”, cô Maldonado nói.

Theo Ron Turner, 38 tuổi, từng làm D.J. ở Los Angeles khoảng 15 năm, cho hay thời nay mọi người đang ngày càng có nhận thức đúng đắn hơn về quấy rối và tấn công tình dục. Thực tế, văn hóa sử dụng ứng dụng hẹn hò đã làm nhiều người lo lắng hơn về những người lạ mà mình sẽ gặp, họ sợ bị cưỡng hôn hoặc bị lợi dụng. Turner nhận thấy đàn ông ngày nay cũng hiểu được nỗi sợ này của phụ nữ, vì thế, người ta sẽ không thử hôn nếu không có được sự đồng thuận rõ ràng từ đối phương.

Ngoài ra, còn một lý do nữa mà mọi người ngại trao nụ hôn cho đối tác, đó là sợ bị ghi hình lại. Carter, người đứng sau một series phỏng vấn đường phố cho biết nhiều người không muốn thử vì sợ bị chụp hay quay lại và đăng lên mạng xã hội.

Một nụ hôn kéo dài trong bao lâu là hợp lý?

Dù muốn hôn hay không thì đó vẫn là sự lựa chọn của mỗi người. Tuy nhiên, nếu bạn vẫn muốn thử “thực hành” nụ hôn năm mới, bạn cần phải dựa theo tình huống, bối cảnh cũng như mối quan hệ với đối phương để có thể chọn một khoảng thời gian phù hợp.

Ví dụ, cặp đôi lâu năm thì sẽ hôn lâu hơn là hai người lạ. Hoặc nếu bạn đang tham gia tiệc tùng ở quán bar đông người thì thời gian hôn cũng sẽ khác với một lễ kỷ niệm nhẹ nhàng ở gia đình.

Bạn có thể hôn má của bạn bè, người thân trong 3 giây, nhưng cũng có thể khóa môi người yêu hẳn 20 giây, miễn là cả hai đều thấy thoải mái và không gây ảnh hưởng đến người xung quanh.

Truyền thống trao nụ hôn năm mới xuất hiện từ đâu? - Ảnh 5.

Theo Đông Hà

Phụ nữ Việt Nam

Trở lên trên