MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Truyền thông Trung Quốc: Trung Quốc có thể sẽ sử dụng 'con át chủ bài' để đối đầu, cảnh báo Mỹ không nên đánh giá thấp khả năng chiến đấu trong cuộc chiến thương mại

30-05-2019 - 06:45 AM | Tài chính quốc tế

Theo một loạt thông tin từ các phương tiện truyền thông của Trung Quốc, Bắc Kinh đang chuẩn bị sử dụng đất hiếm làm "vũ khí" để đối đầu với Washington trong cuộc chiến thương mại. Theo đó, cổ phiếu của các nhà khai thác đất hiếm tăng vọt trong phiên ngày hôm nay.

Tờ People's Daily cho biết trong một bài xã luận đăng hôm thứ Tư, Mỹ không nên đánh giá thấp khả năng chiến đấu của Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại. Bài xã luận này có sử dụng một cụm từ tiếng Trung ít phổ biến có nghĩa là "đừng nói là chúng tôi không cảnh báo bạn". Theo Global Times, cụm từ này đã được People's Daily sử dụng vào năm 1962, trước khi Trung Quốc gây chiến với Ấn Độ và "những người hiểu biết về ngôn ngữ ngoại giao biết sức nặng của cụm từ này là như thế nào".

People's Daily nói thêm rằng hiện vẫn chưa thể trả lời câu hỏi liệu Trung Quốc có sử dụng đất hiếm làm vũ khí để trả đũa trong cuộc chiến thương mại hay không.

Tổng biên tập tờ Global Times cho biết trên một dòng tweet, Trung Quốc đang "nghiêm túc" cân nhắc việc hạn chế xuất khẩu đất hiếm sang Mỹ. Một quan chức của Uỷ ban Cải cách và Phát triển Quốc gia phát biểu với CCTV rằng người dân nước này sẽ không vui khi chứng kiến những sản phẩm làm từ đất hiếm được sử dụng để ngăn cản sự phát triển của Trung Quốc.

Các bài xã luận đăng tải hôm thứ Tư trên Global Times và Shanghai Securites News cũng có những quan điểm tương tự.

Truyền thông Trung Quốc: Trung Quốc có thể sẽ sử dụng con át chủ bài để đối đầu, cảnh báo Mỹ không nên đánh giá thấp khả năng chiến đấu trong cuộc chiến thương mại - Ảnh 1.

80% lượng nhập khẩu đất hiếm của Mỹ đến từ Trung Quốc.

Trong một bản báo cáo hôm 21/5, Yi Zhu - nhà phân tích cấp cao của Bloomberg Intelligence, nhận định: "Mỹ sẽ tiếp tục phụ thuộc vào việc nhập khẩu đất hiếm từ Trung Quốc, nguyên liệu được sử dụng làm thành phần chính cho nhiều loại sản phẩm gồm thiết bị điện tử, xe hybrid và hệ thống lưu trữ năng lượng. Nhập khẩu loại nguyên liệu này từ Trung Quốc rẻ hơn so với việc sản xuất ở trong nước."

Cổ phiếu của các công ty khai thác đất hiếm ở Trung Quốc đã tăng mạnh trong những tuần gần đây do quan điểm rằng đất hiếm có thể là "con át chủ bài" trong cuộc chiến thương mại. Hồi đầu tháng này, Chủ tịch Tập Cận Bình đã đến thăm một nhà máy sản xuất đất hiếm, cùng với nhà đàm phán thương mại hàng đầu của ông với Mỹ. Việc này làm dấy lên suy đoán rằng đây chính là loại nguyên liệu sẽ được "vũ khí hoá" để tung đòn đáp trả Mỹ.

Đất hiếm là một mặt hàng đã xuất hiện trong tranh chấp thương mại giữa 2 nước. Quốc gia châu Á này đã tăng thuế lên 25% từ 10% đối với các mặt hàng nhập khẩu từ nhà sản xuất của Mỹ, trong khi Mỹ lại loại trừ loai nguyên liệu này ra khỏi danh sách áp thuế 300 tỷ USD tiếp theo.

Mỹ nhập khẩu 80% đất hiếm từ Trung Quốc - chủ yếu được sử dụng trong một loạt những thiết bị điện tử như smartphone, xe điện cho đến thiết bị quân sự. Đất hiếm, có chứa các nguyên tố như neodymium (sử dụng trong nam châm) và ytrrium (sử dụng trong thiết bị điện tử), xuất hiện khá nhiều ở lớp vỏ trái đất nhưng lại hiếm hơn các loại quặng khác.

Truyền thông Trung Quốc: Trung Quốc có thể sẽ sử dụng con át chủ bài để đối đầu, cảnh báo Mỹ không nên đánh giá thấp khả năng chiến đấu trong cuộc chiến thương mại - Ảnh 2.

Mỹ phụ thuộc vào các lô hàng nhập khẩu chất khoáng quan trọng từ nước ngoài.

Thị trường đất hiếm của Trung Quốc bị chi phối bởi một số ít các nhà sản xuất bao gồm Tập đoàn China Northern Rare Earth, Minmetals Rare Earth, Xiamen Tungsten và Chinalco Rare Earth & Metal. Trước đây, Trung Quốc đã từng sử dụng loại nguyên liệu này làm "vũ khí" chính trị, ngừng xuất khẩu đất hiếm sang Nhật Bản sau một tranh chấp trên biển vào năm 2010.

Cổ phiếu của China Northen tăng 7,7% trên sàn Thượng Hải, trong khi Lynas Corp, nhà sản xuất các sản phẩm đất hiếm ngoài Trung Quốc lớn nhất, tăng 12% trên sàn Sydney. Cổ phiếu của cả 2 công ty này đều tăng gấp 3 lần trong tháng này. Cổ phiếu China Rare Earth niêm yết tại Hồng Kông cũng vọt tăng 41% và tăng gấp đôi trong tháng 5.

Sự "thống trị" của Trung Quốc đối với loại nguyên liệu này mạnh đến mức Mỹ phải cùng các quốc gia khác đệ đơn kiện lên WTO, buộc quốc gia này phải xuất khẩu thêm khi thị trường toàn cầu đang chịu cảnh thiết hụt trầm trọng. Tháng 12/2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký một sắc lệnh điều hành để giảm bớt sự phụ thuộc vào những nguồn khoáng chất quan trọng phải nhập khẩu từ nước ngoài, trong đó có đất hiếm - nhằm giảm bớt sự gián đoán nguồn cung.

Gigi

Bloomberg

Trở lên trên