MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

TS. Cấn Văn Lực: Gói hỗ trợ lần hai cần có quy mô khoảng 150.000 tỷ đồng

Sáng ngày 15/10, tại hội thảo khoa học quốc gia: "Chính sách vượt qua tác động của Covid-19 để phục hồi và phát triển kinh tế", Chuyên gia Kinh tế Trưởng của BIDV, TS. Cấn Văn Lực cho biết, việc đề xuất thêm gói hỗ trợ mới trong giai đoạn này là rất cần thiết.

Cụ thể, ông Cấn Văn Lực đã đề xuất gói hỗ trợ lần hai với mức tương đương khoảng 150.000 tỷ đồng, tương đương với khoảng 2,5% GDP. Đồng thời, cần triển khai quyết liệt gói hỗ trợ lần thứ nhất chưa giải ngân hết, còn khoảng 75%.

Lý giải về mức độ quan trọng của gói hỗ trợ lần này, ông Lực cho rằng dịch bệnh hiện nay đang có nhiều yếu tố bất định, sẽ có thể kéo dài đến hết năm 2021, do vậy doanh nghiệp cần tiếp tục được hỗ trợ.

Ông nhận xét, gói hỗ trợ lần một vẫn chưa đủ độ lớn cũng như sức lan toả, đặc biệt đối với các đối tượng là lao động không chính thức. Theo đó, ông chỉ ra 4 nhóm vấn đề cần phải xem xét.

Thứ nhất, có giảm thuế VAT hay không, và nếu giảm sẽ giảm như thế nào, ở mức nào. Theo ông Lực, thuế VAT là thuế cực kỳ quan trọng, do vậy cần xem xét khả năng cân đối ngân sách đến đâu để có thể giảm. Ví dụ, nếu chỉ cần giảm 1% thuế VAT, thì ngân sách sẽ hụt thu khoảng 38.000 tỷ đồng. Đối với cách thức giảm, ông Lực chỉ ra nếu chỉ giảm một phần thì sẽ rất khó khả thi. Còn nếu giảm tất, như ông đã đề cập, ngân sách sẽ thâm hụt khá lớn.

Thứ hai là về việc hỗ trợ lực lượng lao động không chính thức, và cách thức hỗ trợ như thế nào? Ông Lực đưa ra giả định, nếu hỗ trợ lực lượng lao động không chính thức trong 3 tháng, mỗi tháng 1 triệu đồng thì ngân sách nhà nước sẽ cần khoảng 86.000 tỷ đồng.

Thứ ba là vấn đề về hỗ trợ lãi suất. Ông Lực cho rằng, việc hỗ trợ năm 2009 vẫn chưa hiệu quả, bởi các ngành nghề đều có mức hỗ trợ lãi suất như nhau. Do vậy, ông khẳng định, cần phải nghiên cứu kỹ các mức hỗ trợ này. Điển hình như vừa qua, Việt Nam Airlines đã đề xuất mức hỗ trợ 4% với mức đầu tư khoảng 12.000 tỷ đồng, trong khi mức lãi suất bình quân cho vay hiện nay khoảng 8% đến 9%.

Cuối cùng, liên quan đến việc hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, ông Lực đặt ra câu hỏi: "Phải hỗ trợ họ bằng cách nào?". Theo ông, cần có một gói hỗ trợ cụ thể để thúc đẩy cho vay vốn. Cụ thể, có thể tăng vốn cho Quỹ Phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEDF).

Thêm vào đó, cần thúc đẩy hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa cấp địa phương. Ông nhận xét, từ năm 2003 đến nay, có 28 địa phương với 28 quỹ hoạt động đều chưa hiệu quả. Do vậy, cần xây dựng lại các quỹ cùng các tổ chức tín dụng, từ đó có thể đẩy mạnh cho vay, giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động tốt hơn.

Cuối cùng, TS. Cấn Văn Lực kết luận, để khuyến khích cho doanh nghiệp nhỏ và vừa thì cần có những hỗ trợ về tái cấp vốn, về chi phí đầu vào, thì các ngân hàng có thể hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa ở mức độ tốt hơn.

Q.L

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên