TS Nguyễn Đình Cung: Việt Nam cần nỗ lực cải cách vượt bậc để đạt mục tiêu tăng trưởng giai đoạn tới
TS Nguyễn Đình Cung: Việt Nam cần nỗ lực cải cách vượt bậc để đạt mục tiêu tăng trưởng giai đoạn tới
Trao đổi với Người Đồng Hành, TS Nguyễn Đình Cung, thành viên Tổ tư Vấn kinh tế của Thủ tướng, thành viên Tiểu ban Kinh tế - Xã hội Đại hội XIII của Đảng cho biết nếu nền kinh tế không chuyển đổi được sang chiều sâu nghĩa là tăng trưởng dựa trên hiệu quả sử dụng nguồn lực thì khó hoàn thành được mục tiêu tổng quát của cả giai đoạn tới, trong đó có mục tiêu tăng trưởng trung bình 7% mỗi năm.
TS Nguyễn Đình Cung, thành viên Tổ tư Vấn kinh tế của Thủ tướng.
- Chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2021-2030 có điểm gì mới so với 3 thập kỷ trước thưa ông?
- Đại hội XIII của Đảng đã thông qua nhiều văn kiện quan trọng trong đó có Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2021-2030. Chủ đề của chiến lược là khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy mạnh mẽ giá trị văn hoá, con người Việt Nam và sức mạnh thời đại, huy động mọi nguồn lực, phát triển nhanh và bền vững trên cơ sở khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; Đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Việc định hướng trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào 2045 lần này không chỉ tham vọng mà còn có sự thay đổi lớn. Đó là việc lấy theo chuẩn quốc tế và phân loại các quốc gia về trình độ phát triển của Ngân hàng Thế giới (WB) làm căn cứ đánh giá mục tiêu. Khác với trước đây, chúng ta tự đặt ra mục tiêu như “trở thành nước cơ bản công nghiệp hiện đại vào 2020” rồi mới nghiên cứu, chứng minh thế nào là cơ bản công nghiệp hiện đại. Điều này rất khó lượng hóa, có thể dễ hiểu với giới nghiên cứu nhưng lại khó hiểu với người dân.
Lần này thì khác, việc lấy theo chuẩn quốc tế khiến chúng ta dễ dàng đánh giá được mình có đạt mục tiêu hay không khi so sánh kết quả có được với những tiêu chí phân loại sẵn có của WB. Như vậy, chúng ta mới nhìn được mình đang ở đâu và có sự thay đổi không?
Trong giai đoạn tới, chiến lược cũng đặt ra nhiều mục tiêu phát triển kinh tế cụ thể, trong đó tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đạt khoảng 7%. Mục tiêu này không đơn giản mà rất, rất thách thức. Bởi kết quả tăng trưởng kinh tế trung bình 3 thập kỷ trước đều có xu hướng giảm. Cụ thể, giai đoạn 1991-2000 là 7,58%, giai đoạn 2001-2010 là 6,6% và giai đoạn 2011-2020 là 6%.
Chiến lược đặt mục tiêu 10 năm tiếp theo đây, tăng trưởng kinh tế phải đạt trung bình 7%, cao hơn 2 giai đoạn trước nhưng thấp hơn một chút so với giai đoạn đầu. Sở dĩ giai đoạn đầu tăng trưởng kinh tế cao là do baseline rất thấp, tăng trưởng dễ dàng. Hiện baseline không còn thấp nữa và kinh tế thế giới cũng không thuận lợi như trước đây, tiềm ẩn nhiều nguy cơ bất ổn. Trong bối cảnh như vậy, để đạt được mục tiêu đã đề ra, Việt Nam cần nỗ lực cải cách cực kỳ lớn, vượt bậc, phải gấp đôi, gấp ba và phải làm khác so với giai đoạn trước thì may ra mới đạt được mục tiêu.
- Thực trạng kinh tế Việt Nam hiện nay như thế nào?
- Kinh tế Việt Nam hiện chưa thực sự chuyển đổi được mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu mà vẫn đang ngấp nghé ở giai đoạn này vì những dư địa để tiếp tục tăng trưởng theo chiều rộng hiện nay về cơ bản đã tận khai. Nếu tăng trưởng nền kinh tế không chuyển đổi được sang chiều sâu nghĩa là tăng trưởng dựa trên hiệu quả sử dụng nguồn lực thì chắc chắn sẽ có xu hướng đi xuống. Thực tế, tăng trưởng kinh tế 3 thập kỷ vừa qua đã chứng minh điều đó. Muốn tăng trưởng kinh tế đạt 7%, Việt Nam phải đảo ngược và phải đảo rất mạnh xu hướng này. Nếu không, tăng trưởng kinh tế trung bình giai đoạn 2021-2030 chắc chỉ được 5,5%. Đó là điều chúng ta phải suy nghĩ và đó cũng là thách thức rất lớn.
Năm qua đáng nhẽ phải là một bước ngoặt lớn nhưng đáng tiếc Việt Nam chưa tận dụng được bước ngoặt này.
- Tại sao chúng ta phải nhấn mạnh yếu tố hiệu quả sử dụng nguồn lực vào giai đoạn này?
- Một là, ở thời điểm hiện nay đáng nhẽ nền kinh tế Việt Nam đã phải chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng dựa trên hiệu quả. Thứ hai, hiệu quả sử dụng nguồn lực hiện nay quá thấp. Ví dụ như suất đầu tư. Việt Nam đầu tư hơn 6 đồng thì tạo ra 1 điểm phần trăm tăng trưởng. Trong khi đó, tỷ lệ này ở Hàn Quốc là 4 đồng từ năm 1963 đến năm 2000 và Nhật Bản là 3 đồng trong giai đoạn 1955-1973. Nghĩa là suất đầu tư của Việt Nam gấp 2 lần Nhật Bản và gấp 1,5 lần so với Hàn Quốc. Suất đầu tư càng cao thì tính hiệu qủa của nền kinh tế càng thấp.
Hiện Việt Nam đầu tư khoảng 34% GDP, nếu chúng ta hạ được suất đầu tư từ hơn 6 xuống 5 thì tăng trưởng cũng gần 7%. Nếu suất đầu tư giảm xuống 4 thì tăng trưởng hơn 8,5%, tính hiệu quả của nền kinh tế tương đương Hàn Quốc, nếu xuống được 3 thì tăng trưởng hơn 10%, tương đương như Nhật Bản.
Do hiệu quả sử dụng nguồn lực, đặc biệt hiệu quả đầu tư của Việt Nam quá thấp nên chúng ta phải thay đổi. Và khi thay đổi được tính hiệu quả của việc phân bổ nguồn lực, Việt Nam sẽ đạt được mục tiêu tăng trưởng cả giai đoạn 2021-2030 là 7%.
- Việc nâng cao hiệu quả nên bắt đầu từ đâu?
- Những giải pháp nào giúp nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực thì phải tập trung và những gì đang hạn chế, cản trở việc tăng hiệu quả sử dụng nguồn lực thì phải tháo bỏ. Vì vậy, trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2021-2030 tiếp tục nhấn mạnh khá rõ nét những điểm nghẽn cần tháo gỡ để cải thiện, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực.
Đầu tiên, quan điểm phát triển chiến lược xác định, nhấn mạnh và đề cao hơn nhiều tầm quan trọng của thể chế bằng việc “lấy cải cách, nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường... là điều kiện tiên quyết để phát triển kinh tế đất nước”. Như vậy, rất đề cao thể chế kinh tế thị trường. Quan điểm này chắc chắn phải được thể hiện rất rõ, có hệ thống trong tất cả những chính sách cải cách sắp tới.
Trong 3 đột phá chiến lược của Nghị quyết XIII vẫn nhấn mạnh đột phá thể chế nhưng khác về trọng tâm. Trước đây, đột phá thể chế có trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh. Nghĩa là hoàn thiện thị trường các loại hàng hóa và dịch vụ.
Nhưng lần này, bên cạnh việc duy trì những việc như vừa nêu, trọng tâm đột phá thể chế lại đặt vào việc phát triển các loại thị trường nhân tố sản xuất, nhất là thị trường quyền sử dụng đất, thị trường khoa học công nghệ để các loại thị trường này đóng vai trò chủ yếu trong huy động, phân bố, sử dụng hiệu quả nguồn lực. Nghĩa là việc phân bổ nguồn lực được chuyển sang cho thị trường và chỉ khi thị trường đảm nhận vai trò này thì việc phân bổ nguồn lực mới đảm bảo tính hiệu quả.
Như vậy, trọng tâm cải cách thể chế đã chọc thẳng vào những điểm nghẽn đang cản trở, làm méo mó việc phân bố nguồn lực, sử dụng nguồn lực sai lệch, dẫn đến kém hiệu quả trong sử dụng nguồn lực nói riêng và kém hiệu quả của nền kinh tế nói chung.
- Việc phân bổ nguồn lực về đột phá hạ tầng thì như thế nào?
- Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định rất rõ là “tập trung nguồn vốn nhà nước vào phát triển những dự án hạ tầng giao thông có quy mô lớn, hạ tầng thúc đẩy chuyển đổi số, tạo ra sự thay đổi có tính bước ngoặt về chất lượng hạ tầng. Bởi vì nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực thì không thể thiếu hạ tầng giao thông, đặc biệt hạ tầng kết nối nội vùng và giữa các vùng kinh tế. Nếu chúng ta không làm tốt việc phân bổ nguồn lực hạ tầng giao thông thì đây vẫn là một điểm nghẽn trong phân bố nguồn lực bên cạnh thể chế kinh tế thị trường.
Tuy rằng trọng tâm lần này đặt cao hơn việc phân bổ nguồn lực hiệu quả nhưng vẫn đề cao khoa học công nghệ và chuyển đổi số. Bởi đột phá về hạ tầng còn đặt mục tiêu phát triển mạnh hạ tầng số, xây dựng và phát triển đồng bộ hạ tầng dữ liệu quốc gia, vùng, địa phương kết nối đồng bộ, thống nhất, tạo nền tảng phát triển kinh tế và xã hội số.
Tôi nghĩ rằng trong 10 năm tới đây động lực tăng trưởng vẫn chủ yếu dựa vào nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực.
- Việc cải cách nên bắt đầu tư đâu thưa ông?
- Bên cạnh việc duy trì công việc truyền thống như cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; Đề cao quyền tự do kinh doanh, mở rộng và đảm bảo quyền tự do kinh doanh, xóa bỏ mọi rào cản đang cản trở quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp; Doanh nghiệp Nhà nước được tăng cường quyền tự chủ kinh doanh và quản trị theo thông lệ quốc tế thì tới đây trọng tâm cải cách là phát triển các loại thị trường nhân tố sản xuất, gồm thị trường vốn, thị trường khoa học công nghệ, thị trường quyền sử dụng đất, thị trường lao động; Thay đổi việc phân bố nguồn lực nhà nước theo nguyên tắc thị trường và mức độ hiệu quả của dự án. Đặc biệt phải xóa bỏ được cơ chế xin-cho trong phân bố nguồn lực Nhà nước, trong đó có đầu tư công. Đây là việc nói rất nhiều năm và rất nhiều lần nhưng vẫn chưa làm được. Không làm được có nghĩa là rất khó làm, muốn thay đổi điều này không dễ. Tuy nhiên, có hai việc đơn giản nhà nước có thể làm đó là “nhà nước chỉ cần đứng yên” như thời điểm Việt Nam đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp hay còn gọi là khoán 10 vào năm 1988 và không can thiệp vào thị trường như giai đoạn 1990-1992.
- Việc này sẽ có tác động như thế nào?
- Với những cải cách như vừa nêu, quyền của Nhà nước về cơ bản vẫn giữ nguyên, một thứ cái cải cách mà ai cũng thắng. Nhưng việc cải cách để thị trường phân bố nguồn lực và xóa bỏ cơ chế xin cho trong phân bố nguồn lực Nhà nước thì động chạm rất nhiều và đến lợi ích nhóm, mà lợi ích nhóm lớn nhất là nằm ở Nhà nước.
Nhưng việc cải cách lần này đòi hỏi Nhà nước phải lùi thì thị trường mới tiến được. Nghĩa là, nhà nước phải thay đổi chức năng, vai trò, cơ cấu tổ chức, bộ máy, công cụ quản lý từ đó phải thay đổi năng lực quản lý nhà nước.
Ví dụ như việc bỏ cơ chế xin cho trong việc phân bổ đầu tư công. Việc quyết định chủ trương đầu tư không quan trọng là ai quyết thay vào đó phải lựa chọn được dự án đầu tư tốt. Để có được dự án tốt đòi hỏi chuyên môn và sự chuyên nghiệp của nhà đầu tư thay vì lựa chọn dự án theo thủ tục hành chính. Cần có một lực lượng động lập lựa chọn dự án theo nhu cầu thị trường thay cho nhà nước. Khi đã lựa chọn được 100 hay 1.000 dự án, dựa trên khả năng cân đối vốn năm nay sẽ lôi ra lần lượt các dự án theo thứ tự ưu tiên từ cao đến thấp để đầu tư. Khi ấy ai quyết định cũng được hết. Việc phân bố dự án có thể theo nguyên tắc ngành ưu tiên được nhiều vốn, ngành không ưu tiên được ít vốn và để lực lượng độc lập tự quyết định về việc lựa chọn dự án. Cơ quan nào đó giám sát việc họ làm, chỉ thổi còi khi họ làm không đúng định hướng.
Tương tự với thị trường quyền sử dụng đất, thị trường này là điểm cực nghẽn đối với Việt Nam, chừng nào Việt Nam bỏ quan niệm người cày có ruộng. Nông dân không cần ruộng, nông dân cần tài sản. Nông dân không cần ruộng như công cụ sản xuất mà nông dân cần tài sản. Như vậy quyền sử dụng đất phải như một tài sản chủ yếu của nông dân. Người ta tự do chuyển đổi chứ không phải như “giải phóng mặt bằng, thu hồi đất, đền bù giải phóng mặt bằng”..., đây đều là những từ của hành chính áp đặt và quan liêu bao cấp trong thể chế kinh tế không còn phù hợp.
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng cũng nhấn mạnh “phát triển đầy đủ và đồng bộ thị trường các yếu tố sản xuất, nhất là các thị trường quyền sử dụng đất, khoa học, công nghệ”.
Nếu muốn đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế giai đoạn tới 7% và mục tiêu tổng thể thì đột phá chiến lược phải làm được.
- Vậy cụ thể chúng ta nên làm như thế nào?
- Đầu tiên phải tháo bỏ những điểm nghẽn về quản lý đầu tư công, phải thay đổi việc phân bố nguồn lực theo thị trường, phân bố vốn đầu tư theo mức độ hiệu quả dự án. Điều này đòi hỏi đổi mới tư duy một chút giữa hiệu quả và công bằng.
Chiến lược phát triển 10 năm tới nên ưu tiên sử dụng nguồn lực hiệu quả sau đó mới là công bằng. Bởi khi sử dụng hiệu quả nguồn lực, tạo thêm nhiều nguồn lực và lấy nguồn lực đó để giải quyết vấn đề công bằng. Nếu chúng ta chưa có nguồn lực hoặc nguồn lực khan hiếm mà ngay lập tức làm công bằng thì vừa không đạt được tăng trưởng, vừa không giải quyết được vấn đề công bằng và không giải quyết được cả những vấn đề xã hội. Về mặt dài hạn triết lý phát triển đất nước hiệu quả và công bằng không có gì mâu thuẫn lẫn nhau.
Đối với các vùng và cực tăng trưởng, giữa hiệu quả và công bằng thì phân bố nguồn lực theo nguyên tắc nào? Rõ ràng phải tập trung cho những vùng sử dụng nguồn lực hiệu quả có thể thúc đẩy tăng trưởng nhanh được như vùng TP HCM, vùng Đông Nam Bộ, vùng Hà Nội và vùng Đồng bằng Sông Hồng. Ví dụ như TP HCM phải được nâng tỷ lệ điều tiết ngân sách lên 35% hoặc thậm chí 40% như các tỉnh khác để họ có nguồn lực tái đầu tư, phát triển.
Việc phân bố nguồn lực nên được thay đổi như tỷ lệ điều tiết ngân sách trong 10 năm tới, để ưu tiên dành nguồn lực cho những vùng, dự án, ngành nghề hiệu quả, trong đó có chuyển đổi số.
Tóm lại, những việc mà trước tiên mà nhiệm kỳ mới của Chính phủ có thể làm đó là đảm bảo an toàn trong kinh doanh, thay đổi cách phân bố nguồn lực Nhà nước, sửa đổi Luật Đất đai và tạo điều kiện cơ bản để hình thành thị trường quyền sử dụng đất.
NDH