MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

TS Nguyễn Sỹ Dũng: BOT là huy động vốn của tư nhân để đầu tư vào cơ sở hạ tầng nhưng tư nhân lại không bỏ vốn mà dùng tiền vay ngân hàng

Đây là ý kiến của nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội tại Tọa đàm khoa học "Các dự án BOT – Chính sách và giải pháp" sáng 8/9/2017.

Bí mật trong bản hợp đồng BOT

Mang theo một bản hợp đồng BOT được ký kết giữa nhà đầu tư và Bộ Giao thông vận tải, ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội vận tải Hà Nội tỏ ra rất bức xúc.

Điều 76 trong bản hợp đồng ghi rõ: “Nghĩa vụ chung của các bên tham gia hợp đồng không được tiết lộ thông tin đã tiếp cận cho bất cứ cá nhân, tổ chức nào ngoại trừ nhân viên và cố vấn của bên đó hoặc Bộ GTVT, bên cho vay, trong phạm vi cá nhân hoặc tổ chức đó cần thiết phải yêu cầu được biết các thông tin đó để thực hiện nhiệm vụ. Không sử dụng thông tin đã tiếp cận cho mục đích nào ngoài khác thực hiện hợp đồng. Theo hợp đồng này các thông tin bảo mật về pháp lý, tài chính, thương mại, kỹ thuật, công nghệ và các thông tin khác trực tiếp tới gián tiếp liên quan tới nội dung hợp đồng hoặc dự án trong hợp đồng này”.

Ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội vận tải Hà Nội.

Ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội vận tải Hà Nội.

Theo ông Liên những câu chữ trên trong bản hợp đồng đã ngăn cản việc giám sát của người dân. Thậm chí trái với Quyết định 217, 218 của BCT về tăng cường phản biện xã hội. “Đây chính là nguồn gốc của những bất cập hiện nay” – ông Liên nói.

Đối với doanh nghiệp vận tải, xăng dầu chiếm 35-40% giá thành. Tỷ lệ này sẽ tăng lên 50-60% nếu tính thêm cước phí qua trạm BOT. Ông Liên cho biết xe 42 chỗ từ Bến xe Nước Ngầm – Hà Tĩnh phải trả 18 triệu đồng mỗi tháng cho các trạm thu phí. Giá thành tăng lên khiến lượng hành khách đi xe suy giảm. Có những doanh nghiệp vận tải chỉ còn cầm cự được 6 tháng nữa, trong tình hình kinh doanh khó khăn.

Hệ lụy đã được nhìn thấy từ 1998

Luật sư Nguyễn Tiến Lập, trọng tài viên của Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam, cho rằng ông và nhiều chuyên gia khác đã dự đoán được những hệ lụy do các dự án BOT gây ra ngay từ năm 1998, khi mới nghị định đầu tiên về BOT. Theo Luật sư Lập, việc triển khai hình thức hợp tác công tư (PPP) của Việt Nam đơn giản, phiến diện, thiếu bài bản, không đúng bản chất.

Ông Lập cho biết, trên thế giới đã phát triển ra mô hình đối tác công tư cộng đồng (PPCP) để giải quyết những bài toán phát triển tổng thể mà PPP chưa làm được. Ông Lập cũng lưu ý rằng, khi nhà đầu tư tiến hành vay tiền ngân hàng để làm đường thì đây là vốn xã hội, không phải vốn tư nhân. Do đó, công trình PPP phải giải quyết bài toán xã hội.

Ông Nguyễn Sỹ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng đang có hiện tượng người dân và các doanh nghiệp vận tải - 2 “cổ đông” lớn nhất - bị chủ đầu tư và cơ quan nhà nước phớt lờ. Theo ông Dũng, Nhà nước là một cơ quan đại diện cho lợi ích quốc gia thì nên thu thập được tiếng nói của mọi “cổ đông”. Chỉ khi đó, lợi ích giữa các bên mới bảo đảm hài hòa.

Quốc hội đã cử đoàn đi giám sát. Trong kỳ họp vào tháng 10, ông Nguyễn Sỹ Dũng cho rằng các ủy ban của QH có thể tổ chức phiên điều trần để các bên liên quan được trình bày quan điểm. Có như vậy, nhiều khía cạnh chính sách sẽ được làm sáng rõ ở phiên họp toàn thể QH. Trong trường hợp cần thiết, QH có thể ban hành Nghị quyết về vấn đề BOT. Nhưng nhất định chỉ nên ban hành khi đã sáng rõ chính sách, giải pháp, cách làm.

Việc phản đối của người dân trong thời gian qua ở nhiều địa phương cho thấy nhiều vấn đề từ việc thực hiện đối tác công tư (PPP). “Chính sách cụ thể ở đây là huy động vốn của tư nhân để đầu tư vào cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, tư nhân không bỏ vốn mà là vốn xã hội vì dùng tiền vay ngân hàng. Như vậy mục tiêu huy động vốn tư nhân đang chưa đạt được. Huy động vốn xã hội mà lợi ích xã hội chưa bảo đảm thì quả thật đang có vấn đề” – ông Dũng nói.

Vương Diệu Quân

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên