MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

TS. Nguyễn Trí Hiếu: “Tôi lo ngại một số ngân hàng đang che giấu nợ xấu”

20-06-2016 - 08:20 AM | Tài chính - ngân hàng

TS. Nguyễn Trí Hiếu cho biết: “Tôi lo ngại một số tài sản nợ của ngân hàng đang được chuyển sang tài sản sinh lời nhằm mục đích làm đẹp hệ số an toàn vốn (CAR). Vì thế, hệ số CAR có thể thấp hơn con số 12% rất nhiều. Còn thấp hơn bao nhiêu thì không ai biết”! Tweet

Có phải ngân hàng vẫn đang “an toàn” như báo cáo?

Chia sẻ với BizLIVE, TS. Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính - ngân hàng, cho biết: “Đừng vội nói tới chuyện tăng năng lực cạnh tranh của ngân hàng, khó khăn trong tăng vốn. Điều đó sẽ là xa vời nếu như chúng ta không có cái nhìn đúng đắn về hệ số an toàn vốn (CAR) của ngân hàng Việt Nam hiện nay”.

Hơn lúc nào hết, đây là thời điểm chúng ta cần đặt ra câu hỏi: “Hệ số (CAR) của các ngân hàng hiện nay liệu có phản ánh đúng thực trạng năng lực tài chính của họ?”

Ông Hiếu nhận định: “Kinh doanh ngân hàng là ngành kinh doanh có tính rủi ro cao. Vốn là xương sống, là gối đệm an toàn cho ngân hàng khi kinh doanh rủi ro. Tuy nhiên, tôi lo ngại về hệ số an toàn vốn (CAR) hiện tại mà các ngân hàng báo cáo là không thực chất”.

Theo tổng hợp báo cáo của các ngân hàng thì hiện nay các ngân hàng thương mại Việt Nam vẫn đạt hệ số CAR là 9% và toàn ngành ngân hàng là 12%, đúng theo quy định hiện hành. “Tuy nhiên, tôi sợ rằng để làm “đẹp” sổ sách thì nhiều ngân hàng đã “khai khống”, ông Hiếu chia sẻ.

“Khai khống” ở đây có thể hiểu là hiện nay có nhiều ngân hàng xảy ra trường hợp có những tài sản không có khả năng sinh lời, không còn khả năng thu hồi vốn, đáng ra phải để ở nhóm nợ xấu (nợ có thể mất vốn) thì ngân hàng vẫn cố tình để ở nhóm nợ bình thường để tránh phải trích lập dự phòng cao cho nhóm nợ này, để làm đẹp sổ sách.

Những tài sản đáng ra phải là tài sản nợ lại được đưa vào nhóm tài sản sinh lời đó có thể gọi là tài sản “độc hại”. “Nếu bây giờ làm minh bạch lại, làm rõ ràng ra thì khối tài sản độc hại sẽ chuyển từ nhóm sinh lời sang nhóm nợ, từ đó mà vốn chủ sở hữu sẽ giảm đi đáng kể. Điều đó cũng có nghĩa là hệ số CAR của ngân hàng sẽ giảm theo. Tôi e rằng, lúc đó hệ số CAR của toàn hệ thống ngân hàng sẽ thấp hơn con số 12% nhiều”, ông Hiếu lo lắng.

Ông Hiếu cho biết, Việt Nam có nhiều điều lạ kỳ, nhưng có một quan niệm đi ngược lại thông lệ quốc tế mà chúng ta có thể nhìn thấy rõ, là khi hỏi về ngân hàng chúng ta lại chỉ hay nói tới vốn điều lệ chứ không nói tới vốn chủ sở hữu. Trong khi vốn chủ sở hữu mới là vốn thực có của ngân hàng, còn vốn điều lệ chỉ là dùng để chỉ vốn đăng ký ban đầu. Vốn chủ sở hữu sẽ tăng giảm khi ngân hàng làm ăn có lãi hoặc thua lỗ. Và vốn chủ sở hữu mới là chỉ số cho thấy hệ số CAR thực chất của ngân hàng ở đâu.

“Rõ ràng là chúng ta chưa có sự quan tâm đúng mức tới hệ số CAR trong ngân hàng hiện nay. Nếu không đưa hệ số CAR về thực chất và đảm bảo an toàn thì lúc gặp rủi ro ngân hàng rất dễ rơi vào tính trạng mất vốn, hay phá sản nếu vốn chủ sở hữu rơi xuống mức âm”, bằng kinh nghiệm làm việc nhiều năm ở nước ngoài, ông Hiếu nhận định.

Đòi hỏi sự minh bạch và trung thực của ngân hàng!

Trong một báo cáo vừa công bố của trung tâm nghiên cứu độc lập BIDV, đến cuối 2015, khối ngân hàng quốc doanh và ngân hàng có vốn nước ngoài có hệ số an toàn CAR giảm nhanh xuống mức 9,4% - gần chạm ngưỡng tối thiểu 9% theo quy định của NHNN, thấp hơn mức bình quân của ASEAN là 10,3%.

Câu chuyện tăng năng lực cạnh tranh của ngân hàng có lẽ sẽ trở thành “bất khả thi” nếu chúng ta chỉ nói khơi khơi là làm sao giữ lại vốn, làm sao huy động thêm vốn, trong khi chúng ta chưa nhìn nhận thực chất về nợ xấu, hệ số an toàn CAR của ngân hàng.

Muốn làm được điều này đòi hỏi sự minh bạch trong báo cáo tài chính của các ngân hàng và sự quyết liệt trong quản lý của NHNN.

Trước đó, ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch BIDV nhấn mạnh: “Việc đáp ứng tiêu chuẩn tài chính, củng cố hệ số an toàn là rất quan trọng trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh ngân hàng”. Tuy nhiên, để các ngân hàng có cái nhìn thẳng, thật vào bản thân lại là câu chuyện khác. Nó đòi hỏi sự dũng cảm, dám làm, dám sửa từ phía ban quản trị các ngân hàng. Và hành động thì lúc nào cũng có ý nghĩa hơn là một vài phát biểu quyết tâm!

Theo Nguyễn Thoan

BizLIVE

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên