MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

TS Phạm Sỹ Thành: Không chỉ là “cãi vã”, “ăn miếng trả miếng”, Trung Quốc đạt được mục đích khi tới Alaska

20-03-2021 - 20:16 PM | Tài chính quốc tế

TS Phạm Sỹ Thành: Không chỉ là “cãi vã”, “ăn miếng trả miếng”, Trung Quốc đạt được mục đích khi tới Alaska

Tiến sĩ Phạm Sỹ Thành, giám đốc Chương trình nghiên cứu chiến lược Mekong - Trung Quốc (MCSS) thuộc Học viện Nông nghiệp Việt Nam, cho biết phái đoàn Bắc Kinh đã không rời Alaska với 2 bàn tay trắng mà ngược lại, họ đã đạt được mục đích của mình bất chấp những ồn ào xung quanh hội nghị cấp cao Mỹ - Trung đầu tiên dưới thời Tổng thống Joe Biden.

Chúng tôi xin trích nguyên văn chia sẻ của Tiến sĩ Phạm Sỹ Thành xung quanh cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan với ông Dương Khiết Trì, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Ngoại sự Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc cùng Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị.

TS Phạm Sỹ Thành: Không chỉ là “cãi vã”, “ăn miếng trả miếng”, Trung Quốc đạt được mục đích khi tới Alaska - Ảnh 1.

Truyền thông đang kể về cuộc gặp đầu tiên giữa những người phụ trách công tác đối ngoại cấp cao giữa Mỹ và Trung Quốc tại Alaska bằng những cụm từ như "phi ngoại giao", "ngoại giao bất quy tắc", "ăn miếng trả miếng", "cãi vã"…. Tuy nhiên, đó không phải tất cả. Đằng sau đó là nhưng tính toán sâu xa.

Trước cuộc gặp, Mỹ đã chính thức trừng phạt 24 quan chức Trung Quốc do liên quan đến luật bầu cử mới ở Hong Kong, một cách thăm dò phản ứng giống như Trung Quốc đã tuyên bố trừng phạt 18 quan chức cấp cao vừa mãn nhiệm của Mỹ vào đúng ngày đầu tiên chính quyền mới ông Joe Biden nhậm chức.

Trung Quốc có thể lựa chọn im lặng giống như Mỹ đã làm, cũng có thể lựa chọn hủy bỏ cuộc gặp Alaska như một nguồn tin cấp cao đã tiết lộ. Nhưng phái đoàn của ông Dương Khiết Trì vẫn đến Mỹ, bởi không ở đâu truyền thông lại ồn ào và có sức lan tỏa như ở Mỹ. Nói cách khác, Trung Quốc đã đến Mỹ để có một nơi đưa đi thông điệp mà mình cần phát đi tốt hơn cả.

Vậy thông điệp đó nhắm đến ai. Có ba nhóm chủ yếu (i) Mỹ, (ii) đồng minh của Mỹ, và (iii) nội bộ Trung Quốc. Ngoại giao lần này phục vụ cả đối ngoại và đối nội.

Đối với Mỹ: Thông điệp rõ ràng nhất là đòi hỏi một mối quan hệ ngang hàng dựa trên niềm tin rằng Trung Quốc có đủ thực lực và cả kinh nghiệm trong 5 năm qua để vượt qua sức ép từ Mỹ. Mặc dù cả ông Dương Khiết Trì và Vương Nghị đều phàn nàn rằng việc ra tuyên bố trừng phạt với Trung Quốc ngay trước khi phái đoàn nước này đến Mỹ không phải là cách hay để "tổ chức một sự kiện và chào đón khách", nhưng cả hai cũng đồng thời truyền đạt thông điệp từ Chủ tịch Tập Cận Bình rằng Trung Quốc không muốn đối đầu, không muốn có mâu thuẫn mà chỉ muốn tìm kiếm sự hợp tác với Mỹ. Đó là cách tuyên bố rằng Trung Quốc không phải bên khiêu chiến.

TS Phạm Sỹ Thành: Không chỉ là “cãi vã”, “ăn miếng trả miếng”, Trung Quốc đạt được mục đích khi tới Alaska - Ảnh 2.

Nhưng với mỗi chỉ trích của Mỹ, ông Dương Khiết Trì đều đưa ra một phản bác tương ứng. Và quan trọng hơn cả, một câu của ông Dương Khiết Trì được lan truyền trên các mạng xã hội của Trung Quốc rằng: "Mỹ luôn muốn hành xử với tư thế bề trên, nhưng Trung Quốc không chấp nhận điều đó".

Trong chuyến thăm năm 2012 sang Mỹ, ông Tập Cận Bình khi đó là phó chủ tịch nước đã đề xuất một "quan hệ nước lớn kiểu mới" với Obama, nhưng ý tưởng này đã bị bác bỏ, thậm chí trong các vòng đàm phán chiến lược giữa hai bên cũng không nhắc đến cụm từ này. Bây giờ có thể là thời điểm để Trung Quốc nhắc lại lập trường này.

Báo chí đưa tin thú vị rằng sau khi kết thúc bài phát biểu gay gắt 15 phút, Dương Khiết Trì vừa mỉm cười vừa nói bằng tiếng Anh "đây là một bài kiểm tra cho phiên dịch". Nó cũng có thể được hiểu thành: hy vọng các ngài hiểu chính xác những gì tôi vừa nói.

Đối với đồng minh và các nước thân cận với Mỹ: Những phàn nàn về chính sách ngoại giao quyết đoán của Trung Quốc ngày càng trở thành một trạng thái "bình thường mới". Quan sát cuộc gặp Alaska có thể thấy, mục đích của Trung Quốc là nói với các đồng minh của Mỹ rằng nước này sẽ không nhân nhượng trước các nước khác sau khi đã (tìm cách) xác lập quan hệ ngang bằng với Mỹ.

TS Phạm Sỹ Thành: Không chỉ là “cãi vã”, “ăn miếng trả miếng”, Trung Quốc đạt được mục đích khi tới Alaska - Ảnh 3.

Đối với công chúng Trung Quốc: Bất kỳ sự thể hiện "nhu nhược" hoặc "nhượng bộ" nào trong đối ngoại đều có thể bị diễn giải là thừa nhận sai lầm của đường lối "chiến lang" và do đó sẽ làm giảm quyền lực của lãnh đạo cấp cao. Mặc dù có nhiều cải thiện về hình ảnh ở các nước đang phát triển, mặc dù kinh tế Trung Quốc vẫn đứng vững và đất nước đã vượt qua Covid-19 thành công hơn bất kỳ nền kinh tế OECD nào, những nghi ngờ ngầm về sai lầm trong cách thể hiện quyết đoán của lãnh đạo vẫn tồn tại trong nội bộ những nhóm lãnh đạo có quan điểm gần với đường lối của Đặng Tiểu Bình thời kỳ trước.

Vì vậy, mục đích của công tác chính trị và đối ngoại là củng cố tính chính danh của các quan điểm quyết đoán. Không phải ngẫu nhiên mà vào trong cuộc học tập tập thể cuối cùng của năm 2020 dành cho các ủy viên Bộ Chính trị, chủ đề được lựa chọn là "Tình hình an ninh trong thời kỳ mới". Trong bài tóm tắt quan điểm của ông Tập Cận Bình tại đó 10 vấn đề an ninh lớn nhất đã được đưa ra, trong đó xếp hàng đầu là an ninh chính trị, liên quan đến sự tin tưởng tuyệt đối vào cách quản trị của lãnh đạo và đề cao sự trung thành.

Một điểm đáng chú ý là trong khi Mỹ cố gắng "bình thường hóa" cuộc gặp này, thậm chí phát ngôn Nhà Trắng cũng thẳng thắn cho rằng đó chỉ là một cuộc tiếp xúc thông thường thì truyền thông Trung Quốc đều cho rằng đây là một cuộc đối thoại chiến lược cấp cao. Bằng cách mô tả đó, truyền thông muốn nói với công chúng Trung Quốc về tính chính thống, tầm quan trọng của các phát ngôn mà phía Trung Quốc đưa ra là không thể xem nhẹ.

TS Phạm Sỹ Thành: Không chỉ là “cãi vã”, “ăn miếng trả miếng”, Trung Quốc đạt được mục đích khi tới Alaska - Ảnh 4.

Đặc điểm mới trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc không phải là giấu mình chờ thời mà là thay đổi cách nhận thức về Trung Quốc và tạo ảnh hưởng một cách lâu dài. Để đạt được điều này, hai nhóm chính sách được kết hợp song song mà chúng ta vẫn biết dưới tên gọi "ngoại giao chiến lang". Đó là (i) thay đổi cách diễn ngôn về Trung Quốc và (ii) triển khai ngoại giao trừng phạt/khen thưởng.

TS Phạm Sỹ Thành: Không chỉ là “cãi vã”, “ăn miếng trả miếng”, Trung Quốc đạt được mục đích khi tới Alaska - Ảnh 5.

Để thay đổi cách các nước khác nói về Trung Quốc, các nhà ngoại giao của Trung Quốc đã đẩy mạnh cách diễn ngôn của mình ở mọi diễn đàn, mọi cấp độ, mọi cách thức. Nhưng dựa trên ba trụ cột chính là (1) chiến tranh thông tin, (2) chiến tranh tâm lý và (3) chiến tranh pháp lý.

Trung Quốc tuyên bố với chính phủ và công chúng nước ngoài rằng việc cản trở việc theo đuổi lợi ích của Bắc Kinh là không thể và không mong muốn. Ngoại giao "chiến lang" có thể làm xấu hình ảnh của Trung Quốc, nhưng nó phục vụ mục tiêu là duy trì nhận thức về sự phụ thuộc và tính không thể tránh khỏi. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng sử dụng ngày càng nhiều và linh hoạt các kênh truyền thông phương Tây để khẳng định các lợi ích và kể các câu chuyện của Trung Quốc ở nước ngoài.

Trong bài tổng kết công tác ngoại giao năm 2020, ngoại trưởng Vương Nghị đã không ngần ngại bảo vệ chính sách "ngoại giao chiến lang" khi tuyên bố Trung Quốc đối xử với "bạn bè bằng lòng hiếu khách và đối tác bằng sự hợp tác" nhưng cũng "chiến đấu chống lại những kẻ xấu xa" [1].

Tại Alaska, một hoạt động ngoại giao như vậy đã diễn ra, trong bài test của Mỹ, Trung Quốc đã giành được quyền chủ động. Đừng nghĩ rằng cuộc gặp không có kết quả. Trung Quốc đã có được điều họ cần.

photo-5

Tiến sĩ Phạm Sỹ Thành hiện đang là Giám đốc Chương trình nghiên cứu chiến lược Mekong - Trung Quốc (MCSS) thuộc Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Trước đó, ông từng đảm nhiệm cương vị Giám đốc Chương trình nghiên cứu kinh tế Trung Quốc (VCES) thuộc Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) cho đến ngày 1/4/2020. Ông Thành cũng chính là người sáng lập VCES.

TS Phạm Sỹ Thành - Giám đốc Chương trình nghiên cứu chiến lược Mekong - Trung Quốc (MCSS)

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên