TS. Trần Du Lịch: Phân bố ngân sách cho TP. Hồ Chí Minh không đủ, tất yếu dẫn đến đô thị "lôm côm" như hiện nay
Trong 10 – 15 năm tới, câu chuyện đô thị hoá không còn đơn thuần là vấn đề của chính bản thân nó mà đã trở thành động lực tăng trưởng kinh tế. Dù vậy, đô thị hoá tại Việt Nam vẫn tồn đọng một số vấn đề lớn.
Bình luận về những vấn đề liên quan đến đô thị hoá tại Việt Nam dựa trên những nghiên cứu sơ bộ của World Bank, TS. Trần Du Lịch cho biết có 3 vấn đề trọng tâm được đặt ra.
Thứ nhất là những chính sách liên quan đến lao động, di cư, chuyển dịch từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp.
"Nôm na là những vấn đề liên quan đến sự tăng nhanh của dân số đô thị, đơn cử như hộ khẩu", ông nói.
Thứ hai là phải gắn quy hoạch đô thị với kế hoạch. Đó là vấn đề phân bổ nguồn lực về đất đai, các loại liên quan đến công tác, quy hoạch đô thị.
Ông Lịch cho biết hiện World Bank đang chia đô thị Việt Nam ra làm 2 tầng. Tầng 1 là những đô thị lớn như TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, tầng 2 là các đô thị khác. Một thực trạng đáng lưu tâm hiện nay như ông Lịch nói là quy hoạch và việc thực thi quy hoạch đang không đồng nhất gây ảnh hưởng đến bộ mặt chung của đô thị.
Thứ 3 là quan điểm về việc phải tập trung nguồn lực cho những nơi có lợi thế phát triển, ví dụ như vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, phía Bắc... "Làm sao để những nơi này thành điểm tích tụ, tăng nhanh về của cải, gắn liền với đô thị hoá".
Dù vậy, hiện trạng được ghi nhận là ngân sách hiện nay được phân bổ chưa hợp lý. Điều này thể hiện rõ nhất ở TP. Hồ Chí Minh. "Phân bố ngân sách của TP. Hồ Chí Minh không đủ cho quy mô kinh tế, tất yếu dẫn đến đô thị lôm côm như ta thấy hiện nay. Tôi cho đó là vấn đề", TS. Trần Du Lịch nhận định.
Theo ông, trong tương lai 10 – 15 năm nữa, đô thị hoá sẽ không chỉ là chuyện của đô thị hoá mà còn là động lực tăng trưởng của nền kinh tế. Nó cũng gắn liền với quá trình rút ngắn khoảng cách thành thị với nông thôn khi chuyển phần lớn dân số nông thôn lên thành thị. "Nhờ vậy chúng ta cũng sẽ rút ngắn được khoảng cách giàu nghèo, giúp phát triển bao trùm và bền vững".
Để làm được những điều này, ông Lịch cho biết cần phải có sự chuyển đổi mô hình đô thị hoá hợp lý. Ông cho rằng cầnphải có sự liên kết giữa các vùng đô thị với nhau. Việc xây dựng cũng phải tuân theo quy hoạch tránh trường hợp tự phát như trước đây.
"Chúng ta phải chủ động, chứ không phải để nhà đầu tư muốn làm gì thì làm rồi quy hoạch điều chỉnh theo giống như bây giờ", ông nói.
Bên cạnh đó, ông Lịch cũng nói đến định hướng phát triển đa trung tâm chứ không phải hướng tâm tại các thành phố lớn.
Ví dụ như việc xây dựng chuỗi đô thị với TP. Hồ Chí Minh, trải dài trên địa bàn 8 tỉnh, gồm 17 đô thị gắn kết với nhau bằng chuỗi giao thông và cùng giải quyết các vấn đề liên quan đến sản xuất, nhân lực... một cách hài hoà. Những điều này sẽ giúp cho các thành phố lớn tránh bị quá tải hay ô niễm môi trường.
"Nếu theo hướng tập trung thì hậu quả sẽ xảy ra với khu dân cư", ông Trần Du Lịch nhấn mạnh. Theo ông, từ những năm 90, TP. Hồ Chí Minh đã đặt ra chính sách doanh nghiệp nếu rời khỏi khu vực dân cư sẽ được hỗ trợ lãi suất đi vay, nhờ vậy, một lượng tương đối doanh nghiệp đã chấp nhận di dời. Ông Lịch cho rằng để thực hiện tốt điều này, bên cạnh những chính sách ưu đãi cần có thêm cả chính sách gắn với việc đất đó sẽ được sử dụng để làm gì.