TS. Vũ Thành Tự Anh: "Chúng ta không đi hết con đường của nền kinh tế thị trường, chúng ta đi lưng chừng và vì vậy kết quả cũng đang ở lưng chừng!"
"Chúng ta có ổn định kinh tế vĩ mô nhưng cứ 10 năm lại có một đợt bất ổn. Chúng ta cũng có tiết kiệm và đầu tư cao nhưng đầu tư lại kém hiệu quả...", TS. Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright phát biểu trong Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2018 do Ban Kinh tế Trung ương tổ chức.
Hai điểm yếu của tăng trưởng
Thứ nhất, giống như các nước Đông Nam Á khác, tăng trưởng kinh tế Việt Nam không duy trì được ở mức cao trong dài hạn. Trong quá khứ, Việt Nam đã từng có tốc độ tăng trưởng GDP 7,2% trong giai đoạn 1990 – 2007. Tuy nhiên, "nền kinh tế Việt Nam thời điểm này hầu như không có cơ hội tăng trưởng 8 – 9% nữa", tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh nhận định.
Từ năm 1960 đến nay, tăng trưởng của các nước Đông Bắc Á cao hơn Đông Nam Á. Bức tranh tăng trưởng giữa hai nhóm nước này có tính ổn định và duy trì trong xuyên suốt mấy chục năm trở lại đây. Các nước Đông Bắc Á có khả năng duy trì tốc độ tăng trưởng cao trong thời gian dài. Trong khi đó, đa số các nước Đông Nam Á chỉ có thể duy trì tăng trưởng cao trong một thời gian tương đối ngắn.
"Điều đó có nghĩa là nếu như chúng ta không thể duy trì được tốc độ tăng trưởng cao, bền vững trong thời gian lâu dài từ 3 – 4 thập niên thì chúng ta khó có thể vượt khỏi bẫy thu nhập trung bình, chưa thể tính đến tiến lên hàng ngũ các nước phát triển", TS. Tự Anh cho biết.
Ví dụ, Hàn Quốc có thể tiến từ một nước thuộc thế giới thứ ba sang thế giới thứ nhất trong vòng 30 năm, bởi vì nước này có thể tăng trưởng gần 10% trong suốt 37 năm. Tương tự, các nền kinh tế như Singapore, Hồng Kông có thể duy trì tốc độ tăng trưởng 8 – 9% trong một thời gian dài.
Thứ hai, tăng trưởng kinh tế nước ta mang tính chu kỳ. "Từ năm 1986 khi bắt đầu đổi mới, hình như năm nào kết thúc bằng con số 9 (1979, 1989, 1999 và 2009) là nền kinh tế Việt Nam gặp trục trặc thì phải", vị tiến sĩ đưa ra một nhận định hóm hỉnh. Điều này cho thấy có vẻ như nền kinh tế đang có chu kỳ khoảng 10 năm.
Thập niên 90, Việt Nam đạt đỉnh tăng trưởng là 9,5%, năm 2000 con số này là 8,5% và đến thập niên này thì tăng trưởng chưa tới 7%. Có thể thấy nền kinh tế không những không thể duy trì được tốc độ tăng trưởng cao mà thậm chí còn đi xuống.
"Chúng ta không đi hết con đường của nền kinh tế thị trường"
Hơn nữa, đối với các điều kiện để một nền kinh tế có thể tăng trưởng cao thì các chỉ tiêu này của Việt Nam chỉ "ở mức lưng chừng".
Ông Tự Anh nói: "Chúng ta có hội nhập kinh tế quốc tế nhưng hiệu quả chưa cao, phụ thuộc quá nhiều vào FDI. Chúng ta có ổn định kinh tế vĩ mô nhưng cứ 10 năm lại có một đợt bất ổn. Chúng ta cũng có tiết kiệm và đầu tư cao nhưng đầu tư lại kém hiệu quả. Chúng ta cũng để thị trường phân bổ nguồn lực nhưng bên cạnh đó vẫn có nhiều can thiệp về mặt giá cả, lãi suất, tỷ giá…"
Ông nhấn mạnh thêm: "Chúng ta không đi hết con đường của nền kinh tế thị trường, chúng ta đi lưng chừng và vì vậy kết quả cũng đang ở lưng chừng".
Những thách thức phía trước
Theo ông Tự Anh, nền tảng tăng trưởng đang có vấn đề và chúng ta phải sửa đổi động cơ tăng trưởng. Ông cho rằng thách thức vĩ mô lớn nhất trong trung hạn là không gian tài khóa dần thu hẹp. Trong 5 năm trở lại đây, thu ngân sách chủ yếu dùng cho chi thường xuyên và trả nợ. Đặc biệt, chi thường xuyên tăng vọt từ năm 2009. Hệ quả là áp lực nợ công và thuế gia tăng, địa phương phải tăng tỉ lệ điều tiết của trung ương, gánh nặng đặt vào chính sách tiền tệ.
Một thách thức khác là tăng trưởng năng suất còn thấp. Trong bối cảnh nước ta sắp bước qua giai đoạn dân số vàng thì năng suất lao động còn phải tăng cao hơn nữa. Tuy nhiên, khả năng sáng tạo, các kĩ năng trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 chưa được nâng cao. Ngoài ra, bong bóng bất động sản bắt đầu manh nha và có thể lớn hơn trong tương lai nếu không được kiểm soát.
TS. Tự Anh nhận xét chi phí kinh doanh hiện nay còn cao, bất bình đẳng trong khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp vẫn tồn tại. Đặc biệt, dân số già hóa, chi phí lao động tăng cao và sự phát triển của công nghệ trong thời kỳ cách mạng 4.0 có thể khiến Việt Nam mất đi lợi thế lao động giá rẻ.
Theo Giám đốc chương trình Fulbright, Việt Nam "có quỹ thời gian không dài, khoảng 10 – 15 năm" để phát triển nhanh, bền vững và trở thành một nước công nghiệp hiện đại.