TS. Vũ Tiến Lộc: Ngân sách cân đối vẫn phụ thuộc nhiều vào bán đất, bán tài sản công
Những chuyển biến về cân đối ngân sách vẫn chưa thực sự bền vững, đại biểu Vũ Tiến Lộc nói tại Nghị trường sáng nay, 29/10.
- 29-10-2018Hàn Quốc, Úc chỉ đầu tư vào sân bay, cao tốc còn Việt Nam mỗi tỉnh một dự án
- 29-10-2018Cần tăng khả năng giám sát dòng vốn và hàng hóa ngoại vào Việt Nam
- 28-10-2018Chính phủ không hề có động thái nào về nới lỏng kiểm soát lạm phát
Nỗi lo ngân sách nhà nước trong trung và dài hạn
Đây không phải là lần đầu tiên đại biểu Vũ Tiến Lộc đưa ra nhận xét này. Tại kỳ họp Quốc hội hồi tháng 5 năm nay, ông Lộc cũng chỉ ra rằng việc cân bằng ngân sách, khống chế nợ công được thực hiện bằng các khoản thu một lần như bán đất, tài nguyên, bán tài sản công, thu từ cổ tức doanh nghiệp.
Nguồn thu chính từ các hoạt động kinh tế điển hình như thuế đối với khu vực doanh nghiệp có dấu hiệu thiếu ổn định, không đạt dự toán, thậm chí sụt giảm. Trong khi đó, tỷ lệ chi thường xuyên vẫn cao, đạt đến 60%...
Chính vì vậy, nhìn sâu hơn trong bức tranh ngân sách nhà nước, dù có nhiều chuyển biến như tỷ lệ thâm hụt không còn vượt dự toán, nợ công/GDP giảm dần, kỳ hạn vay nợ dài hơn... thì sự bền vững vẫn chưa đạt được.
"Với tình trạng ngân sách còn khó khăn như vậy, tôi đề nghị dùng các khoản thu ngân sách nhà nước theo dự toán hàng năm để giảm nợ công, giảm áp lực trả nợ chứ không dùng để tiếp tục tăng chi như hiện nay", ông Lộc nói.
Ở mặt tích cực, vị đại biểu này nhận xét sự lo lắng tổng thể về cân đối ngân sách đã không còn lớn như các năm trước. Nhưng để yên tâm cho trung và dài hạn, ông cho rằng cần có những giải pháp căn cơ nhằm đạt được cân đối tài chính quốc gia.
Cụ thể, Việt Nam cần nỗ lực thúc đẩy sản xuất kinh doanh để tăng thu song hành với quyết tâm cắt giảm bộ máy nhà nước ở mức hợp lý nhằm giảm chi thường xuyên xuống còn mức dưới 50% ngân sách.
Tượng đài, quảng trường vẫn được xây dựng nhiều
Một vấn đề khác của nền tài chính quốc gia cần quan tâm là hiệu quả đầu tư công. Ông Lộc nhấn mạnh đây là vấn đề dai dẳng trong nhiều năm nhưng chưa được cải thiện.
Báo cáo của Chính phủ dù cho biết hệ số ICOR đã có giảm, từ 6,36% giai đoạn 2011 – 2014 xuống còn 6,11% giai đoạn 2015 – 2017 nhưng mức giảm không đáng kể.
"Việc phải tốn 6 đồng đầu tư mới có 1 đồng tăng trưởng cho thấy hiệu quả sử dụng vốn còn rất thấp. Trên thực tế còn nhiều dự án chưa có tính cấp thiết hoặc tính hiệu quả sử dụng không cao như tượng đài, quảng trường đang được xây dựng", ông nói.
Theo ông, việc phân bổ nguồn vốn đầu tư vẫn đang theo nguyên tắc bình quân chủ nghĩa, mỗi địa phương ngành một ít chứ không dựa trên hiệu quả tổng thể của nền kinh tế quốc dân. Do vậy, tình trạng đầu tư dàn trải, manh mún, kém hiệu quả còn phổ biến.
"Các dự án đầu tư bị đội vốn, chậm tiến độ có thể kể ra không biết bao nhiêu", ông nói.
Ngoài những nguyên nhân kể trên, còn có cả vấn đề do chính quyền không đủ vốn đối ứng, thậm chí không có tiền trả nợ đọng cho doanh nghiệp hay ứng tiền để xây dựng dự án trước đó. Vì vậy, đẩy các doanh nghiệp vào tình trạng thua lỗ khó khăn, theo ông Lộc nhận xét.
Do đó, ông đề nghị ưu tiên trả nợ đọng trước khi bố trí vốn cho các dự án đầu tư mới để giải quyết các tình trạng này.
Mặt khác, vị đại biểu của đoàn Thái Bình cũng lưu ý Chính phủ trong dự án Luật đầu tư công cần lưu ý đến việc quy trách nhiệm cho các đơn vị thực hiện, đảm bảo nâng cao hiệu quả đầu tư, tránh thất thoát, lãng phí. Đồng thời, ông cho rằng Chính phủ cũng nên sớm trình ra Luật về đối tác công tư nhằm thu hút khối tư nhân tham gia vào các lĩnh vực vận hành kinh tế xã hội khác thay vì chỉ hạ tầng như hiện nay.
Trí Thức Trẻ
- Quốc hội quyết chi ngân sách Trung ương 2019 hơn 1 triệu tỷ đồng
- Chi 16.200 tỷ đồng cải cách tiền lương, tinh giản biên chế trong 2019
- Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể: Chúng ta có nhiều bài học 'xương máu'
- Chiều nay Quốc hội biểu quyết thông qua CPTPP
- Bí thư Nguyễn Thiện Nhân: "Không thể có đại học vô chủ!"