MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

TS. Vũ Tiến Lộc: Thành lập các tập đoàn đầu tư tài chính vốn Nhà nước sẽ là một mũi tên trúng hai đích

Ủng hộ chủ trương tách doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) ra khỏi cơ quan chủ quản nhưng TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) không đồng tình với mô hình Ủy ban mà cho rằng nên thành lập các tập đoàn đầu tư tài chính vốn Nhà nước.

Trao đổi với chúng tôi bên hành lang Quốc hội, TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI và cũng là Đại biểu Quốc hội khóa XIV cho rằng phương án thành lập Ủy ban mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra là không phù hợp để có thể đạt được mục tiêu tách vốn Nhà nước ra khỏi Bộ chủ quản.

Thưa ông, mới đây Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa đưa ra dự thảo Nghị định trong việc thành lập cơ quan chủ sở hữu vốn Nhà nước tại doanh nghiệp được gọi là Ủy ban. Ông có đồng tình với việc thành lập mô hình này?

Từ Đại hội Đảng XII đã xác định dứt khoát xóa bỏ chế độ chủ quản, thành lập một cơ quan quản lý vốn và tài sản nhà nước. Do đó, việc thành lập cơ quan này thay thế cho bộ chủ quản của các bộ chuyên ngành hiện nay là chủ trương phù hợp và đúng đắn, cần triển khai sớm trong nhiệm kỳ này.

Tôi rất mừng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất phương án về việc này, nhưng tôi băn khoăn và không nhất trí với phương án mà Bộ này đưa ra là thành lập một Ủy ban quản lý vốn DNNN. Bởi Ủy ban hay cơ quan thì cũng là đơn vị quản lý hành chính, quản lý vốn và tài sản Nhà nước là không phù hợp.

Đồng thời, cũng không nên tập trung quyền lực tài chính và quyền lực quản lý vốn vào một cơ quan. Ta bỏ đi bộ chủ quản, không giao quyền quản lý vốn mà thành lập cơ quan thì vừa có quyền lực hành chính, vừa có quyền lực vốn đều không thích hợp.

Vậy quan điểm của ông trong việc xây dựng mô hình quản lý vốn và tài sản của DNNN như thế nào là phù hợp trong bối cảnh hiện nay?

Tôi đề nghị thành lập hai đến ba Tập đoàn đầu tư tài chính của nhà nước, thực hiện nhiệm vụ tập hợp tất cả vốn của DNNN, quản lý vốn Nhà nước tại các DN và hoạt động như công ty tài chính, đầu tư vào tất cả các DN, kể cả các DN 100% vốn Nhà nước và các DN có vốn của Nhà nước.

Việc thành lập được các công ty quản lý vốn Nhà nước như vậy, vẫn đảm bảo quyền tự chủ trong kinh doanh của các DNNN trong nền kinh tế thị trường, đảm bảo khả năng cạnh tranh. Công ty tài chính quản lý vốn Nhà nước cũng sẽ hoạt động với tư cách như một nhà đầu tư, chứ không phải tư cách một cơ quan chủ quản, càng không phải là cơ quan quản lý chuyên ngành thì việc sử dụng vốn sẽ hiệu quả hơn.

Đồng thời, công ty đầu tư tài chính thì chỉ chịu trách nhiệm về vốn đầu tư của mình vào các khoản đầu tư đó, chứ không phải là cơ quan cấp trên, nên có quyền can thiệp vào DN. Việc có nhiều đơn vị cũng sẽ tạo cơ chế thi đua, vì vốn của Nhà nước trong DN rất lớn, một cơ quan đứng ra làm thì không được. Do đó, nếu có 2 – 3 cơ quan chịu trách nhiệm và đảm bảo không khí thi đua cạnh tranh, thì sẽ tìm ra mô hình để quản lý tốt hơn.

Nhiều ý kiến lo ngại rằng khi định lập ra siêu ủy ban, hay là mô hình như ông vừa nói thì xem ra sẽ là rào cản cho quá trình cổ phần hóa, thoái vốn?

Nếu DN đẩy mạnh cổ phần hóa thì vẫn phải có một tổ chức của Nhà nước chịu trách nhiệm về việc đầu tư trong việc rút vốn hay đầu tư. Như vậy thì khi đã cổ phần hóa, công ty đầu tư tài chính này sẽ quyết định giữ bao nhiêu cổ phần ở DNNN và sẽ đại diện cho vốn chủ sở hữu Nhà nước trong các DN cổ phần hóa mà có tư nhân tham gia.

Theo chủ trương, hầu hết các DN sẽ cổ phần hóa. Nên khi các Tập đoàn đầu tư tài chính này cùng tham gia đầu tư vào các DN, hoạt động với tư cách một cổ đông trong các DN cổ phần hóa, hoạt động theo nguyên tắc cổ phần. Theo đó, tùy theo mức độ cổ phần mà Nhà nước chiếm bao nhiêu, Tập đoàn đầu tư tài chính này sẽ cử đại diện tham gia vào và có tiếng nói tham gia.

Việc này cũng phù hợp với chủ trương của Thủ tướng đã nói, là cần cổ phần hóa mạnh mẽ DNNN, rút vốn Nhà nước ra khỏi những lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh thuần túy. Bởi khi thành lập công ty cổ phần có sự tham gia của tư nhân, sẽ tạo áp lực lớn để kiểm soát và nâng cao hiệu quả hoạt động.

Đồng thời tạo cơ hội cho người dân và DN có cơ hội đầu tư vào những DNNN, kể cả DN quan trọng. Việc này như mũi tên trúng hai đích, đảm bảo nâng cao hiệu quả hoạt động vốn Nhà nước và giúp Nhà nước rút vốn để đầu tư vào những lĩnh vực hiệu quả và quan trọng hơn như hạ tầng, giáo dục và y tế.

Mới đây Bộ Tài chính cho biết sẽ tách SCIC để công ty này hoạt động độc lập. Với mô hình Tập đoàn ông đưa ra, liệu có nên nâng cấp mô hình này để trở thành Tập đoàn như ông nói?

Tôi đồng ý là nên tách độc lập và nâng cấp mô hình của SCIC. Song một SCIC khó để thực hiện được nhiệm vụ, chủ trương về chủ sở hữu vốn Nhà nước mà phải thành lập thêm 2 đơn vị nữa với quy mô lớn hơn. Những Tập đoàn này nên hoạt động độc lập và không trực thuộc Bộ nào và cũng không trực thuộc Chính phủ.

Vậy theo ông việc giám sát hiệu quả quản lý và sử dụng vốn Nhà nước của Tập đoàn này sẽ do cơ quan nào thực hiện?

Vốn Nhà nước hiện nằm tại DNNN lớn, chiếm phần lớn tài sản quốc gia. Vì sử dụng tài sản lớn nên hàng năm các tập đoàn này phải báo cáo trước Quốc hội về tình hình hoạt động. Hoạt động công khai, minh bạch và kiểm toán quốc tế, tất cả các Tập đoàn này phải đạt chuẩn điều hành của quốc tế và chịu sự giám sát của quốc hội và Kiểm toán.

Cẩm An

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên