[TTCK tuần 19/03 - 25/03] Chứng khoán Việt đánh rơi thành quả vượt đỉnh lịch sử, TTCK thế giới đồng loạt lao đao
VN-Index đã gặp khó khăn lớn trước sức ép giằng co mạnh tại vùng vào phiên cuối tuần trước những thông tin tiêu cực về TTCK thế giới.
TTCK Việt Nam đánh rơi thành quả "vượt đỉnh lịch sử" trong phiên cuối cùng của tuần lễ
Thị trường có một tuần lễ tiếp tục tăng điểm bứt phá vào đầu tuần tuy nhiên chỉ số VN-Index đã gặp khó khăn lớn trước sức ép giằng co mạnh tại vùng vào phiên cuối tuần trước những thông tin tiêu cực về TTCK thế giới.
Chốt tuần, VN-Index đã đóng cửa ở 1.153,59 điểm (+0,3%) và HNX-Index chốt phiên ở 131,88 điểm (+0,92%). Dường như sau 11 năm đi tìm lại đỉnh vinh quang, VN-Index đã chính thức vượt đỉnh lịch sử vào phiên ngày 22/03 và lịch sử chứng khoán Việt Nam đã bước sang một trang sử mới với đỉnh mới được thiết lập. Đó là thành quả sau 8 phiên tăng liên tiếp từ vùng tích lũy 1.130 điểm tuy nhiên càng tiến sát tới vùng đỉnh cũ, áp lực chốt lời từ nhóm ngân hàng tăng cao đã khiến chỉ số không thể bứt phá mạnh mẽ và đã bị đánh mốc cột mốt trong phiên giao dịch cuối cùng của tuần lễ.
Dòng tiền hầu hết luân chuyển chính ở nhóm cổ phiếu Large Cap. Tuy vậy, nhóm ngân hàng đã có sự phân hóa mạnh trong tuần qua. Vai trò dẫn dắt thị trường được luân chuyển sang một số cổ phiếu khác như MSN, VIC, GAS, PLX… Có thể thấy độ rộng thị trường vẫn tương đối hẹp nhưng áp lực cung cầu lại không chênh lệch đáng kể.
Vào những phiên cuối tuần, thị trường đón nhận 1 phiên điều chỉnh đáng kể. VN-Index cuối cùng cũng kết thúc 9 phiên giao dịch tăng điểm liên tiếp với tin tiêu cực từ nguy cơ chiến tranh Thương mại Trung - Mỹ. Áp lực bán tháo ồ ạt ngay vào đầu phiên giao dịch cuối tuần ngày thứ 6 khiến chỉ số VN-Index tụt gần 30 điểm, sau đó là sự giằng co giữa người mua và bán khiến VN-Index giao động quanh vùng đáy đến cuối phiên sáng. Sang đến phiên chiều, dòng tiền mạnh chảy vào một số bluechips như VIC, SAB và DHG đã giúp cân bằng thị trường và thu hẹp đà giảm. Khối ngoại chớp lấy cơ hội để mua ròng 286 tỷ đồng trong phiên giao dịch cuối cùng của tuần qua.
Theo các chuyên gia Rồng Việt Securities mặc dù VN-Index đã bứt phá thành công đỉnh lịch sử, tuy nhiên đa phần hiện tượng "xanh vỏ đỏ lòng" vẫn diễn ra khi chỉ có số ít mã vốn hóa lớn tăng điểm trong khi phần lớn cổ phiếu vẫn chìm trong sắc đỏ. Do đó phiên bán tháo hôm thứ 6 vừa rồi có lẽ chỉ là hệ quả tất yếu của nỗi lo điều chỉnh từ phần đông các nhà đầu tư. Tuy giảm sâu nhưng sau đó lực cầu mạnh dần lên và hấp thụ tốt lượng cung giá thấp. Đây có thể chỉ là nhịp điều chỉnh thông thường, và là cơ hội để giải ngân ở vùng giá thấp. Bản thân các nhà đầu tư nên tiếp tục tập trung sự chú ý vào các cổ phiếu dẫn dắt trong các ngành ngân hàng, chứng khoán, bất động sản và dầu khí trong thời gian tới đây.
Đối với thị trường CK phái sinh, trước các phiên biến động của thị trường cơ sở, thị trường phái sinh đã ghi nhận một tuần giao dịch kém sôi động, mang tâm lý khá thận trọng, "hoài nghi" với các hoạt động trading trong phiên khi thị trường cơ sở tiến đến đỉnh lịch sử trong những phiên đầu tuần. Trong khi đó vào phiên cuối tuần, khi VN-Index giảm mạnh đã đẩy ưu thế nghiêng về bên các vị thế ở chiều short. Trong khi đó rủi ro vẫn được đánh giá ở mức cao đối với các vị thế giữ lệnh trong trung hạn. So với tuần kề trước, thanh khoản HĐ phái sinh tuần qua có sự sụt giảm đáng kể. Hiện nay tổng khối lượng khớp lệnh trung bình của thị trường giao dịch hợp đồng tương lai đạt 18.786 hợp đồng ( giảm gần một nửa so với tuần trước).
TTCK thế giới trải qua một tuần lễ đồng loạt "lao đao"
Chứng khoán Mỹ lao đao trong tuần này trong bối cảnh địa chính trị hỗn loạn. Chỉ số S&P 500 đã giảm mạnh và là mức giảm hàng tuần tồi tệ nhất kể từ đầu năm, đóng cửa ở 2.588 điểm (giảm 5,6%). Chỉ số Nasdaq Composite của nhóm ngành công nghệ thậm chí còn tồi tệ hơn, sau những phát hiện về việc gã khổng lồ Facebook làm lộ dữ liệu khách hàng. Chỉ số này đóng cửa ở 6.992 điểm (giảm 5,8% ). Chỉ số Dow Jones Industrial Average đóng cửa ở 23.533 điểm (giảm 5,5%). Trong tuần qua, nhóm cổ phiếu công nghệ có kết quả giao dịch đặc biệt kém, cùng với các cổ phiếu tài chính và cổ phiếu chăm sóc sức khoẻ. Ngược lại, các cổ phiếu năng lượng đã thoát khỏi tình trạng suy thoái trong tuần, nhờ sự tăng giá của dầu thô lên mức cao nhất trong bảy tuần sau khi báo cáo về sự sụt giảm của dự trữ dầu thô.
Nhiều yếu tố đã xuất hiện đè nặng lên tâm lý nhà đầu tư trong tuần, nhưng sự leo thang căng thẳng thương mại rõ ràng là nguyên nhân chính trong số đó. Sự sụt giảm lớn nhất trong tuần đã xảy ra vào chiều thứ Năm, sau tuyên bố của chính quyền Trump rằng họ đang lên kế hoạch áp đặt thuế quan đối với hàng nhập khẩu trị giá 60 tỷ USD từ Trung Quốc cùng với những hạn chế mới nhằm ngăn chặn chuyển giao công nghệ và sự thâu tóm các công ty Mỹ của các đối thủ cạnh tranh Trung Quốc. Ngay lập tức, các quan chức Trung Quốc tuyên bố rằng họ sẽ nhắm vào hàng hoá Mỹ và áp thuế nhập khẩu riêng của họ để đáp trả lại hành động của Mỹ. Một sự kiện quan trọng khác ở Washington là cuộc họp chính sách của Cục Dự trữ Liên bang, mặc dù nó không gây ngạc nhiên cho giới đầu tư. Hôm thứ tư, FED công bố tăng lãi suất thêm 0,25%, đồng thời cũng thay đổi kỳ vọng của họ đối với lộ trình tăng lãi suất trong tương lai.
Khi nguy cơ chiến tranh thương mại gia tăng, các cổ phiếu châu Âu giảm xuống mức thấp nhất kể từ đầu năm. Tâm lý nhà đầu tư vẫn rất mong manh khi căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc tăng lên. Trong khi Mỹ tạm thời miễn trừ các nước thuộc Liên minh Châu Âu khỏi việc tăng thuế thép và nhôm, nhưng dường như việc đó không đủ để dẹp bỏ mối quan ngại của các nhà đầu tư về một cuộc chiến thương mại tiềm ẩn giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Các cổ phiếu giảm mạnh trong 3 ngày liên tiếp vào cuối tuần. Chỉ số FTSE 100 của Anh đóng cửa ở 6.921 điểm (giảm 7,3%), chỉ số DAX 30 của Đức đóng cửa ở 11.886 điểm (giảm 3,7%), chỉ số CAC 40 của Pháp đóng cửa ở 5.095 điểm (giảm 3,2%).
Chứng khoán Nhật Bản cũng ghi nhận một tuần lễ sụt giảm mạnh. Chỉ số Nikkei 225 giảm 4,9%, đóng cửa ở 20.617 điểm. Tính từ đầu năm, chỉ số Nikkei đã giảm 9,4%, trong khi đó chỉ số TOPIX giảm 8,4%. Đồng Yên tăng giá và đóng cửa ngày thứ Sáu ở mức 105.10 yên/đô la Mỹ, cao hơn 7.0% so với hồi cuối năm 2017.
Hầu hết, sự sụt giảm trong tuần đã xảy ra vào thứ sáu sau và tuyên bố của Tổng thống Trump về mức thuế mới đối với Trung Quốc. Chính quyền Trump đã bãi bỏ thuế thép và nhôm từ nhiều nước ở châu Âu và Hàn Quốc nhưng đã lại không nhắc gì đến Nhật Bản. Các ngành của Nhật giảm điểm mạnh nhất kể từ đầu tuần bao gồm công nghệ, dịch vụ viễn thông, và công nghiệp.
Tại thị trường Trung Quốc, các chỉ số chứng khoán chính sụt giảm mạnh hôm thứ 6 và ghi nhận mức giảm điểm tệ nhất trong 6 tuần gần đây do lo sợ về cuộc chiến thương mại đang leo thang với Mỹ. Chỉ số Shanghai Composite đóng cửa ở 3.152 điểm (giảm 3,6%), chỉ số Hang Seng Index đóng cửa ở 30.309 điểm (giảm 3,4%).
Sự sụt giảm mạnh đã thúc đẩy sự can thiệp của các quỹ đầu tư do chính phủ Trung Quốc hậu thuẫn, thường xuyên can thiệp vào thị trường chứng khoán trong nước vào những ngày bị thua lỗ nặng. Thị trường tiếp tục sụt giảm sau khi Bắc Kinh công bố kế hoạch áp đặt mức thuế lên tới 3 tỷ USD vào Mỹ, một ngày sau khi Tổng thống Trump áp thuế 60 tỷ USD cho các sản phẩm Trung Quốc và những hạn chế chặt chẽ hơn về mua bán và chuyển giao công nghệ. Tuy nhiên theo các chuyên gia, mức thuế mới nhất của chính quyền Trump sẽ ít ảnh hưởng đến Trung Quốc hơn so với 10 năm trước vì Trung Quốc đã giảm bớt sự phụ thuộc vào tăng trưởng theo hướng xuất khẩu. Trong những năm gần đây, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã tìm cách từ từ cân bằng nền kinh tế bằng tiêu dùng và dịch vụ nội địa hơn là đầu tư vào sản xuất để xuất khẩu.