MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

TTCK Việt Nam thành công giữ mốc 1.100 điểm, khối ngoại quay đầu bán ròng hơn 3.500 tỷ đồng trong quý 3

TTCK Việt Nam thành công giữ mốc 1.100 điểm, khối ngoại quay đầu bán ròng hơn 3.500 tỷ đồng trong quý 3

Giao dịch khối ngoại tiếp tục là điểm trừ cho một quý đầy biến động, họ bán ròng tới 3.552 tỷ đồng trên toàn thị trường trong quý 3/2022 với tâm điểm bán ròng chủ yếu trong tháng 9.

Quý 3/2022, thị trường chứng khoán ghi nhận đà phục hồi tương đối tích cực trong tháng 7 và tháng 8. Tuy nhiên, thông tin vĩ mô không mấy tích cực đã khiến áp lực bán dần chiếm ưu thế, tâm lý nhà đầu tư cũng trở nên tiêu cực hơn. Chỉ số VN-Index sau nhiều nỗ lực, cuối cùng vẫn đành tạm "chia tay" ngưỡng 1.200 điểm, thậm chí có thời điểm còn để mất mốc 1.100 trước khi phục hồi trở lại đôi chút.

Bên cạnh đó, thanh khoản chung của thị trường cũng ở mức tương đối thấp khi dòng tiền "bắt đáy" vẫn tỏ ra khá yếu ớt so với áp lực bán nói chung. Giá trị giao dịch bình quân trong quý 3 giảm về mức 16.000 tỷ đồng/phiên.

Trong bối cảnh đó, giao dịch khối ngoại tiếp tục là điểm trừ cho một quý đầy biến động, họ bán ròng tới 3.552 tỷ đồng trên toàn thị trường trong quý 3 với tâm điểm bán ròng chủ yếu trong tháng 9.

Xét riêng theo từng mã cổ phiếu, lực bán ròng của khối ngoại tập trung tại chứng chỉ quỹ FUEVFVND với giá trị đột biến gần 2.000 tỷ đồng; ngoài ra cũng tiếp tục bán ròng trên 500 tỷ đồng tại các cổ phiếu như NVL, BSR, VHM, KDH.

Ngược lại, dòng tiền ngoại trong những tháng của quý 3 năm nay đã tìm đến cổ phiếu ngành sữa VNM và mã dầu khí PVD, giá trị đều trên 900 tỷ đồng tại mỗi mã. Bên cạnh đó, KDC, HDB, HPG, SSI cũng đứng vị trí cao trong danh sách mua ròng của khối ngoại trong quý 2/2022.

TTCK Việt Nam thành công giữ mốc 1.100 điểm, khối ngoại quay đầu bán ròng hơn 3.500 tỷ đồng trong quý 3 - Ảnh 1.

Luỹ kế 9 tháng đầu năm 2022, khối ngoại vẫn ghi nhận giá trị giao dịch ròng trên toàn thị trường là mua ròng, song giá trị tương đối thấp với 305 tỷ đồng, có khả năng đảo chiều sang bán ròng bất kỳ lúc nào. Thực tế có thời điểm cuối tháng 9, giá trị giao dịch ròng của khối ngoại đã chuyển sang bán ròng trên HoSE, sau khoảng thời gian liên tục mua ròng tới gần 4.000 tỷ đồng hồi đầu tháng 8. Như vậy, chỉ 9 tháng đầu năm, giao dịch khối ngoại liên tục đổi chiều, họ bán ròng tới gần 7.000 tỷ trong quý 1/2022, rồi trở lại mua ròng hơn 10.400 tỷ trong quý 2 và hiện lại theo trở về xu hướng bán ròng trong quý 3.

TTCK Việt Nam thành công giữ mốc 1.100 điểm, khối ngoại quay đầu bán ròng hơn 3.500 tỷ đồng trong quý 3 - Ảnh 2.

Có nhiều nguyên nhân khiến khối ngoại bán ròng mạnh trên thị trường chứng khoán Việt Nam thời gian gần đây. Yếu tố trực tiếp nhất được cho là xuất phát bởi đồng USD bùng nổ tăng giá, theo đó ảnh hưởng mạnh đến tỷ giá USD/VND. Điều này dẫn đến một nhu cầu chuyển đổi và dự trữ USD của khối ngoại để đầu cơ hoặc đầu tư vào một số loại tài sản khác. Bối cảnh tỷ giá gia tăng cũng ảnh hưởng đến hiệu suất đầu tư tại thị trường Việt Nam khiến cho nhà đầu tư nước ngoài liên tục bán ròng trên thị trường.

Ngoài những áp lực trên, dòng tiền ETF cũng đã quay đầu bán ròng trong vài tháng trở lại đây. Các quỹ ETF chủ yếu là cuộc chơi của các tổ chức ngoại, do đó động thái rút ròng tại các ETF khiến động lực mua ròng của khối ngoại trên sàn giảm đi đáng kể.

Mặt khác, yếu tố dẫn đến dòng vốn ngoại tỏ ra "hờ hững" với chứng khoán Việt có thể đến từ khẩu vị đầu tư của khối ngoại bởi những lĩnh vực Công nghệ, Giáo dục, Y tế, Bán lẻ không có nhiều doanh nghiệp lớn. Tuy vậy, việc rút lui của khối ngoại không ảnh hưởng quá lớn bởi tỷ trọng giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài chỉ chiếm khoảng 7-8% tổng lượng giao dịch.

TTCK Việt Nam thành công giữ mốc 1.100 điểm, khối ngoại quay đầu bán ròng hơn 3.500 tỷ đồng trong quý 3 - Ảnh 3.

Nguồn: SSI Research

Trên sàn HoSE, nếu không tính đà mua ròng trong quý 2 trước đó thì khối ngoại đã có quý thứ 8 liên tục bán ròng, giá trị bán ròng trong 3 tháng của quý 3 ghi nhận 2.353 tỷ đồng. Cụ thể, nhà đầu tư ngoại bán ròng 1.658 tỷ đồng thông qua khớp lệnh trên sàn, bên cạnh đó tiếp tục bán ròng thêm 696 tỷ đồng thông qua giao dịch thỏa thuận, qua đó nới rộng thêm đà bán ròng chung.

Tâm điểm dòng vốn ngoại rút ròng là chứng chỉ quỹ ETF Diamond FUEVFVND, giá trị bán ròng xấp xỉ 1.900 tỷ đồng. Bên cạnh đó, áp lực bán ròng ghi nhận tại hai bluechips là NVL và VHM với giá trị lần lượt là 847 tỷ đồng và 675 tỷ đồng.

Ngoài ra, nhà đầu tư nước ngoài cũng bán ròng các cổ phiếu KDH và KBC với giá trị 569 tỷ và 486 tỷ đồng. Các mã khác như VJC, DXG, TLG, HCM… cũng đều bị bán ròng sau ba tháng giao dịch, giá trị đều từ khoảng 300 tỷ đồng trở lên.

Trong khi đó tại chiều mua, khối ngoại tỏ ra ưa thích cổ phiếu ngành sữa VNM, đây là tâm điểm mua ròng ba tháng qua với giá trị 952 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là mua ròng khớp lệnh. Lực mua ròng của khối ngoại còn ghi nhận tại PVD với giá trị 934 tỷ đồng, toàn bộ đều được giao dịch khớp lệnh. Danh sách TOP cổ phiếu được mua ròng trong quý 3 tại sàn HoSE còn có KDC (730 tỷ đồng), HDB (539 tỷ đồng), HPG (496 tỷ), SSI (412 tỷ đồng) và CTG (334 tỷ đồng).

TTCK Việt Nam thành công giữ mốc 1.100 điểm, khối ngoại quay đầu bán ròng hơn 3.500 tỷ đồng trong quý 3 - Ảnh 4.

Trên sàn HNX, khối ngoại đồng thuận khi cũng bán ròng 51 tỷ đồng trong quý vừa qua, theo đó họ bán ròng 34  đồng trên kênh khớp lệnh đồng thời bán ròng thêm 17 tỷ đồng thỏa thuận.

Giao dịch chiều bán tại HNX ghi nhận cổ phiếu chứng khoán SHS bị bán mạnh nhất với hơn 183 tỷ đồng. Cổ phiếu ngành chứng khoán này trong quý 3 giao dịch lình xình trong xu hướng giảm điểm, kết phiên 30/9 về mức 10.500 đồng/cổ phiếu, tương ứng thị giá giảm 61% so với hồi đầu năm

Theo sau là CEO với giá trị bán ròng 55 tỷ đồng và NVB bị bán ròng 33 tỷ đồng. Danh sách bán ròng còn có VCS (26 tỷ đồng), HUT (22 tỷ đồng), PMC (17 tỷ đồng)...

Ngược lại, trong quý 3, khối ngoại mua ròng trên sàn HNX mạnh nhất tại hai mã PVS và IDC với lần lượt 250 tỷ đồng và 29 tỷ đồng, các cổ phiếu được mua ròng còn có TNG, PVI, MBS, PVG,...

TTCK Việt Nam thành công giữ mốc 1.100 điểm, khối ngoại quay đầu bán ròng hơn 3.500 tỷ đồng trong quý 3 - Ảnh 5.

Trên sàn UPCoM, nhà đầu tư nước ngoài cũng bán ròng mạnh 1.148 tỷ đồng trong quý 3/2022, trong đó họ bán ròng hơn nghìn tỷ đồng trên kênh khớp lệnh, đồng thời bán ròng 147 tỷ qua kênh thỏa thuận.

Tại phía mua vào, cổ phiếu LTG trong ba tháng vừa qua được nhà đầu tư ngoại mua ròng nhiều nhất với 32 tỷ đồng, toàn bộ đều qua mua khớp lệnh. Ngoài ra, dòng vốn ngoại cũng tìm đến MPC với giá trị mua ròng ghi nhận 23 tỷ đồng. Danh sách mua ròng còn có MCH, AAS, FOC, VTP, VGG...

Trong khi đó, cổ phiếu BSR quý này dẫn đầu danh sách bán ròng khi bị khối ngoại bán ròng gần 773 tỷ đồng và toàn bộ bán qua kênh thỏa thuận. Bên cạnh đó, VEA và SIP cũng bị bán ròng lần lượt 196 tỷ đồng và 64 tỷ đồng. Một số cổ phiếu bị bán ròng từ nhà đầu tư ngoại trên UPCoM còn có PHS, GEE, QNS, QTP, ACV....

TTCK Việt Nam thành công giữ mốc 1.100 điểm, khối ngoại quay đầu bán ròng hơn 3.500 tỷ đồng trong quý 3 - Ảnh 6.

Phương Linh

Nhịp Sống Thị Trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên