MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Từ 1/3, người vi phạm giao thông ở Hà Nội nộp phạt trực tuyến

26-02-2022 - 15:52 PM | Thị trường

Bắt đầu từ 1/3, CSGT trên địa bàn Hà Nội triển khai xử phạt vi phạm hành chính trên lĩnh vực giao thông theo hình thức mới. Thay vì lập biên bản giấy, CSGT xử phạt sẽ lập biên bản điện tử, sau đó người vi phạm được về nhà nộp phạt trực tuyến.

Giảm phiền hà

Trao đổi với PV Tiền Phong, đại tá Dương Đức Hải, Trưởng Phòng CSGT, Công an thành phố Hà Nội (PC08) cho biết, để cải cách công tác xử phạt vi phạm hành chính trên lĩnh vực giao thông theo hướng thuận tiện cho người dân và phù hợp với các chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công an và Công an thành phố, từ năm 2020, Phòng CSGT Hà Nội đã áp dụng hình thức xử phạt trực tuyến trên cổng dịch vụ công Quốc gia.

Qua 2 năm triển khai, công tác xử phạt, giải quyết thủ tục hành chính tại PC08 đã đạt đến mức độ 1 và 2. Cụ thể, hầu hết các trường hợp xử phạt, giải quyết thủ tục hành chính hiện nay đều được CSGT Hà Nội đẩy lên cổng dịch vụ công Quốc gia, từ đây người dân có thể chủ động tra cứu, bố trí thời gian giải quyết các thủ tục hành chính.

 Từ 1/3, người vi phạm giao thông ở Hà Nội nộp phạt trực tuyến  - Ảnh 1.

Từ 1/3 tất cả các đội CSGT giao thông nội thành Hà Nội triển khai xử phạt không lập biên bản giấy. Ảnh: Trọng Đảng

Từ thực tế trên, ông Hải cho biết, việc xử phạt và giải quyết các thủ tục hành chính của PC08 cần được nâng lên cấp độ 3 và 4. Tại cấp độ này, việc xử phạt các lỗi vi phạm trên đường sẽ được CSGT lấy thông tin người vi phạm sau đó ghi biên bản điện tử trên hệ thống (app) dịch vụ công (không cần giấy tờ), sau đó người dân sẽ được hệ thống gửi cho một mã số qua điện thoại để về nhà tra cứu, tiến hành nộp phạt trực tuyến. Hình thức này cũng giúp người dân sống ở đâu thực hiện nộp phạt ở đó, bãi bỏ việc phải đến tận nơi (địa phương) vi phạm để nộp phạt.Đánh giá về hình thức này, ông Hải cho biết, Cổng dịch vụ công Quốc gia là một hệ thống điện tử số tiện ích, nhưng việc xử phạt vi phạm giao thông mới sử dụng cấp độ 1, 2, người dân chỉ tra được thông tin về lỗi vi phạm, mức tiền nộp phạt, việc làm thủ tục và đi nộp phạt vẫn phải đến trụ sở công an. “Trong bối cảnh công nghệ phát triển và dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, việc đi lại, tiếp xúc như vậy là không cần thiết”, ông Hải nói.

Thay vì lập biên bản từ 1/3 CSGT Hà Nội sẽ bỏ việc này, chuyển sang xử lý bằng công nghệ số người dân có thể nộp phạt trực tuyến ở nhà.

Theo ông Hải, bắt đầu từ 1/3, các đội nghiệp vụ khu vực nội thành Hà Nội, CSGT sẽ triển khai xử phạt vi phạm hành chính theo hình thức không lập biên bản giấy, chỉ ghi thông tin để lưu trên hệ thống Cổng dịch vụ công, sau đó người dân về nhà nộp phạt qua mạng sau khi nhận được tin nhắn qua điện thoại.

Ngồi nhà nộp phạt

Thông thường để xử lý một lỗi vi phạm nếu phải giữ bằng lái, giấy tờ xe, CSGT phải ghi ít nhất 2 biên bản, biên bản hiện trường và biên bản tạm giữ giấy tờ. Từ đó, người dân được hẹn ngày đến trụ sở công an làm việc, tiếp đến ra kho bạc nộp tiền, trở lại trụ sở công an làm việc - nhận giấy hẹn, và cuối cùng đến hết thời gian hẹn đến nhận lại giấy tờ bị tạm giữ. Với hình thức này, người vi phạm mất ít nhất 4 lần đi lại. Nhưng với hình thức xử phạt theo cấp công nghệ số, người dân không phải đi lại một lần nào, chỉ việc ngồi ở nhà tra cứu trên cổng dịch vụ công Quốc gia theo hướng dẫn để làm các thủ tục nộp phạt. “Qua hình thức xử phạt vi phạm theo các cấp độ trên hệ thống Cổng dịch vụ công quốc gia, trong đó có cấp độ 3 và 4 thời gian qua Đội CSGT số 1 đã xử lý hơn 6.100 trường hợp vi phạm không lập biên bản giấy”, Thiếu tá Phạm Đức Hoàng, Đội trưởng Đội CSGT số 1, PC08 thông tin.

Về trình tự nộp phạt trực tuyến khi bị CSGT xử phạt từ 1/3, Trung tá Trần Quang Vinh, Đội trưởng Đội Tuyên truyền, điều tra giải quyết tai nạn - PC08 cho biết, người dân chỉ cần truy cập vào Cổng dịch vụ công quốc gia tại địa chỉ: “https://dichvucong.gov.vn/p/home/dvc-trang-chu.html” hoặc đường link được gửi vào điện thoại người vi phạm để tiến hành các bước.

Theo ông Vinh, có 9 bước để người dân thực hiện nộp phạt trực tuyến không cần biên bản. Trong 9 bước này, người vi phạm phải xử lý thao tác ít nhất 3 bước, các bước còn lại hệ thống và các cơ quan có liên quan sẽ xử lý để hoàn thành một biên bản xử lý vi phạm điện tử.

Theo Trọng Đảng

Tiền Phong

Trở lên trên