MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Từ 1/5: Chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra công trình chậm khắc phục PCCC

06-04-2018 - 15:14 PM | Bất động sản

Hà Nội vừa yêu cầu 14 công trình có khả năng khắc phục phải đạt chuẩn PCCC trước 30/4.

Văn phòng UBND TP. Hà Nội vừa truyền đạt kết luận của Phó Chủ tịch Thường trực Nguyễn Văn Sửu tại buổi họp kiểm điểm tình hình thực hiện công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC), thống nhất chỉ đạo tăng cường các biện pháp đảm bảo công tác PCCC trên địa bàn Thành phố trong thời gian tới.

Theo đó, trong tổng số 79 công trình nhà chung cư cao tầng đã đăng công báo trong năm 2017, tính đến hết ngày 02/4/2018 có 50/79 công trình đã được nghiệm thu về PCCC; 29/79 công trình còn tồn tại vi phạm quy định về PCCC (14 công trình có khả năng khắc phục; 15 công trình khó có khả năng khắc phục).

UBND TP yêu cầu từ nay đến ngày 30/4, 14 công trình có khả năng khắc phục phải thực hiện xong các nội dung còn tồn tại vi phạm và được nghiệm thu về PCCC, nghiệm thu chất lượng công trình xây dựng.

Riêng đối với 15 công trình khó có khả năng khắc phục: Giao Cảnh sát PC&CC đến ngày 30/4, phải hoàn thành hồ sơ, báo cáo Cục C66 - Bộ Công an, Bộ Xây dựng thẩm duyệt, thẩm định các giải pháp áp dụng thay thế. Đến ngày 30/6, phải khắc phục hoàn thành và được nghiệm thu về PCCC, nghiệm thu chất lượng công trình xây dựng.

Sau ngày 30/4, Cảnh sát PC&CC, Công an Thành phố phải chuyển hồ sơ các công trình còn tồn tại vi phạm sang Cơ quan điều tra Công an Thành phố để điều tra, xem xét xử lý, khởi tố đúng quy định của pháp luật.

Lãnh đạo UBND TP.Hà Nội giao Cảnh sát PC&CC Thành phố chủ trì cùng Sở Xây dựng và 30 quận, huyện, thị xã tổ chức tổng kiểm tra, rà soát, đánh giá điều kiện an toàn về PCCC đối với 100% nhà cao tầng, chung cư cao tầng trên địa bàn.

Việc kiểm tra tập trung vào việc thực hiện trách nhiệm của các chủ đầu tư, Ban quản trị, đơn vị quản lý vận hành trong việc thực hiện Luật PCCC; Luật nhà ở và các nghị định, thông tư hướng dẫn trong đầu tư xây dựng; nghiệm thu bàn giao; quản lý, sử dụng nhà chung cư. Trong quá trình kiểm tra, phải kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm, tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động đối với cơ sở không đảm bảo an toàn về PCCC.

Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã trực tiếp chỉ đạo trước ngày 10/4, có kế hoạch kiểm tra PCCC trên địa bàn và thành lập 3 đoàn kiểm tra, rà soát, xử lý, ra quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động đối với cơ sở vi phạm, không đảm bảo an toàn về PCCC; chỉ đạo thực hiện các biện pháp cưỡng chế theo quy định của pháp luật thời gian từ 15/4 đến 15/6.

Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch Kiến trúc: Khi duyệt hồ sơ quy hoạch, cấp phép xây dựng yêu cầu chủ đầu tư, thiết kế xây dựng đủ số lượng thang bộ thoát nạn, thang bộ theo quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành.

Cảnh sát PC&CC chủ trì, phối phối hợp với Sở Tư pháp, Công an Thành phố và các đơn vị liên quan rà soát các quy định của pháp luật về việc áp dụng biện pháp và quy trình cưỡng chế các công trình vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy để hướng dẫn các đơn vị về trình tự, thủ tục, thẩm quyền đảm bảo quy định pháp luật.

Theo thống kê năm 2017 và quý I/ 2018, thành phố đã xảy ra 1.100 vụ cháy, nổ (năm 2017: 820 vụ, quý I/2018: 280 vụ); trong đó, có 31 vụ cháy thiệt hại nghiêm trọng, 87 vụ cháy nhà cao tầng.

Hậu quả, đã khiến 24 người chết, 18 người bị thương, thiệt hại về tài sản ước tính 617 tỷ đồng và 6,3ha rừng.

Cũng trong thời gian này, Cảnh sát PCCC TP.Hà Nội đã thanh tra, kiểm tra, phúc tra gần 38.000 lượt đơn vị, cơ sở, phát hiện và yêu cầu các đơn vị, cơ sở khắc phục hơn 105.000 tồn tại thiếu sót về PCCC, xử phạt hơn 4.000 tổ chức, cá nhân số tiền gần 13 tỷ đồng.

Theo Vạn Xuân

Bizlive

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên