Từ bỏ cơ hội như mơ ở Mỹ để về Việt Nam, CEO BITEX Trần Thanh Thảo khẳng định: Phải tin vào điều mình làm và quyết tâm đến cùng sẽ có kết quả vượt kỳ vọng!
Sau tất cả, với CEO BITEX - Trần Thanh Thảo không có hai từ “tiếc nuối”, quan trọng là bản thân có muốn làm điều đó hay không? Trời sinh cá tính tự lập từ nhỏ, qua câu chuyện của chính mình, nữ lãnh đạo cho rằng sức mạnh con người là rất lớn, chỉ cần tin điều mình làm và quyết tâm thực hiện sẽ đạt được khát vọng.
Sớm du học trời Tây từ năm 15 tuổi, tốt nghiệp trước hạn và đảm nhận vị trí quản lý tại Mỹ với một mức lương rất hấp dẫn thế nhưng CEO BITEX Trần Thanh Thảo đã có bước đi khác biệt khi chọn quay về Việt Nam, sau đó đầu quân cho các tập đoàn đa quốc gia.
Sau tất cả, với Thanh Thảo không có hai từ "tiếc nuối", điều quan trọng là bản thân có muốn làm điều đó hay không? Hơn hết, trời sinh cá tính tự lập từ nhỏ, qua câu chuyện của chính mình, nữ lãnh đạo cho rằng sức mạnh con người là rất lớn, chỉ cần tin điều mình làm và quyết tâm thực hiện sẽ đạt được khát vọng.
Kể về thời thơ ấu, bắt đầu từ một đứa trẻ lên 10 tự chọn trường cấp 2, Thanh Thảo nhớ lại, "ngay từ nhỏ tôi đã tự quyết định mọi thứ thuộc về mình. Tự chọn trường và xin mẹ nộp đơn vào trường, lúc này thực sự mọi quyết định chỉ xuất phát từ việc thích: thích đồng phục của trường, thích hình ảnh mái trường, và mình chọn".
Tính tự lập cùng với khả năng quyết đoán cao, bà luôn tự quyết định cho mình những dấu mốc quan trọng trong cuộc đời.
Tương tự cho ngưỡng cửa phổ thông, việc đậu trường chuyên Nguyễn Thị Minh Khai cũng xuất phát từ việc thích đơn thuần, quan trọng hơn hết là niềm tin và quyết tâm thực hiện bằng được mục tiêu đề ra.
Vượt cả kỳ vọng, bà Thảo đậu visa ở cả 2 quốc gia Canada và Mỹ. Dù mới 15 tuổi, nhưng mọi quyết định lúc bấy giờ của nữ CEO đều rất quyết đoán, kể cả việc chọn học tập ở Mỹ thay vì ở Canada.
Tuy nhiên, chưa bao giờ bà hối hận về những hành động của mình, vì với bà: Niềm tin có thể giúp con người vượt xa điều bản thân mong đợi, quan trọng chúng ta phải tin vào điều mình chọn và quyết tâm thực hiện đến cùng.
Tiếp tục trải lòng, dĩ nhiên mọi thứ nơi đất khách quê người không hề dễ dàng, đặc biệt là trong 3 tháng đầu. Dù có những lúc cũng cảm thấy mệt mỏi nhưng với bản lĩnh, độc lập và mãnh mẽ, bà vượt qua mọi trở ngại ở một đất nước xa lạ để dần dần hòa nhập cả môi trường học tập lẫn cuộc sống hàng ngày.
Biết được thế mạnh của người châu Á trên đất Mỹ là kinh doanh, tài chính, kế toán, bà Thảo đặt mục tiêu theo đuổi ngành tài chính và kế toán. Để tốt nghiệp sớm, bà đăng kí thêm các khóa học ở năm học thứ 2 và cứ thế học liên tục cả năm, kể cả nghỉ hè. Thanh Thảo hoàn thành đại học trong hai năm rưỡi cùng với học bổng bán phần từ trường Đại học. Bà hào hứng chia sẻ "Để tiết kiệm chi phí ăn ở thì phải rút ngắn thời gian học, do đó tôi phải hỏi ý kiến của nhà trường làm cách nào để học 8-9 lớp/ khóa trong một năm. Một khóa bình thường chỉ có 4-5 lớp nên nhà trường yêu cầu tôi phải đảm bảo điểm trung bình đạt là 3.6 đến 4 chấm GPA, tương đương với 8 đến 10 điểm của Việt Nam thì mới cho đăng kí thêm. Và trong năm đầu tiên tôi cứ học như vậy, đến năm thứ 2 thì tôi hoàn thành luôn chương trình đại học". Dù tăng lớp học nhưng Thanh Thảo vẫn dành thời gian để đi làm gia sư, sau đó là thực tập ở vị trí kế toán với thời gian 20 giờ/tuần.
Sau tốt nghiệp, bà Thảo nhận được lời mời làm việc tại chính công ty thực tập và nhận học bổng toàn phần khi học Thạc sĩ. Với thái độ nghiêm túc trong công việc, vị trí quản lý của một tập đoàn đa quốc gia Italia (có chi nhánh và nhà máy sản xuất tại Mỹ) đến với bà. Tưởng rằng bản thân sẽ lập nghiệp tại Mỹ với một công việc yêu thích, nhưng bất ngờ sau một năm, bà quyết định trở về Việt Nam, sinh sống với mái ấm nhỏ.
"Thực sự từ bỏ một vị trí mơ ước tại một trong những đất nước phát triển nhất thế giới rất khó để quyết định, nhưng việc trở về Việt Nam chưa bao giờ khiến tôi hối hận", bà Thảo phân trần. Về nước theo gia đình nhỏ với bà không nghĩ đó là sự hy sinh, mà quan trọng nhất chúng ta có muốn làm điều đó hay không, bà Thảo đặt vấn đề. Ở khía cạnh khác, ông xã là người đã gắn bó với bà từ thời khó khăn, và cũng chính là người đồng hành với bà trên mọi quyết định quan trọng.
Trở lại con đường sự nghiệp, sau khi bà về nước và kênh qua nhiều vị trí quản lý tài chính và quản trị rủi ro tại một số công ty đa quốc gia, BITEX là môi trường Việt Nam đầu tiên bà đầu quân, thông qua lời mời cộng tác từ Chủ tịch doanh nghiệp.
Cho đến hiện tại, BITEX cũng là nơi bà gắn bó lâu nhất, tính đến nay đã hơn 5 năm và trong tương lai, bản thân CEO này cũng đang lên rất nhiều kế hoạch phát triển, cơ cấu doanh nghiệp theo hướng mới.
Gắn bó lâu nhất không đồng nghĩa với việc thuận lợi nhất, "BITEX thực tế lúc bấy giờ là một môi trường hoàn toàn khác biệt và phát sinh rất nhiều vấn đề mà tôi chưa từng gặp phải", bà chia sẻ.
Từng đảm nhận vị trí quản lý tại nhiều công ty đa quốc gia, trong khi BITEX là một công ty Việt Nam với hơn 35 năm phát triển, ngoài việc tự hào là một mảnh ghép của BITEX, CEO Thanh Thảo còn cảm thấy áp lực về việc thay đổi quy trình làm việc của công ty. Đến với BITEX, bà có nhiều đề xuất để thay đổi toàn bộ bộ máy hoạt động, vận hành. Bà cho biết "bản thân tôi cũng cảm thấy rất áp lực bởi không chỉ cơ cấu lại bộ máy hoạt động mà cả con người cũng cần phải có sự điều chỉnh để chuyên nghiệp hơn".
Bà cũng không phủ nhận đã rất nhiều lần cảm thấy áp lực, nhưng sau tất cả giá trị mang về chính là kỹ năng vận hành doanh nghiệp. Nhớ lại, "dù nhiều lần cũng cảm thấy mệt đấy nhưng phải tự nạp năng lượng thôi, và ngày hôm sau phải thực sự đầy nhiệt huyết trước nhân viên. Là lãnh đạo, không thể mang một vẻ mặt thiếu sức sống hay dễ dàng từ bỏ điều gì, vấn đề lúc này là làm hay không làm?", CEO BITEX nhấn mạnh giọng.
Thực tế, làm việc tại Mỹ, hay chạy dự án cho Nokia, Intel… không chỉ cho CEO Thanh Thảo kỹ năng về sắp xếp, quản lý công việc mà còn bổ trợ phần nào đó cho kỹ năng quản lý nhân sự. Đó cũng là những kinh nghiệm để bà áp dụng với BITEX. Tuy nhiên, giữa một môi trường đa quốc gia với một môi trường thuần Việt Nam thì việc áp dụng cách quản lý phải có lộ trình và thích ứng từ từ.
Sau những khó khăn, thành tích đạt được 5 năm trở lại đây Công ty ghi nhận tăng lợi nhuận ròng với tỷ lệ quân bình lên đến 30%/năm, hợp tác với SGS (Thụy Sĩ) đánh giá chất lượng sản phẩm, thiết lập hệ thống quản lý ISO9001:2015. Trần Thanh Thảo cũng là người dẫn dắt 2 ngành hàng mới là văn phòng phẩm (với thương hiệu Smartkids, Officetex) và cặp balo B.bag... và sắp tới đây, BITEX dưới sự điều hành của CEO Thanh Thảo, sẽ là đơn vị độc quyền phân phối VPP Pilot – thương hiệu 100 năm tuổi đến từ Nhật Bản.
"Khó khăn nhưng quan trọng là phải có một kế hoạch trước. Và đặc biệt, các lãnh đạo phòng ban của công ty phải có sự đồng thuận, phối hợp với nhau và cùng với nhân viên vì mục đích chung của công ty", Thanh Thảo đúc kết.
Và, sức mạnh công ty lúc này là tổng hợp ý chí quyết tâm của từng phòng ban và giữa các thành viên phải có sợi dây kết nối, CEO Thanh Thảo tiếp tục quan điểm, không phải lãnh đạo mỗi phòng ban giỏi thì toàn công ty sẽ tốt - khi mà người quản lý không nói chuyện không làm việc với nhau; bắt buộc họ phải thật sự đồng lòng, hợp tác thì công ty mới phát triển mạnh mẽ, bền vững.
"Chúng ta phải cầm tay nhau mới thắng, chứ phần ai nấy chạy thì đối thủ sẽ chạy trước. Theo tôi, sức mạnh con người thực sự rất lớn, và niềm tin có thể giúp con người vượt xa điều mình mong đợi", CEO khẳng định.