Từ bỏ ước mơ ngành Y vì bị khiếm thính, cô gái nghị lực trở thành NCS Tiến sĩ Dược của ĐH Top 1 Trung Quốc, nhân vật truyền cảm hứng nhất cả nước
Trong một lần mất đi thính lực từ khi 6 tháng tuổi do dùng nhầm thuốc, Giang Mộng Nam cứ ngỡ con đường tương lai sẽ trở nên u tối. Không ai ngờ rằng, 23 năm sau, cô gái nghị lực đã trở thành NCS tiến sĩ ngành Dược tại Đại học Thanh Hoa danh tiếng.
- 10-03-2022Loại thực phẩm được mệnh danh "nữ hoàng", không chỉ là KẺ THÙ ung thư, còn như “thần dược” cho da và mắt
- 28-02-2022"Vi Tiểu Bảo" từng nổi danh là Thiên Vương châu Á, giờ U60 bị chê hết thời nhưng vẫn giàu sang bộn tiền, sống không con cái
- 21-02-2022Đầu tư bao nhiêu mỗi tháng ở tuổi 20 để trở thành triệu phú: Lời khuyên của chuyên gia khác hẳn những gì bạn nghĩ
Gần đây, một cô gái 29 tuổi đã được CCTV - Đài truyền hình trung ương Trung Quốc, vinh danh là một trong 10 nhân vật truyền cảm hứng ở Trung Quốc năm 2021.
Cô chính là Giang Mộng Nam, người đã trở thành nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học Thanh Hoa danh tiếng dù phải đối mặt với vô số khó khăn khi là một người khiếm thính.
'Tôi không hề thua kém những người khác': Người phụ nữ vượt qua khó khăn khi bị khiếm thính để trở thành nghiên cứu sinh của trường đại học hàng đầu Trung Quốc, được vinh danh là một trong những nhân vật truyền cảm hứng nhất của Trung Quốc năm 2021. Ảnh: Baidu
Mộng Nam sinh ra ở tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc. Nửa năm đầu khi mới sinh ra, cô vẫn là một đứa trẻ hoàn toàn bình thường. Điều không may xảy đến khi cô mất đi thính giác lúc 6 tháng tuổi, vì dùng nhầm thuốc trị viêm phổi.
Tai nạn đã khiến tai trái của cô chỉ còn khả năng nghe thấy những âm thanh tương tự tiếng máy bay trực thăng cất cánh, trong khi tai phải thì mất hoàn toàn thính giác. Cô được chẩn đoán là điếc thần kinh nặng.
Kể từ đó, mẹ Mộng Nam đã tham gia các lớp tư vấn giáo dục đặc biệt để học kỹ năng nuôi dạy trẻ khiếm thính. Cha mẹ cũng là người luôn sát cánh bên cạnh để giúp cô vượt qua khó khăn về rào cản ngôn ngữ.
Giang Mộng Nam trên CCTV. Ảnh: Ifeng
Cả hai thay phiên nhau bế cô trước gương, cho cô quan sát hình dạng khuôn miệng của họ khi nói để bắt chước cách phát âm. Cô cũng được học cách đọc môi, qua đó có thể nói.
“Cho dù chỉ là một ký tự, tôi cũng phải luyện tập tới 10.000 lần. Nếu có thể phát âm tốt, bố mẹ tôi sẽ cảm thấy rất vui. Chính nhờ việc tập luyện không ngừng nên hình thành bộ nhớ cơ bắp, giúp tôi học được cách phát âm chuẩn xác hơn”, Mộng Nam chia sẻ với CCTV.
Cô kể về sự khó khăn khi học nói: “Khi gặp những chữ có cách phát âm tương tự nhau, bố mẹ sẽ phải đặt tay tôi vào khuôn miệng của họ để cảm nhận sự khác biệt, nhất là luồng không khí giữa các chữ này.”
Cô chia sẻ về những khó khăn thuở nhỏ. Ảnh: SCMP
Người bình thường khó có thể tưởng tượng được sự vất vả đằng sau những ngày tháng học cách đọc môi qua rất nhiều lần lặp đi lặp lại và luyện tập trong một thế giới im lặng của Mộng Nam. Tuy vậy, cô gái 29 tuổi coi đó là một "món quà quý giá" mà cha mẹ đã tặng mình.
Nhờ kỹ năng này, Mộng Nam mới có thể học ở trường bình thường. Điều này cũng là nhờ sự kiên trì của cha mẹ cô. Ban đầu, rất ít trường tiểu học công lập bình thường chịu nhận cô mà chỉ khuyên gia đình nên cho bé theo học tại trường giáo dục đặc biệt cho học sinh khuyết tật.
Mọi nỗ lực của gia đình càng trở nên ý nghĩa hơn khi Mộng Nam luôn có điểm số đứng top đầu trong lớp. Trong thời gian học cấp 1 và cấp 2, cô ngồi ở hàng ghế đầu của lớp, quan sát khẩu hình của giáo viên để nắm được kiến thức.
Khi lớn hơn, sống trong ký túc xá ở trường, cô tự đặt đồng hồ báo thức trên điện thoại di động vào mỗi buổi tối và giữ chặt nó trong tay cả đêm. Điều này giúp cô có thể cảm thấy rung khi chuông reo, tự thức dậy vào sáng hôm sau.
Mộng Nam cho biết, mình chưa bao giờ nới lỏng tay khi ngủ. “Có thể nhiều người khác không làm được điều này, nhưng với tôi, nhất định phải làm được", cô gái thể hiện nghị lực của bản thân từ những thói quen nhỏ nhặt nhất.
Năm 2011, trong kỳ thi tuyển sinh đại học đầy cam go của Trung Quốc, Mộng Nam đạt điểm cao và được nhận vào Đại học Cát Lâm. Đây là một học viện trọng điểm ở tỉnh Cát Lâm, nằm ở vùng Đông Bắc Trung Quốc. Dù ban đầu muốn trở thành một bác sĩ, cô gái đã phải từ bỏ ước mơ vì khiếm thính. Sau đó, cô quyết định theo học ngành Dược. Tại Đại học Cát Lâm, cô đã xuất sắc lấy bằng Thạc sĩ.
Giang Mộng Nam sở hữu thành tích học tập “khủng”. Ảnh: Ifeng
Năm 2018, Mộng Nam một lần nữa gây bất ngờ khi được nhận vào làm Nghiên cứu sinh Tiến sĩ tại Trường Khoa học và Đời sống của Đại học Thanh Hoa, với mục tiêu thiết kế các loại thuốc có “hoạt tính và độ nhạy tốt hơn”. Trong danh sách 10 đại học tốt nhất châu Á năm 2021, Đại học Thanh Hoa (Trung Quốc) đứng thứ hai, chỉ xếp sau Đại học Quốc gia Singapore (NUS). Đây cũng là ngôi trường được những học sinh, sinh viên xuất sắc nhất Trung Quốc hướng đến, có tỷ lệ cạnh tranh rất cao.
Mộng Nam cho biết chưa bao giờ cảm thấy tự ti về vấn đề thính giác của mình. Khi quen một người bạn mới, cô chia sẻ thẳng thắn về tình trạng không thể nghe thấy của mình.
“Tôi chỉ cảm thấy thất vọng và đôi khi nghĩ điều đó thật bất công đối với tôi. Tuy nhiên, khi tâm sự điều này với bố mẹ, họ đã an ủi tôi rằng đây là thực tế không thể thay đổi. Tốt hơn hết là làm việc chăm chỉ để vượt qua khó khăn thay vì phàn nàn", Mộng Nam chia sẻ.
Từ đó, Mộng Nam luôn tự động viên mình, nói với bản thân rằng mình không hề thua kém người khác và thậm chí có thể làm tốt hơn. Quả thật, cô đã làm được những điều mà không phải ai cũng có thể.
Trong tương lai, Mộng Nam hy vọng sẽ có những khám phá về dược lý có ích cho xã hội và hiện thực hóa những ý tưởng của mình.
Chính điều này đã giúp cô được đài truyền hình nhà nước Trung Quốc CCTV vinh danh là một trong 10 nhân vật truyền cảm hứng nhất của năm 2021.
*Theo Ifeng, SCMP