MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Từ Boeing đến chuỗi khách sạn Hilton, các doanh nghiệp Mỹ dáo dác tích trữ tiền mặt đối phó với khủng hoảng

12-03-2020 - 13:21 PM | Tài chính quốc tế

Boeing – vốn vẫn đang chìm trong cuộc khủng hoảng vì Boeing 737 Max bị cấm bay và giờ ngành hàng không lại bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong đại dịch – mới đây đã rút sạch khoản vay kỳ hạn trị giá 13,8 tỷ USD từ một nhóm ngân hàng.

Dưới những áp lực từ đại dịch Covid-19 và giá dầu lao dốc, các doanh nghiệp Mỹ đang đối mặt với bài kiểm tra nghiêm trọng nhất kể từ khủng hoảng 2008. Kể cả những công ty lớn nhất cũng phải vội vàng tăng tích trữ tiền mặt, nâng tối đa hạn mức tín dụng trước khi nguồn tiền có thể biến mất. Một số CEO và các giám đốc tài chính gọi ngay cho các lãnh đạo ngân hàng để có thêm thanh khoản.

Boeing – vốn vẫn đang chìm trong cuộc khủng hoảng vì Boeing 737 Max bị cấm bay và giờ ngành hàng không lại bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong đại dịch – mới đây đã rút sạch khoản vay kỳ hạn trị giá 13,8 tỷ USD từ một nhóm ngân hàng. Tháng trước, Boeing có được khoản vay này nhưng dự tính dùng để đối phó với tình trạng thiếu tiền mặt khi chuẩn bị đưa 737 Max trở lại bầu trời.

Sau đó là những ông lớn trong ngành du lịch nghỉ dưỡng như Hilton Worldwide và Wynn Resorts cũng phải dựa nhiều hơn vào các khoản vay có tổng giá trị hơn 2,5 tỷ USD. Các quỹ đầu tư vốn cổ phần tư nhân như Blackstone và Carlyle đã khuyên các doanh nghiệp mà họ đang nắm cổ phần nên xem xét nhưng biện pháp tương tự để có thể đối phó nếu tình huống xấu xảy ra.

Tình trạng đổ xô tìm nguồn tiền mặt – mặc dù hiện vẫn chưa đủ để gây áp lực lên hệ thống ngân hàng Mỹ vốn có lượng dự trữ dồi dào trong nhiều năm nay – cho thấy niềm tin kinh doanh có thể nhanh chóng diễn biến tiêu cực như thế nào trong nền kinh tế Mỹ bất chấp chỉ vài tuần trước nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn đang tỏ ra khỏe mạnh dù virus corona đã khiến chuỗi cung ứng gián đoạn và làm giảm lực cầu.

Ở thời điểm hiện tại, người đi vay vẫn là bên trực tiếp chịu ảnh hưởng. Tuy nhiên bên trong các ngân hàng, những giám đốc điều hành cũng cho biết họ đang cố gắng dự báo tiếp theo ngành nào sẽ bị ảnh hưởng.

"Sẽ đáng sợ hơn nhiều nếu như các công ty ở những ngành khác cũng bắt đầu sử dụng hạn mức tín dụng nhiều hơn", theo Chris Whalen, giám đốc ngân hàng đầu tư và từng làm công việc xếp hạng nợ, cho hay. Tình trạng hiện nay đã cho thấy thị trường đang hỗn loạn như thế nào.

Một lãnh đạo ngân hàng cấp cao cho biết ông nhận được cuộc gọi từ các CEO nhiều nhất từ trước đến nay, và đó là từ các công ty trên khắp các ngành. Nhiều người cố gắng vạch ra cách đối phó với cuộc khủng hoảng hiện nay, trong khi cũng có một số tìm kiếm cơ hội để thâu tóm những đối thủ đang gặp khó khăn hoặc tìm khả năng mua lại cổ phiếu của chính công ty họ với giá rẻ.

Nhưng trên khắp phố Wall, có những dấu hiệu rõ ràng cho thấy sự xáo trộn, như "thị trường con bò" đã kéo dài được 11 năm đột ngột chấm dứt và tạo ra nhu cầu rất lớn về thanh khoản. Trái phiếu kho bạc Mỹ, vốn được coi là hầm trú ẩn an toàn và tăng giá khi thị trường hoảng loạn, lại giảm giá vì nhà đầu tư ồ ạt bán ra nhằm thu về tiền mặt.

Các công ty quay trở về với các khoản vay ngân hàng bởi vì nguồn tiền mặt ưa chuộng của họ - thị trường trái phiếu doanh nghiệp – gần như đã ngừng lại. Các nhà đầu tư ồ ạt rút tiền khỏi các quỹ vẫn thường mua các khoản nợ này. Và kể cả các công ty có thể tiếp cận với thị trường cũng hoảng sợ vì thị trường biến động quá mạnh.

Theo dữ liệu mới nhất từ Cơ quan bảo hiểm tiền gửi liên bang, đến cuối năm 2019 các ngân hàng Mỹ có tổng cộng 2.500 tỷ USD cam kết cho vay dành cho các công ty mà chưa được sử dụng đến. Các tài liệu nộp lên cơ quan quản lý cho thấy khoảng 64% là tại các ngân hàng JPMorgan Chase, Bank of America, Citigroup và Wells Fargo.

Laura Ellen Kodres, cựu quan chức của IMF, nhận định các ngân hàng Mỹ có lẽ đang tăng cường tích trữ tiền mặt vì dự đoán nhu cầu từ khách hàng sẽ tăng mạnh trong các tuần tới và tháng tới. Nhưng hệ thống tài chính toàn cầu hiện đang khỏe mạnh hơn nhiều so với thời điểm 2008 và các NHTW có nhiều công cụ để cung cấp nguồn vốn ở nước ngoài nếu cần thiết.

Một nơi khác là địa điểm lý tưởng để theo dõi tình trạng căng thẳng mà các ngân hàng đang phải đối mặt: các công ty gặp nhiều áp lực có thể ồ ạt rút tiền, khiến các ngân hàng phải phụ thuộc nhiều hơn vào các nguồn vốn ngắn hạn khác, theo chuyên gia phân tích Zoltan Pozsar và James Sweeney One của Credit Suisse. Fed cần phải cấp thêm vốn cho thị trường repo để đáp ứng những rủi ro này.

Theo Greg Hertrich, chuyên gia của Nomura Securities International, trong các cơn hoảng loạn trước đây các ngân hàng thường sẽ ngập trong tiền mặt vì nhà đầu tư bán tháo tìa sản, đặc biệt là khi lãi suất thấp làm giảm các cơ hội ở chỗ khác.

Vấn đề mà cả các ngân hàng và người tiêu dùng phải đối mặt là tất cả mọi người đều đang ở trong tình cảnh chưa từng xuất hiện: đại dịch chết người lây lan trong 1 thế giới đã toàn cầu hóa sâu rộng. Vì thế rất khó để dự đoán tình hình sẽ xấu đến đâu.

"Nếu thảm họa đột nhiên dừng lại một cách thần kỳ, chúng ta sẽ ổn. Nhưng rất điều chúng ta không hề có ý tưởng nào về việc chúng ta đang ở đâu, không ai có thể xây dựng mô hình dự đoán, không ai biết khi nào chuyện này mới kết thúc", Jim Bianco, Chủ tịch và nhà sáng lập của Bianco Research nói.

Thu Hương

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên