Được Buffett rót tiền ngay khi mới chuyển từ xe xăng sang xe điện, hãng xe Trung Quốc BYD ít tên tuổi chỉ mất hơn 10 năm đứng trong top 6 công ty ô tô lớn nhất thế giới
Mới chỉ tham gia vào ngành ô tô từ năm 2002 và xe điện từ năm 2008 nhưng hiện BYD là hãng xe lớn nhất Trung Quốc và đứng thứ 6 thế giới với vốn hóa đạt hơn 70 tỷ USD.
Bên cạnh những thương hiệu sản xuất xe mới nổi như Tesla, Nio, các công ty xe truyền thống lâu đời đã bắt đầu nghiên cứu và cho ra đời những dòng xe sử dụng điện riêng của mình. Tại Trung Quốc, trước sự cạnh tranh mạnh mẽ của những doanh nghiệp mới nổi như Nio hay Li Auto đã khiến cho các công ty có truyền thống cũng phải chuyển dịch cơ cấu sản xuất từ ô tô chạy xăng sang xe sử dụng điện. BYD - công ty sản xuất xe có vốn hoá hàng đầu tại Trung Hoa và thứ 6 toàn cầu được sở hữu một phần bởi quỹ đầu tư của tỷ phú Warren Buffet đang cho ra đời những chiếc ô tô với khả năng cạnh tranh và duy trì vị thế của họ trong nhiều năm tới đây.
BYD Auto, với tên đầy đủ Build Your Dream (Xây giấc mơ của bạn) là công ty sản xuất xe thuộc Tập đoàn cùng tên của Trung Quốc có trụ sở tại Thiểm Tây. Sau khi mua lại công ty ô tô Tsinchuan vào năm 2002, tới đầu năm 2003, BYD chính thức ra mắt thương hiệu sản xuất xe mang tên mình. Công ty sản xuất nhiều loại xe, trong đó có xe tải, xe buýt - các loại xe chạy xăng truyền thống và xe đạp điện. Những dòng xe này đã tạo dựng tên tuổi cho công ty không chỉ tại Trung Quốc mà còn trên nhiều nơi khắp thế giới.
Năm 2008 là một bước ngoặt lớn của BYD, khi họ tung ra dòng xe Hybrid F3. Dòng xe này nhanh chóng gây được tiếng vang tại Trung Quốc và tổng cộng bán được tới 448,400 chiếc chỉ trong năm 2009. Chiếc F3 chính thức đưa tên tuổi của BYD phủ sóng rộng khắp thị trường đông dân nhất thế giới, đồng thời cũng giúp họ bán được những sản phẩm khác. Cũng trong năm này, công ty nhận được khoản tiền đầu tư từ quỹ Berkshires Hathaway nổi tiếng của tỷ phú Warren Buffet, cho thấy tiềm năng rất lớn của họ dù mới ở những bước đầu tiên.
F3 – một trong những chiếc xe đầu tiên của BYD (Ảnh: Mad4Wheels)
4 năm sau, họ nhận được đơn đặt hàng 500 chiếc xe BYD E6 được sử dụng làm taxi từ chính quyền thành phố Thẩm Quyến. Tính đến cuối năm 2013, có tổng cộng hơn 500,000 xe chở khách được BYD bán ra trên toàn Trung Quốc; lúc này, công ty đã nằm trong top 10 nhà sản xuất xe bán chạy nhất trong nước. Song song với việc phát triển trong nước, BYD cũng bắt đầu đưa những chiếc xe của mình tới với châu Phi, châu Mỹ và nhiều nơi khác trên toàn cầu. Công ty bắt đầu nhận được những đơn đặt hàng nhỏ tại Amsterdam, Frankfurt và Los Angeles với sản phẩm xe bus điện, dù nhận được một số lời than phiền về chất lượng xe cũng như việc trả lương quá thấp cho công nhân.
Một trong những chiếc xe bus của BYD tại Đức (Ảnh: Sustainable bus)
BYD bắt đầu tập trung hơn vào mảng xe ô tô điện cá nhân trong những năm gần đây, khi mà các hãng sản xuất xe không chỉ tại Trung Quốc mà trên toàn thế giới bắt đầu chạy đua trong việc sản xuất sản phẩm này. Có rất nhiều đối thủ cạnh tranh trên thị trường ô tô điện, trong số đó có thể kể tới Tesla Motors Inc; Faraday Future, Toyota, Nissan và General Motors là những công ty tới từ ngoài lãnh thổ Trung Quốc; ở trong nước, Zhejiang Geely Holding Group là đối trọng lớn nhất của BYD.
Tuy nhiên, doanh số bán xe của công ty vẫn là vô cùng khả quan, nhờ vào mức giá tương đối dễ chịu, số lượng xe sản xuất lớn và quan trọng nhất là việc họ có thể tự sản xuất pin cho những chiếc ô tô của mình, nhờ đó giảm đáng kể giá thành bán xe. Năm 2018, công ty hoàn thiện nhà máy sản xuất pin tại Thanh Hải, Trung Quốc với diện tích rộng 10 triệu feet vuông. Ước tính, các nhà máy của BYD tại Trung Quốc có thể sản xuất được một số lượng pin với tổng công suất lên tới trên 30.000 Gigawatt điện.
Nhờ việc tự sản xuất pin, BYD có thể tiết kiệm được rất nhiều chi phí và hạ giá thành xe (Ảnh: Tires and Parts News)
Một trong những chiếc xe nổi tiếng nhất của họ là BYD Tang. Chiếc SUV chạy điện này được sản xuất từ năm 2015 và tới năm 2016 – thời điểm mà xe ô tô điện chưa nổi tiếng như hiện nay, 31.405 chiếc đã được bán. Tang trở thành chiếc xe điện bán chạy nhất năm đó tại Trung Quốc, và nâng tầm hoàn toàn thương hiệu BYD. Với giá bán chỉ vào khoảng 240,000 nhân dân tệ (tương đương với chưa tới 37,000 USD), chiếc xe nhắm thẳng vào phân khúc khách hàng trung lưu tại Trung Quốc và đạt được thành công lớn. Những năm sau, các phiên bản khác của Tang vẫn là một trong số những xe bán chạy nhất tại thị trường tỷ dân này.
Chiếc BYD Tang nổi tiếng của hãng (Ảnh: BYD)
Giữa năm 2020, BYD công bố kế hoạch mở rộng ra châu Âu, bắt đầu từ Na Uy của mình. Trong tháng 3/ 2021 vừa qua, số lượng xe điện bán ra của BYD đạt 16.301 xe, gấp đôi số xe bán ra của Nio (7,257 xe) và Xpeng (5,102 xe) - 2 start up ô tô điện nổi tiếng của Trung Quốc. Tổng số xe điện bán ra trong quý 1 của hãng đạt 53.380 chiếc, nhỉnh hơn đôi chút so với số lượng xe truyền thống chạy xăng – 49.394 chiếc. Cũng trong giai đoạn đầu năm này, công ty đã ký được một đơn đặt hàng xe buýt điện với thành phố Bogota, Colombia. Dự kiến giữa năm 2022, sẽ có khoảng 1.000 chiếc xe được giao tới đây nhằm phục vụ cho hoạt động giao thông công cộng.
Hiện tại, BYD có vốn hóa thị trường đạt 71,4 tỷ USD, đứng thứ 6 toàn cầu chỉ sau Tesla, Volkswagen, Toyota, GM và đối tác của họ là Daimler. Warren Buffet một lần nữa lại chứng minh cho cả thế giới thấy được tài đầu tư của mình, khi chỉ từ một công ty vô danh, ngày nay, những người Trung Quốc hầu như không ai không biết đến sản phẩm của BYD. Với việc xe điện ngày một phổ biến, BYD không giấu tham vọng lật đổ Tesla để trở thành công ty số 1 trong ngành này, khi họ đang nắm trong tay thị trường nội địa lên tới hơn một tỷ người.