MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Từ câu nói Bí thư Thăng đến 11 triệu người ăn lương Nhà nước: Biên chế đang là gánh nặng?

Tâm lý ăn lương nhà nước cho ổn định, vào biên chế làm người nhà nước xem ra lại đang tạo thành gánh nặng rất lớn…

Một bệnh viện công tại TPHCM có quy mô 1000 gường bệnh với hơn 1.200 nhân viên. Để đáp ứng cho nhu cầu phát triển, bệnh viên này cần biên chế thêm một số lượng bác sĩ, song đành phải “để dành” nhằm chờ đợt cán bộ mới luân chuyển về bệnh viện, trong khi bệnh viện hoàn toàn có thể tự chủ được về tài chính.

Câu chuyện gần đây, Thanh Hóa hay Nghệ An là 2 địa phương có số lượng phó Chủ tịch xã, phường dư khá lớn. Nếu như Nghệ An thừa gần 200 phó chủ tịch xã, thì số lượng tại Thanh Hóa lên tới hơn 160 người. Việc sắp xếp, bố trí chức danh và đơn vị công tác khác cho số lượng hàng trăm phó chủ tịch xã dư thừa, đang đặt ra những bài toán không hề đơn giản.

Tinh giảm biên chế - một bài toán nan giải khi mà trong suốt hơn 10 năm qua, với nhiều văn bản từ trung ương đến địa phương, qua ba lần tinh giản biên chế, số lượng biên chế không những giảm mà còn tăng thêm. Đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương, nguyên là chánh thanh tra Bộ Nội vụ, cho rằng giảm cấp phó là hình thức để góp phần giảm biên chế.

Thế nhưng, chính vị này cũng phải khẳng định rằng chuyện tinh giảm biên chế tối thiểu là 10% theo theo tinh thần Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị, là chuyện không đơn giản. Bởi lẽ, số lượng “con ông cháu cha” quá nhiều, nhiều trường hợp thông qua quan hệ, quen biết nên sẽ không dễ để tinh giản biên chế.

“Số lượng người ăn lương ngân sách quá lớn” – một thực trạng được chính nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh thừa nhận khi còn đương nhiệm. Ông cho rằng, phải đổi mới hoạt động khối sự nghiệp này để làm sao họ tự lo được lương, khi đó số lượng giảm xuống thì việc điều chỉnh tiền lương mới tốt hơn.

Đến nay, cả nước có khoảng 2,8 triệu cán bộ, công chức, viên chức. Cộng cả người nghỉ hưu, hưởng lương, trợ cấp từ ngân sách nhà nước, con số này lên tới 7,5 triệu người, chiếm 8,3% dân số cả nước. Tuy nhiên, nếu tính cả toàn bộ số người hưởng lương và mang tính chất lương từ ngân sách, thì con số này lên tới 11 triệu người.

Trở lại câu chuyện tại bệnh viên ở TPHCM, người trực tiếp kiểm tra, đánh giá tình hình hoạt động của bệnh viện này là Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng, đã phải thốt lên rằng: Không thể làm theo cách cũ, mà chính bệnh viên phải tự chủ về tài chính, để có nguồn trả lương cao hơn biên chế, thì sẽ không lo thiếu bác sĩ.

“Làm sao để biên chế hay không biên chế phải như nhau. Thậm chí, biên chế lương 10 triệu mà không biên chế, trả 15 triệu thì chả ai dại gì chọn biên chế cả” – Bí thư Thăng nói và đề nghị lãnh đạo bệnh viện này mạnh dạn tự chủ tài chính để nâng cao đời sống cán bộ, chất lượng phục vụ.

Số lượng biên chế lớn, phụ thuộc phần lớn vào ngân sách nhà nước là một trong những lý do khiến cho tỷ lệ chi thường xuyên tăng với tốc độ chóng mặt, trung bình lên tới 19,6% trong giai đoạn 2003 – 2015. Dẫn tới, đã tạo lên gánh nặng ngân sách nhà nước và một phần nguyên nhân khiến cho tỷ lệ nợ công tăng cao.

Tâm lý phải vào biên chế bằng mọi giá, phải là công chức nhà nước mới là yên ổn – xem ra đã đến lúc phải thay đổi suy nghĩ này. Lương trình bình của doanh nghiệp tư nhân thấp hơn 41% so với lương của DN nhà nước, chưa kể lương bình quân của nhân viên, sếp tập đoàn, tổng công ty từ 13 – 42,5 triệu triệu đồng/tháng theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội – đây có thể là một phần nguyên nhân khiến cho ai cũng muốn là người nhà nước.

Tuy nhiên, trong khi DN nhà nước sử dụng nguồn vốn không nhỏ của Nhà nước kinh doanh thua lỗ, thì câu chuyện cán bộ, công chức nhũng nhiễu, hạch sách vẫn đang còn diễn ra nhức nhối. Việc đẩy mạnh hơn nữa cuộc cải cách triệt để về hành chính, giảm số lượng người hưởng lương từ nguồn ngân sách, tạo nên cuộc cách mạng như “Khoán 10” trong nông nghiệp trước đây, là vấn đề thực sự cần được làm mạnh mẽ.

An Ngọc

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên