Từ chàng trai bán kem đến “ông trùm” chuỗi gà rán lớn nhất Philippines: Thành công nhờ ngây thơ tin lời mẹ, coi “thất bại cũng chỉ là một loại học phí ở đời”!
Đánh bại đối thủ trên thương trường vốn dĩ đã là một thử thách, nhưng đánh bại thương hiệu hàng đầu thế giới như Jollibee đã làm được đòi hỏi một người lãnh đạo có tầm nhìn và tài năng xuất sắc như tỷ phú Tony Tan Caktiong.
- 11-06-2019Sáng suốt không đến từ việc nói, mà ở lắng nghe lời khuyên: Thông thái như Bill Gates, Warren Buffett vẫn làm hàng ngày và đây là những gì họ học được!
- 07-06-2019Dậy sớm từ 4h sáng như CEO Apple, Pepsi... cũng chẳng khiến bạn tài giỏi như họ: Đến Warren Buffett còn làm theo nguyên tắc hàng đầu này, sao bạn có thể quên?
- 06-06-2019Không quan hệ, không tiền tệ cũng chẳng sao, vì đây mới là thứ Jack Ma đề cao hơn tất cả: "Ai cũng có thể thành công nếu biết làm 3 điều này!"
Câu chuyện Tony Tan Caktiong - người xây dựng thương hiệu gà rán Jollibee nổi tiếng nhất Philippines - hội tụ đủ mọi yếu tố để đi tới thành công: lòng kiên trì và tính khiêm tốn. Bằng tài năng của mình, ông đã đưa đế chế Jollibee Food Corp trở thành một phần không thể thiếu của nền kinh tế Philippines, với việc thu mua số lượng gà trị giá hơn 6 tỷ Peso (115 triệu USD) từ mọi miền của đất nước, tạo thu nhập cho hàng triệu người nông dân.
Nhưng đâu mới là yếu tố then chốt khiến người đàn ông này có được sự nghiệp như ngày hôm nay?
Theo Tony Tan Caktiong, đó chính là nhờ tinh thần không ngừng của ông.
"Khi mới khởi nghiệp, ước mơ của tôi là muốn trở thành công ty thực phẩm lớn nhất trên thế giới. Khi ấy, chúng tôi mới chỉ có 5 cửa hàng. Nhiều người cho rằng tôi tự tin thái quá," Caktiong nói trong Hội nghị thượng đỉnh APEC năm 2013.
Dù giấc mơ ấy chưa thành hiện thực, nhưng ông vẫn đang từng bước trên con đường thực hiện hóa nó.
Jollibee Food Corp là chuỗi cửa hàng hiếm hoi đánh bại được nhiều "ông lớn" trong đó có McDonald’s ngay trên sân nhà - nơi người dân ưa chuộng các thương hiệu đến từ Mỹ. Nhờ đó, nó đã trở thành một trong những công ty được ngưỡng mộ nhất châu Á và nằm trong top 10 các công ty ở Philippines.
Tony Tan Caktiong
Tư duy là yếu tố then chốt
Nói về những ngày mới thành lập Jollibee vào năm 1975, Caktiong tiết lộ những quyết định quan trọng đã giúp công ty có được vị thế như ngày nay.
"Đó là những ngày tháng không hề dễ dàng chút nào. Chúng tôi phải đối mặt với rất nhiều thách thức và rủi ro. Đã có không ít lần chúng tôi mất tiền vì dám liều mình chấp nhận những rủi ro đó. Nhưng trong suốt quãng thời gian đó, tôi vẫn luôn nuôi hy vọng và giữ vững tinh thần lạc quan rằng mọi chuyện đều có thể."
Caktiong nhớ lại: "Tôi nghĩ niềm tin này của mình bắt nguồn từ mẹ. Mẹ tin rằng, chúng tôi chỉ cần làm hết sức mình và không nên lo lắng về thu nhập. Thu nhập rồi sẽ tự tới. Niềm tin này giúp cho tôi ngủ ngon hàng đêm. Nó cho tôi hy vọng mỗi ngày."
Chưa bao giờ Caktiong quên đi tầm quan trọng của tư duy và và sự lạc quan trên con đường xây dựng thành công.
"Đổi mới xuất phát từ chính bộ óc của mỗi người. Tư duy của chúng ta sẽ quyết định chúng ta có thể làm gì. Jollibee Food Corp chính là câu chuyện về đi tìm cơ hội ngay giữa thời khắc khó khăn."
Sinh ra trong một gia đình nghèo có 7 anh em di cư từ Trung Quốc đến Philippines với giấc mơ đổi đời, Caktiong đã tham gia vào ngành công nghiệp thực phẩm và đồ uống từ rất sớm. Nhờ vào quán ăn nhỏ của gia đình, ông mới có cơ hội được học đại học.
Ở tuổi 22, Caktiong nhanh chóng nhìn thấy cơ hội kinh doanh bằng cách mở một cửa hàng kem có tên Magnolia Dairy Ice-cream, và sau đó là 2 cửa hàng khác ở Cubao. Để trở nên khác biệt so với các quán kem khác, họ cung cấp đúng thứ mà khách hàng luôn mong ước: viên kem siêu to và quán kem siêu sạch. Tiếng lành đồn xa, không biết bao nhiêu người đã kéo về đây để thưởng thức món đồ ăn mát lạnh này.
Nhưng chỉ 2 năm sau, mọi người đã chán ngấy việc ăn kem suốt ngày. Họ thèm một cái gì đó ngon hơn, nóng hơn. Vì vậy, năm 1978, Caktiong quyết định chuyển sang bán cả hamburger, gà rán, mì Ý và được khách hàng cực kỳ yêu thích. Không lâu sau đó, ông quyết định đổi tên thương hiệu thành "Jollibee" - cái tên cũng chính là đại diện cho hình ảnh của công ty: những chú ong cần mẫn và hạnh phúc.
Thay đổi hoặc là chết
"Khi Jollibee dần dần lớn mạnh, chúng tôi phát hiện ra thương hiệu hamburger lớn nhất thế giới MacDonald’s đang chuẩn bị xâm nhập thị trường Philippines. Mọi người khuyên tôi nên bán nó."
"Ai cũng nghĩ: ‘Làm sao mà một công ty nhỏ với vỏn vẹn 5 cửa hàng ở Philippines có thể đánh bại một tập đoàn đa quốc gia trên chính lĩnh vực mà họ khai sinh?’ Đó là giây phút chúng tôi phải đối mặt với sự thật. Đó cũng là khoảnh khắc mà hy vọng và tham vọng của tôi bị thử thách."
"Nếu không nuôi hy vọng, có lẽ tôi đã bán lại công ty ngay lúc đó rồi. Nếu vậy, tôi sẽ không có ngày hôm nay. Có lẽ tôi sẽ vẫn mãi chỉ là một anh nhân viên đứng lật burger cho hãng-mà-ai-cũng-biết-là-ai-đấy," Caktiong hóm hỉnh nói.
Caktiong cùng các cộng sự vẫn tiếp tục mở từng nhà hàng một. Họ không chịu nhường lại vị trí top đầu của mình. Biết người Philippines thích ăn ngọt, họ đã làm món mì spaghetti trở nên ngọt hơn và chiếm được cảm tình của người dân quê nhà. Không chỉ mở rộng về số lượng cửa hàng, họ còn tiến hành mua lại các thương hiệu và chuỗi bán lẻ đồ ăn khác.
Đến năm 2019, Jollibee đã có hơn 4000 cửa hàng trên 23 quốc gia khác nhau. Công ty cũng sở hữu hơn 14 thương hiệu toàn cầu. Theo ước tính của Forbes, giá trị của Jollibee Food Corp đang ở mức 5,9 tỷ USD.
Sai lầm chỉ là một cách học hỏi
Thành công lớn bao nhiêu thì thất bại cũng nhiều bấy nhiêu, Caktiong đã học được cách coi nó là một phần quá trình để theo đuổi đam mê và mơ ước.
"Nói tới giáo dục, ngôi trường duy nhất mà tôi học hỏi được rất nhiều là ngôi trường của những thất bại đau đớn. Và tôi vẫn còn học hỏi cho tới tận ngày nay," Caktiong cho biết. "Thất bại chỉ là một phương pháp học tập. Nếu bạn rút ra được bài học bổ ích thì những thất bại đó là hoàn toàn xứng đáng. Nó giống như bạn trả tiền học phí vậy."
Theo Caktiong, ông cũng đã từng thất bại với một số thương hiệu do chính mình tạo ra, như Mary’s Chicken hay kem Copenhagen. Vô số nghiên cứu đã được thực hiện nhưng thành phẩm cuối cùng để bán cho khách hàng lại không đáp ứng được kỳ vọng.
"Chúng tôi nghĩ rằng món gà barbeque là sản phẩm tốt nhất của mình. Chúng tôi đã đổ rất nhiều công sức vào đó, nhưng nó vẫn không thành công. Tôi có coi đó là một sai lầm lớn không? Có thể đó không phải là sai lầm lớn, nhưng đó là một thất bại tồn tại trong lịch sử của chúng tôi," Caktiong nói.
Tỷ phú này kết luận, quan trọng nhất vẫn là phải biết ước mơ, dám mơ lớn và không sợ hãi.
"Mơ ước luôn miễn phí. Vậy tại sao lại giới hạn điều đó? Nhưng mơ ước thôi thì chưa đủ. Bạn cần phải dồn toàn bộ năng lượng của mình để đầu tư. Nếu bạn dám mơ lớn và biết hành động để thực hiện hóa mơ ước, bạn sẽ liên tiếp gặp những sai lầm."
"Nhưng đừng sợ sai lầm. Hãy nhanh chóng nhận ra và học hỏi từ chúng. Rút ra bài học từ các sai lầm, bạn sẽ không cảm thấy lãng phí thời gian." Caktiong khẳng định.
Rappler