Từ chuyện chiếm đoạt tài khoản đến đường dây chuyên “hack”
Thấy một số người chơi tại các quán internet Net Việt và Võ Minh Hùng sử dụng mạng để chiếm đoạt thẻ cào điện thoại của người khác cũng không quá khó khăn nên Phi đã học… lỏm họ.
(Kỳ 1) Tội phạm ẩn danh và những cú lừa bạc tỷ
(Kỳ 2) Từ chuyện chiếm đoạt tài khoản đến đường dây chuyên “hack”
“Thoạt đầu, ông H. ngờ vực về sự xuất hiện của chúng tôi tại nhà ông, thậm chí cho rằng chúng tôi chen vào chuyện riêng tư của hai cậu cháu ông. Tuy nhiên đến khi chúng tôi vạch mặt ra thủ phạm lừa đảo, ông H. thở phào và rối rít cảm ơn, bởi nếu không, số tiền ông bị lừa có thể lên đến nhiều tỷ đồng”, một trinh sát Phòng 5, Cục C50 kể chúng tôi nghe về trường hợp một người dù đang là cán bộ nhưng bị lừa qua mạng xã hội facebook.
Theo các trinh sát Phòng 5 Cục C50, ông Bùi Quang H. (60 tuổi, nhà trên đường Huỳnh Đình Hai, phường 14, quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh) có sử dụng tài khoản facebook “H” để liên lạc, cập nhật tin tức của bạn bè và người thân ở nước ngoài.
Cách nay không lâu, ông H. bị đối tượng xấu sử dụng tài khoản facebook “C” giả danh người cháu ruột (gọi ông bằng cậu) đang sinh sống tại Cộng hòa Séc nhờ mua thẻ cào điện thoại mệnh giá cao (chủ yếu là thẻ mệnh giá 500.000 đồng) với số lượng lớn để quy đổi ra tiền, kinh doanh.
Thông qua facebook, người giả cháu C. hướng dẫn ông H. phương thức giao dịch khá tỉ mỉ: “Cậu mua thẻ, cào rồi nhắn gửi mã số, số seri cho con. Nhớ mỗi khi gửi cho con xong, cậu cắt hủy thẻ chứ ai mà lấy được mã số, số seri là con bị phỗng tay trên đó”.
Làm theo chỉ dẫn của đứa cháu, chỉ trong vòng 10 ngày, tổng giá trị thẻ mà ông H. đã mua, cào, báo mã số thẻ, số seri cho “đứa cháu” lên đến 716 triệu đồng. “Nếu tính mỗi thẻ cào loại 500.000 đồng, ông H. đã phải mua, cào ít nhất 1.432 thẻ. Và tính trung bình mỗi ngày, ông H. phải mua, cào trên 140 thẻ; rồi còn phải cặm cụi nhắn tin chính xác từng con số”, một trinh sát cho biết.
Khi phát hiện sự việc trên, các trinh sát chủ động tiếp xúc làm việc với ông H. về các nội dung liên quan, đồng thời khuyến cáo ông nên gọi điện trao đổi người cháu C. hiện đang sinh sống tại Cộng hòa Séc để làm rõ thông tin.
“Thoạt đầu, ông H. không nghe lời khuyên của chúng tôi, ông còn nói chúng tôi xen vào chuyện riêng tư của gia đình ông. Thế nhưng sau đó, qua trao đổi với đứa cháu, ông mới biết C. đã bị đối tượng chiếm đoạt tài khoản facebook. Suốt thời gian vừa qua, C. không hề trò chuyện gì với ông trên facebook do facebook bị hack. Và tất nhiên, C. không hề nhờ ông mua thẻ cào để kinh doanh...”, một lãnh đạo Phòng 5, Cục C50 cho biết thêm.
Nhận thức được sự việc, ông H. đã… xoay chiều, hợp tác tốt với Công an; tự nguyện trình bày các nội dung liên quan. Ông H. cho biết nhiều thẻ cào đã bị ông hủy theo đề nghị của “đứa cháu”. Dẫu vậy, ông vẫn còn giữ lại đến 1.167 thẻ cào điện thoại còn nguyên vẹn cho cơ quan điều tra.
Cục C50 cũng đã xác lập chuyên án, tập trung lực lượng thu thập tài liệu, chứng cứ có liên quan, đấu tranh làm rõ hành vi chiếm đoạt tài khoản facebook, giả danh cháu ông H...
Sau khi đã hoàn tất hồ sơ, Phòng 5, Cục C50 đã chuyển giao cho cơ quan CSĐT (PC46) Công an tỉnh Quảng Trị khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Lê Văn Tư (tên thường gọi là Tẹng, 19 tuổi, ngụ thị trấn Ái Tử, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị). Tư là người đã dùng mạng internet để chiếm đoạt ông H. số tiền 716 triệu đồng.
Trong quá trình xác minh làm rõ hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của đối tượng Lê Văn Tư (tên thường gọi là Tẹng, 19 tuổi, ngụ thị trấn Ái Tử, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị), các trinh sát Phòng 5, Cục C50 còn xác định được một số đối tượng cư trú tại huyện Triệu Phong có hành vi tương tự như Tư. Đây là các đối tượng không có việc làm ổn định, thường hay tụ tập chơi game tại các quán intetnet công cộng tại huyện Triệu Phong, có nhiều bất minh về kinh tế.
Một phần thẻ cào mà ông H đã mua, cào theo yêu cầu của “đứa cháu”.
Đối tượng Bùi Duy Phi (23 tuổi, ngụ thôn Hà My, xã Triệu Hòa, huyện Triệu Phong) khai cuối năm 2014, Phi học được cách thức sử dụng mạng internet thực hiện hành vi chiếm đoạt thẻ cào điện thoại thông qua mạng facebook. Thấy một số người chơi tại các quán internet Net Việt và Võ Minh Hùng sử dụng mạng để chiếm đoạt thẻ cào điện thoại của người khác cũng không quá khó khăn nên Phi đã học… lỏm họ.
“Đầu tiên, em chiếm đoạt tài khoản facebook cá nhân bằng cách dò tìm mật khẩu ngẫu nhiên trên cơ sở các thông tin họ đăng ký khi lập tài khoản facebook. Sau khi, em dò thử mật khẩu và đăng nhập được vào các tài khoản facebook này. Em đổi mật khẩu để chiếm đoạt tài khoản facebook.
Sau đó nghiên cứu toàn bộ lịch sử các cuộc nói chuyện của chủ nhân tài khoản facebook đã chiếm đoạt để nắm thông tin về cách xưng hô, mối quan hệ của chủ nhân facebook với bạn bè hoặc người thân của người đó.
Tiếp đó, em mạo danh chủ nhân facebook và chát với bạn bè, người thân, lấy lý do cần thẻ cào điện thoại để thanh toán đơn hàng và nạp vào tài khoản game nên nhờ họ đi mua thẻ cào điện thoại di động (của các nhà mạng Vinaphone, Mobifone hoặc Viettel) để cào lấy mã thẻ, số seri thẻ chuyển cho em qua cửa sổ chát...”, Phi khai.
Sau khi chiếm đoạt thẻ cào điện thoại, Phi nạp toàn bộ số thẻ cào này vào tài khoản id.vtc1993, id.vtc199 và thanhrock1993 để quy đổi thành Vcoin. Phi bán số Vcoin này cho Công ty VTC để quy đổi thành tiền mặt.
Sau đó, Phi mượn tài khoản Ngân hàng Agribank của Nguyễn Sanh Thìn (bạn quen biết của Phi) để VTC chuyển thanh toán tiền mặt. Có trường hợp Phi bán cho chủ quán internet QTC ở thị xã Quảng Trị và được thanh toán trực tiếp bằng tiền mặt. Tổng giá trị thẻ cào điện thoại mà Phi đã chiếm đoạt được khoảng 100 triệu đồng.
Còn đối tượng Lê Quang Bình (17 tuổi, ngụ tiểu khu 4, thị trấn Ái Tử, huyện Triệu Phong) khai nhận, bằng thủ đoạn tương tự như Bùi Duy Phi, Bình đã “hack” được hơn 100 tài khoản facebook của người khác và đã sử dụng hơn 30 tài khoản trên để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản. Tổng giá trị thẻ cào điện thoại mà Bình đã chiếm đoạt được là khoảng 40 triệu đồng.
Trong quá trình làm rõ hành vi của Lê Văn Tư, Phi và Bình, các trinh sát Phòng 5, Cục C50 cũng đã phối hợp cùng Công an tỉnh Quảng Trị tiến hành triệu tập nhiều đối tượng khác, trong đó có Hoàng Hữu Hạnh (19 tuổi) và Nguyễn Văn Châu (20 tuổi, cùng cư trú tại thôn An Trú, xã Triệu Tài, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị; tạm trú tại TP Huế, tỉnh Thừa Thiên – Huế) để tiến hành đấu tranh làm rõ hành vi phạm tội.
TAND tỉnh Quảng Trị vào năm 2015 từng tuyên phạt Võ Đình Tuấn (tức Đen, 22 tuổi, trú tại Hải Vĩnh, Hải Lăng, Quảng Trị) 12 năm tù vì tội sử dụng mạng Internet chiếm đoạt tài sản. Khi bị bắt, Tuấn đang là sinh viên của một trường ĐH tại Đà Nẵng.
Để các nạn nhân sập bẫy, Tuấn đã lập ra một tài khoản facebook cá nhân, sau đó dùng tài khoản này để kết bạn với nhiều người. Tiếp theo, Tuấn gửi tới các facebook này 1 đường link để lấy cắp thông tin cá nhân từ các tài khoản này. Sau đó, Tuấn đăng nhập vào các tài khoản cá nhân này, tìm hiểu nội dung cuộc trò chuyện của họ với bạn bè sau đó nói chuyện với bạn bè của họ như mình chính là chủ nhân của những tài khoản này.
Điều đáng chú ý là với phương thức, thủ đoạn này, Tuấn đã hack nhiều tài khoản của những người đang sinh sống ở nước ngoài hoặc các sinh viên du học để nói chuyện với những người thân của họ ở Việt Nam sau đó đặt vấn đề mua thẻ cào điện thoại. Từ tháng 6-2013 đến tháng 10-2014, Tuấn đã lừa đảo qua Facebook được 944 triệu đồng).