MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Từ chuyện cô bé tốt bụng trao ly sữa cho cậu bé bán hàng rong và chuyện những doanh nghiệp giảm tiền thuê mặt bằng mùa covid-19

31-03-2020 - 19:18 PM | Doanh nghiệp

Chìa khóa của sự cho đi một cách hiệu quả chính là luôn sẵn sàng nhận lấy.

Trong những ngày này, khi tình người trong những ngày cả nước chung tay phòng chống dịch bệnh Covid-19 đang lan tỏa khắp cộng đồng, thì những câu chuyện về sự "cho đi" luôn thường xuyên được chia sẻ. Có những chuyện trong đó là sự thật, có những chuyện là những bài học để mọi người cùng suy ngẫm.

Có một câu chuyện khá hay về sự cho đi: câu chuyện về ly sữa ân tình. Chuyện kể về một cậu bé nghèo chuyên đi bán hàng rong trong khu phố nọ. Một hôm, mãi từ sáng đến chiều không bán được gì, bụng đói cồn cào, cậu đành gõ cửa một căn nhà gần đó.

Một cô bé trạc tuổi cậu bước ra mở cửa. Vừa xấu hổ vừa ngại ngần, cậu bé chỉ dám lên tiếng xin ly nước thay vì xin cái gì đó để ăn. Cô bé nhìn cậu bé, bảo cậu chờ và chạy vào nhà, một lúc sau bê ra một ly sữa thật lớn. Cậu bé uống xong, lí nhí hỏi cô "tôi nợ bạn bao nhiêu?".

"Bạn không nợ tôi gì cả, mẹ tôi dạy rằng không bao giờ nhận tiền khi ta làm một điều tốt". Cậu bé cảm ơn và rời khỏi, trong lòng cảm thấy vui vẻ, tự tin hơn nhiều.

Cậu bé đó chính là Howard Kelly – sau này là một nhà vật lý lỗi lạc, người sáng lập ra khoa Ung thư tại trường đại học John Hopkins.

Nhiều năm sau đó, cô bé bị một căn bệnh hiểm nghèo, được chuyển lên trung tâm thành phố để điều trị. Tiến sĩ Howard Kelly được mời khám. Và khi nghe tới địa chỉ của cô bé, ông giật mình nhìn kỹ và nhận ra cô bé năm xưa. Ông trở lại phòng làm việc, mời các chuyên gia đầu ngành hội chẩn và quyết tâm chữa khỏi bệnh cho cô gái.

Không uổng công, bệnh cô gái đã được chữa khỏi. Khi hóa đơn viện phí chuyển đến chỗ cô, ông đã viết bên cạnh một dòng chữ. Cô gái nhận hóa đơn, lo sợ vì viện phí có thể rất cao. Thế nhưng, khi nhìn dòng chữ bên cạnh, cô mới ngạc nhiên đến rơi nước mắt. Dòng chữ viết "viện phí đã được thanh toán đủ bằng 1 ly sữa".

Những câu chuyện "cho đi" trong mùa dịch Covid-19 này không hề ít. Từ việc những doanh nghiệp, cá nhân tặng miễn phí khẩu trang cho người cần, đến việc người người hỗ trợ nhau trong những ngày cách ly, cả những ly sữa, suất cơm gửi đến các nhân viên y tế ở khắp nơi đây đó.

Ở bình diện lớn hơn, nhiều doanh nghiệp cũng đang hành động – đó là cách những doanh nghiệp chia sẻ khó khăn với các đối tác, cùng giúp đối tác vượt qua thời kỳ dịch bệnh.

Đi đầu trong số đó CTCP Hưng Thịnh Retail – đơn vị thành viên của Tập đoàn Hưng Thịnh - chủ đầu tư loạt Trung tâm thương mại ở Thành phố Hồ Chí Minh như Moonlight Plaza quận Thủ Đức và Saigon Mia ở huyện Bình Chánh đã xem xét từng trường hợp để giảm giá thuê mặt bằng cho đối tác. Lãnh đạo Hưng Thịnh cho biết, công ty sẵn sàng chấp nhận việc giảm doanh thu để hỗ trợ cho các đối tác nhằm vượt qua khó khăn trong cuộc chống lại Covid-19.

Ông Nguyễn Đình Trung, Chủ tịch Tập đoàn Hưng Thịnh, từng chia sẻ: "Dịch Covid-19 đã gây ảnh hưởng đến tất cả hoạt động sản xuất kinh doanh cuả hầu hết doanh nghiệp, trong đó có Tập đoàn Hưng Thịnh. Tuy nhiên với phương châm "vì một cộng đồng hưng thịnh", chương trình mà Tập đoàn Hưng Thịnh vừa triển khai sẽ góp phần thiết thực để cùng quý đối tác vững tâm ổn định kinh doanh trong trong giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid -19".

Sau Hưng Thịnh, Vincom Retail cũng phát đi thông báo giảm giá tiền thuê mặt bằng trung tâm thương mại trên toàn quốc cho đối tác nhằm chia sẽ khó khăn do ảnh hưởng của Covid-19.

Trong đó Vincom Retail cho biết, cụ thể sẽ kích hoạt gói 300 tỷ đồng nhằm hỗ trợ cho các đối tác thuê mặt bằng và cả việc phát hành các voucher ưu đãi, khuyến mại cho khác hàng tới mua sắm tại Vincom nhằm thu hút khách hàng, góp phần giúp việc kinh doanh của các đối tác nhộn nhịp hơn.

Vincom Retail là một thành viên của Tập đoàn Vingroup – đơn vị được biết đến là đã tài trợ rất nhiều cho công tác phòng chống dịch Covid-19 tại Việt Nam.

Mới đây nhất, hệ thống siêu thị BigC và GO – đơn vị thành viên của Central Retail tại Việt Nam cũng đã quyết định hỗ trợ các đơn vị thuê mặt bằng tại các trung tâm thương mại của mình nhằm giảm bớt gánh nặng chi phí cho các đối tác.

Ngay như hệ thống Trung tâm Thương mại Aeon cũng đã hỗ trợ giảm giá mặt bằng cho các đơn vị kinh doanh.

Nhìn đi, nhìn lại thì đó là hành động các doanh nghiệp đang "cho đi". Chắc chắn các doanh nghiệp sẽ chưa nghĩ đến những gì sẽ nhận lại từ hành động này. Tuy vậy, việc lùi lại một bước, giảm giá thuê mặt bằng để các đối tác còn "sống" cũng chính là cách để các doanh nghiệp chủ quan duy trì việc kinh doanh, dù rất khó khăn.

Mới đây nhất những người dân ở Bình Dương hết sức vui mừng, xúc động khi bà Đoàn Thùy Dương đã miễn tiền thuê phòng trong tháng 4 với mỗi phòng hơn 5,2 triệu đồng cho gần 400 người lao động đang ở trong 80 phòng trong hai dãy trọ nhà mình.

Theo thông tin từ báo Người lao động, trưa ngày 26/3 bà Dương đã gõ cửa từng phòng trọ hỏi thăm công việc, cuộc sống và báo tin miễn 2 tháng tiền thuê phòng cho người dân ở trọ.

Trong cuốn sách "người dám cho đi" có một câu rất hay "ảnh hưởng của bạn được quyết định bởi mức độ mà bạn đặt quyền lợi của người khác lên trên quyền lợi của mình".

Cũng có câu "chìa khóa của sự cho đi một cách hiệu quả chính là luôn sẵn sàng nhận lấy". Hãy cứ thử xét, nếu các doanh nghiệp chỉ vì doanh thu, mà bỏ mặc đối tác, thì chính các doanh nghiệp này cũng sẽ gặp khó khi các đối tác không thể "trụ" lại được và rời đi. Bạn sẽ nhận lại những gì bạn cho đi.

Phương Chi

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên