Từ chuyện của địa phương lo hụt ngân sách đến nỗi sợ lớn về nền kinh tế dễ "lao đao" vì những ông lớn nước ngoài
Ngân sách tỉnh Vĩnh Phúc đang đứng trước nỗi lo thất thu ngân sách vì Toyota Việt Nam ngừng sản xuất một số mẫu xe, chuyển sang nhập khẩu nguyên chiếc. Khoản hụt thu là lớn và khó lòng bù đắp được. Câu chuyện của Vĩnh Phúc chỉ là một phần nhỏ trong bức tranh của nền kinh tế, vốn đang phụ thuộc quá nhiều vào các doanh nghiệp FDI.
- 13-07-2017WB dự báo: GDP Việt Nam sẽ đạt 6,3% trong năm 2017
- 10-07-2017Điều chưa từng có trong tiền lệ thương mại Việt Nam và chuyện Việt Nam dần "thoát" Trung, dịch chuyển nguồn nhập khẩu sang Hàn Quốc
- 28-06-2017Đại chiến về giá ô tô khi xe Thái Lan, Indonesia ào ạt vào Việt Nam
- 07-06-2017Taxi đại chiến, sự hủy diệt mang tính sáng tạo hay cái giá phải trả cho sự phát triển?
Từ câu chuyện của một tỉnh…
Vĩnh Phúc là địa phương có những tập đoàn lớn của thế giới đầu tư mà có thể kể đến như Toyota hay Honda. Nguồn thu ngân sách và tăng trưởng của tỉnh phụ thuộc nhiều vào các doanh nghiệp này. Trong năm 2016, với sự đóng góp mạnh từ khu vực FDI, Vĩnh Phúc đạt kết quả tốt, tỉnh cũng là một trong mười ba tỉnh thành có đóng góp cho ngân sách trung ương.
Tuy nhiên, đến đầu tháng 7 năm nay, Vĩnh Phúc đã bày tỏ nỗi lo sẽ “thất thu ngân sách”. Cụ thể, ông Hoàng Văn Nội, Cục trưởng Cục thuế Vĩnh Phúc đã báo cáo 6 tháng đầu năm 2017, thu nội địa tỉnh Vĩnh Phúc chỉ mới đạt 38% kế hoạch. Nguyên nhân là Toyota và Honda chuyển lắp ráp ô tô ra khỏi Việt Nam.
Ông Nội cho biết thu ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm của tỉnh Vĩnh Phúc đạt hơn 11.600 tỷ đồng, mới đạt 38% so với kế hoạch năm, giảm 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, số thu từ doanh nghiệp FDI đạt 9.700 tỷ đồng, đạt 35% dự toán, giảm 19% so với cùng kỳ 2016.
Vị Cục trưởng này cũng cho hay từ lâu nay nguồn thu từ công ty Toyota Việt Nam và Honda Việt Nam chiếm tỷ trọng lớn trong số thu ngân sách của tỉnh. Tuy nhiên, trước áp lực của hàng rào thuế quan về 0% vào năm 2018, các đơn vị này đã chuyển từ sản xuất sang nhập khẩu xe nguyên chiếc từ Thái Lan, Indonesia.
Thống kê trong 6 tháng đầu năm, riêng dòng Honda Civic chuyển từ sản xuất sang nhập khẩu 1.200 xe; Toyota Fortuner (một trong số những dòng xe phổ biến nhất ở Việt Nam) cũng nhập về 7.700 xe. Trong khi đó, nếu sản xuất và lắp ráp trong nước, với mỗi xe, tỉnh thu được 300 triệu đồng.
“Điều này ảnh hưởng lớn tới thu ngân sách của tỉnh Vĩnh Phúc”, ông Hoàng Văn Nội nhấn mạnh.
Đến câu chuyện lớn hơn của một nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào FDI
Quý I/2017, GDP Việt Nam tăng trưởng thấp nhất trong vài năm gần đây khi chỉ tăng 5,21% so với cùng kỳ năm 2016. Một trong những nguyên nhân cơ bản được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và không ít chuyên gia kinh tế chỉ ra là do sự cố của Samsung Galaxy Note 7.
“Sự cố điện thoại Samsung Galaxy Note 7 nổ không ai mua, chất đầy kho, làm thiệt hại khoảng 1 tỷ USD, tương đương 0,5% GDP”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết.
Tuy nhiên, kể từ tháng 4 năm nay, hoạt động kinh doanh chính của Samsung đã phục hồi trở lại, tác động tích cực đến kinh tế Việt Nam mà như Nikkei Asian Review nhận xét “GDP Việt Nam phục hồi đà tăng trưởng khi tình hình kinh doanh của doanh nghiệp Hàn Quốc phục hồi”.
TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) đã thẳng thắn nhận xét : “Sự lên xuống của Samsung sẽ làm các chỉ số quan trọng của nền kinh tế Việt Nam biến đổi theo”.
Ví dụ như việc nhập siêu của Hàn Quốc năm nay đã vượt qua Trung Quốc, điều chưa từng có tiền lệ trong thương mại Việt Nam. Đóng vai trò không nhỏ trong câu chuyện này chính là Samsung khi 3 công ty của Tập đoàn này đặt tại Việt Nam đang dẫn đầu cả nước về tổng kim ngạch xuất nhập khẩu.
Cụ thể, công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam – Thái Nguyên với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cao nhất cả nước, đạt 14,94 tỷ USD, tăng 69,7% so với cùng kỳ năm trước; Công ty TNHH Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam có tổng kim ngạch XNK đạt 9,8 tỷ USD, tăng 16,4% so với cùng kỳ năm trước; Công ty TNHH Samsung Display có tổng kim ngạch XNK đạt 6,62 tỷ USD, gấp hơn 3 lần so với cùng kỳ năm 2016.
Samsung không chỉ là doanh nghiệp nước ngoài duy nhất mà những biến đổi của nó tác động mạnh mẽ của Việt Nam.
Công ty Toyota Việt Nam và Honda Việt Nam trong câu chuyện của Vĩnh Phúc cũng là một ví dụ. Nhìn rộng ra, với việc Toyota dừng việc lắp ráp mẫu xe Fortuner – có sản lượng bán hàng đứng thứ 2 Việt Nam khiến cho lượng xe ngoại vào Việt Nam tăng đột biến, mà như Bộ Công thương từng đánh giá việc xe ngoại “ùn ùn” vào sẽ gây áp lực nhập siêu lên nền kinh tế, mất cân đối cán cân thanh toán và bất ổn kinh tế vĩ mô.
Những công ty trên, hoặc như Vietsovpetro hay như CTCP Chăn nuôi C.P Việt Nam (lần lượt xếp vị thứ 17, 18 trong top 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam, xếp hạng của Vietnam Report 2016) đều là các doanh nghiệp FDI có doanh thu tối thiểu trên 2 tỷ USD/năm, tương đương với 1 điểm phần trăm GDP Việt Nam. Do đó, những biến động kinh doanh của các công ty này chắc chắn sẽ tác động không nhỏ đến nền kinh tế Việt Nam.
TS. Nguyễn Đức Thành trong cuộc họp gần đây đã cảnh báo các chỉ báo trong quý II/2017 đang cho thấy kinh tế Việt Nam ngày càng trở nên phụ thuộc vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Trong khi đó, khu vực kinh tế trong nước đang ngày càng trở nên yếu thế hơn, đặc biệt trong bối cảnh quá trình hội nhập quốc tế đang được mở rộng. Như vậy, trong tương lai gần, Việt Nam cần phải có những biện pháp để có thể thúc đẩy được kinh tế trong nước, để có thể giảm dần sự phụ thuộc vào khu vực FDI.