MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Từ 'con gà đẻ trứng vàng' nay biến thành 'vũng lầy': Nhà đầu tư ngoại đang ôm tiền tháo chạy khỏi Trung Quốc

19-04-2022 - 11:04 AM | Tài chính quốc tế

Từ 'con gà đẻ trứng vàng' nay biến thành 'vũng lầy': Nhà đầu tư ngoại đang ôm tiền tháo chạy khỏi Trung Quốc

Mối quan hệ giữa Trung Quốc và Nga đang khiến nhà đầu tư trở nên lo ngại. Ngoài ra, việc quốc gia này quyết tâm theo đuổi chiến lược zero Covid và những chiến dịch khó đoán nhằm điều chỉnh nhiều ngành đang khiến nhà đầu tư thêm phần hoang mang.

Đối diện với nhiều rủi ro, một số nhà đầu tư quốc tế đang tái phân bổ danh mục ở Trung Quốc. Dòng tiền chảy ra từ cổ phiếu, trái phiếu và quỹ tương hỗ của quốc gia này đã tăng nhanh chóng sau khi mâu thuẫn Nga – Ukraine xảy ra. Trong đó, quỹ đầu tư quốc gia của Na Uy trị giá 1,3 nghìn tỷ USD đã loại bỏ cổ phiếu một hãng sản xuất đồ may mặc thể thao lớn của Trung Quốc do lo ngại về vấn đề vi phạm nhân quyền. 

Dòng vốn tháo chạy trước những mối rủi ro ngày càng gia tăng

Các quỹ đầu tư tư nhân của Mỹ đầu tư vào Trung Quốc chỉ huy động được 1,4 tỷ USD trong quý I – con số thấp nhất kể từ năm 2018. Hôm 18/4, số liệu kinh tế mới công bố của Trung Quốc đã khiến giới phân tích đặt ra câu hỏi khi tích cực hơn dự báo. Một số người chỉ ra những chi tiết không nhất quán với số liệu thống kê – vốn cho thấy nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới sẽ rơi vào cảnh "u tối" hơn.

Theo Simon Edelsten – đến từ công ty đầu tư Artemis Investment Management LLP của Anh, quy mô và tốc độ của các lệnh trừng phạt áp đặt với Nga đã khiến họ suy nghĩ lại về thái độ của phương Tây với Trung Quốc. Công ty của ông hiện đang quản lý 37 tỷ USD và đã bán toàn bộ khoản đầu tư vào Trung Quốc hồi năm ngoái, sau khi Bắc Kinh can thiệp sâu vào các đợt niêm yết lớn như của Didi và Ant. Họ cho rằng những động thái như vậy ảnh hưởng lớn đến quyền của cổ đông.

Edelsten nói: "Nhà đầu tư nên thận trọng với các yếu tố chính trị và quản trị, đặc biệt là những cam kết dài hạn với Trung Quốc. Ngoài ra, các biện pháp trừng phạt của châu Âu với Nga cho thấy mối quan hệ thương mại bền chặt cũng không thể đảm bảo an ninh ngoại giao. Xung đột tại Ukraine làm căng thẳng thêm các yếu tố trên và quỹ của chúng tôi ít có khả năng tăng vốn đầu tư vào Trung Quốc trong một số năm tới."

Brendan Ahern – CIO của Krane Funds Advisors LLC, cho biết Trung Quốc đã chứng kiến việc nhà đầu tư ngoại bán tháo cổ phiếu trong hoảng loạn và không quan tâm đến giá trong năm vừa qua. Ông nói, những động thái về quy định của Bắc Kinh giống như "cuộc tấn công nhắm đến những doanh nghiệp được nhà đầu tư nước ngoài ưa thích và tôn trọng". Ngoài ra, các lệnh trừng phạt với Nga cũng làm nhà đầu tư lo ngại điều tương tự có thể xảy ra với Trung Quốc.

Theo đó, việc kiếm tiền trên thị trường vốn của Trung Quốc đã trở nên khó khăn hơn. CSI 300 đã giảm khoảng 15% từ đầu năm đến nay và tỷ lệ Sharpe đang nằm trong top thấp nhất thế giới với mức -2,1. Con số này chỉ cao hơn chỉ số Colombo All-Share của Sri Lanka một chút. CSI 300 còn đang giao dịch ở mức gần thấp nhất kể từ năm 2014 so với MSCI.

Từ con gà đẻ trứng vàng nay biến thành vũng lầy: Nhà đầu tư ngoại đang ôm tiền tháo chạy khỏi Trung Quốc  - Ảnh 1.

Lần đầu tiên kể từ năm 2010, trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 của Trung Quốc không có lợi nhuận, ngược lại với trái phiếu kho bạc Mỹ. Hơn nữa, lợi nhuận trên thị trường trái phiếu USD lợi suất cao lại mức thấp nhất trong ít nhất 1 thập kỷ qua vào quý trước.

Trong tháng 3, các quỹ đầu tư toàn cầu đã bắt đầu rút vốn, bán hơn 7 tỷ USD cổ phiếu đại lục niêm yết thông qua chương trình liên kết với Hồng Kông. Ngoài ra, họ cũng bán ra 14 tỷ USD trái phiếu chính phủ Trung Quốc trong 2 tháng qua và giảm tỷ lệ nắm giữ. Theo Bank of America, đặt cược ngược lại với Trung Quốc đang là giao dịch "nhộn nhịp" thứ 5 trong danh sách được khảo sát.

Nhà đầu tư còn tìm thấy cơ hội ở Trung Quốc?

Dẫu vậy, thoái vốn khỏi thị trường Trung Quốc có thể không phải là một lựa chọn đơn giản. Nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới sở hữu thị trường trái phiếu trị giá 21 nghìn tỷ USD và thị trường chứng khoán trong nước và cả Hồng Kông trị giá 16,4 nghìn tỷ USD.

Joevin Teo – trưởng bộ phận đầu tư của Amundi Singapore, cho biết nhà đầu tư có nhiều cơ hội đa dạng hóa đối với thị trường Trung Quốc, trong khi đó các chiến lược đa tài sản đang chật vật với nguy cơ lạm phát và điều kiện tài chính bị thắt chặt trên toàn cầu. Một số còn gọi các loại tài sản của Trung Quốc là "hầm trú ẩn."

Từ con gà đẻ trứng vàng nay biến thành vũng lầy: Nhà đầu tư ngoại đang ôm tiền tháo chạy khỏi Trung Quốc  - Ảnh 2.

Lin Jing Leong – nhà phân tích cấp cao về thị trường mới nổi châu Á tại Columbia Threadneedle Investments, nhận định: "Trung Quốc là một trong những thị trường có nhiều cơ hội đa dạng hóa tốt nhất với các quỹ toàn cầu. Việc ai làm chủ thị trường, chu kỳ tăng trưởng và áp lực giảm phát, rổ tiền tệ của nước này ít biến động đều mang lại lợi nhuận được điều chỉnh theo rủi ro tốt hơn."

Hiện tại, giới chức Trung Quốc có thể đang thực hiện những bước nhằm thu hút các quỹ toàn cầu. Tháng trước, các cơ quan quản lý đã đảm bảo rằng sẽ đảm bảo chính sách luôn minh bạch và không có những thay đổi bất ngờ. Đây là điểm mấu chốt, quan trọng với nhà đầu tư đã mất hàng tỷ USD vào năm 2021 sau cuộc trấn áp quy định với các công ty công nghệ và dạy kèm. Ngoài ra, Trung Quốc cũng đang thảo luận một số biện pháp có thể cho phép các cơ quan quản lý Mỹ tiếp cận với giấy tờ kiểm toán của các doanh nghiệp được niêm yết tại đó.

Trong khi một số "ông lớn" của Phố Wall như JPMorgan và Goldman Sachs đang gấp rút để có quyền sở hữu hoàn toàn các dự án tại Trung Quốc, thì một số lại đang rời đi.

Hồi tháng 3, Fraport AG của Đức đã bán cổ phần trong Sân bay Xi’an cho một nhà đầu tư Trung Quốc, kết thúc 14 năm kinh doanh tại Trung Quốc. Doanh nghiệp vận hành sân bay cho biết họ quyết định rút khỏi thị trường Trung Quốc sau khi gặp khó khăn trong việc mở rộng hoạt động kinh doanh. Fraport còn sở hữu cổ phần của sân bay St. Petersburg ở Nga nhưng hiện không thể bán ra.

Một số khác đang chuẩn bị tinh thần cho việc Trung Quốc tác rời khỏi phương Tây. Startup xe tự lái TuSimple đang cân nhắc chuyển các hoạt động tại Trung Quốc thành một thực thể riêng. Kế hoạch được đưa ra vì mối lo ngại của chính quyền Mỹ về khả năng Bắc Kinh sẽ truy cập vào dữ liệu của họ. Hãng dầu mỏ Cnooc cũng có thể sẽ rút khỏi Anh, Canada và Mỹ vì lo ngại các tài sản của họ có thể bị trừng phạt.

Trong khi đó, một số chuyên gia đầu tư giấu tên cho biết, các quỹ đầu tư tư nhân của Mỹ ở Hồng Kông vốn theo đuổi chiến lược tìm kiếm "món hời" cũng không còn mặn mà như trước, dù giá hiện tại đã thấp hơn nhiều.

Tham khảo Bloomberg

https://cafef.vn/tu-con-ga-de-trung-vang-nay-bien-thanh-vung-lay-nha-dau-tu-ngoai-dang-om-tien-thao-chay-khoi-trung-quoc-20220419102435669.chn

Chi Lan

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên