MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Từ công ty thiếu tiền, phải thiết kế logo bằng phông chữ Microsoft Word đến chuỗi sushi 20 triệu USD: Nhân viên là 'ông chủ' quan trọng nhất!

12-11-2019 - 13:47 PM | Tài chính quốc tế

Abe Ng mở nhà hàng Sushi Maki đầu tiên vào mùa hè năm 2000 và kiếm được gần 1 triệu USD doanh thu. Sau đó, ông đã mở thêm 20 địa điểm trên khắp Nam Florida. Hiện chuỗi sushi này có hơn 250 nhân viên và kiếm được hơn 20 triệu USD trong năm nay.

Khi mở cửa hàng sushi nhượng quyền ở Miami cách đây 19 năm, Abe Ng biết rằng đây là một thương vụ mạo hiểm. Thời điểm đó, ẩm thực Nhật Bản vẫn chưa được khai thác ở khu vực Nam Florida và Abe không chắc liệu việc kinh doanh có diễn ra suôn sẻ. Trước đó, ông từng trải qua thất bại năm 1997 sau khi chuỗi burrito (món ăn truyền thống của Mexico) của ông phải đóng cửa sau chưa đầy 3 năm hoạt động. Đối với Abe, đó là thất bại lớn nhất trong sự nghiệp.

Vì đã ký hợp đồng thuê cửa hàng nên khi chuỗi burrito đóng cửa, Abe phải xem xét xem loại nhà hàng nào có khả năng thành công cao trong khu vực. Ông nhận thấy burrito đã bão hòa với ẩm thực Mexico và Tây Ban Nha ở Miami nhưng sushi lại khác!

Tuy vẫn sợ thất bại như lần trước nhưng Abe không còn lựa chọn nào ngoài việc đi trước thị trường để lấp đầy nhà hàng mà ông đã thuê. Chi phí dành cho thương hiệu mới eo hẹp đến nỗi Abe không có tiền thuê thiết kế và logo đầu tiên của công ty được tạo ra từ phông chữ trong Microsoft Word.

Abe mở nhà hàng Sushi Maki đầu tiên vào mùa hè năm 2000 và kiếm được gần 1 triệu USD doanh thu. Sau đó, ông đã mở thêm 20 địa điểm trên khắp Nam Florida. Hiện chuỗi sushi này có hơn 250 nhân viên và kiếm được hơn 20 triệu USD trong năm nay.

Từ công ty thiếu tiền, phải thiết kế logo bằng phông chữ Microsoft Word đến chuỗi sushi 20 triệu USD: Nhân viên là ông chủ quan trọng nhất! - Ảnh 1.

Abe Ng và cha của mình, ông Alllan Ng.

Abe và công ty của ông đã nhận được nhiều giải thưởng kinh doanh uy tín. Mới đây, trong một buổi phỏng vấn với Business Insider, ông chủ của Sushi Maki đã chia sẻ câu chuyện đi lên từ thất bại để trở thành một trong những chuỗi sushi nổi tiếng nhất Miami của mình.

Xác định thị trường

Miami không có quá nhiều người châu Á, vì vậy, điều đó đồng nghĩa với việc thành phố này không có nhiều nhà hàng sushi trong những năm 90. Theo một báo cáo điều tra, dân số châu Á ở đây chưa đến 1% vào năm 2000. Theo Abe, lúc đó có nhiều lựa chọn ẩm thực ở Miami, trừ sushi.

Abe nhận thấy mọi người có xu hướng quan tâm đến loại đồ ăn mới, mang tính dân tộc và có lợi cho sức khỏe. Miami khi đó là nơi có nền kinh tế mạnh mẽ, ổn định, được mệnh danh là "cửa ngõ vào nước Mỹ". Ẩm thực Latin và văn hóa Cuba mạnh mẽ đã khiến thành phố này trở thành điểm đến du lịch hàng đầu.

Nhà hàng của Abe cũng hưởng lợi phần nào từ lợi thế đó. Nhờ sử dụng nguyên liệu chất lượng cao, phục vụ tốt và đem lại trải nghiệm ăn uống hợp thời, Sushi Maki đã thu hút được một lượng đáng kể khách hàng. Mùa đông năm 2000, Abe mở nhà hàng thứ 2 ở Coral Gables và sau đó là hàng loạt địa điểm khác.

Từ công ty thiếu tiền, phải thiết kế logo bằng phông chữ Microsoft Word đến chuỗi sushi 20 triệu USD: Nhân viên là ông chủ quan trọng nhất! - Ảnh 2.

Abe Ng chụp ảnh cùng nhân viên chế biến sushi.

Abe cho biết Sushi Maki là đơn vị đầu tiên phục vụ trà sữa trân châu ở Miami. Sau một chuyến đi đến Los Angeles và thấy nơi đây nhan nhản loại đồ uống này, Abe đã quyết định giới thiệu đến thực khách ở Miami.

Hợp tác và chuyên nghiệp hóa

Bước đột phá lớn đầu tiên của Sushi Maki là khi một khách sạn đặt hàng sushi số lượng lớn năm 2002. Vì đây là một trong những nhà hàng sushi duy nhất ở Miami, cùng sự nổi tiếng của họ trong cộng đồng, các nhà tổ chức sự kiện và khách sạn khác bắt đầu hợp tác với Sushi Maki.

Abe chia sẻ: "Bất cứ khi nào có người gọi điện đặt hàng, tôi sẽ lập tức tạo hóa đơn và gửi email để xác nhận. Khi chuyên nghiệp hóa, việc kinh doanh của bạn sẽ tăng vọt".

Từ công ty thiếu tiền, phải thiết kế logo bằng phông chữ Microsoft Word đến chuỗi sushi 20 triệu USD: Nhân viên là ông chủ quan trọng nhất! - Ảnh 3.

Một gian hàng của Sushi Maki tại Whole Foods.

Ngoài các nhà hàng đang hoạt động tốt, Abe còn nhận ra một cơ hội kinh doanh khác từ siêu thị. Sau khi nhận thấy nhiều người tiêu thụ thực phẩm chế biến sẵn, ông tìm cách đưa sản phẩm sushi của mình vào siêu thị. Cuối cùng, ông đạt được thỏa thuận với chuỗi cung ứng sản phẩm hữu cơ nổi tiếng Whole Foods để mở gian hàng Sushi Maki tại mọi địa điểm của siêu thị này ở thị trường Nam Florida. Theo quan điểm của Abe, để thành công, chúng ta phải tích cực hợp tác.

Có lo ngại rằng các ứng dụng giao đồ ăn có thể gây ra "ngày tận thế" của nhà hàng. Tuy nhiên, Abe cho biết chính những ứng dụng đó đã giúp Sushi Maki tăng doanh số. Ngoài ra, để đảm bảo nhà hàng của mình không bị nhấn chìm bởi xu hướng công nghệ, ông đã tạo ra trải nghiệm ăn uống đáng nhớ cho thực khách – điều mà họ sẽ bỏ lỡ nếu dùng dịch vụ giao hàng. Sushi Maki có phòng ăn riêng cho sự kiện kỷ niệm và tổ chức các buổi học dùng đũa cho mọi người.

Phong cách lãnh đạo thân thiện, đặt nhân viên lên hàng đầu

Hàng quý, Sushi Maki sẽ đóng cửa vào một ngày trong tuần để tổ chức một buổi tụ tập ấm cúng cho hơn 250 nhân viên. Tại đây, nhân viên được thư giãn, tham gia vào nhiều hoạt động có ý nghĩa và giành giải thưởng tiền mặt. Có thể nói, đó là một sự kiện quan trọng giúp tăng cường tình đoàn kết và khiến nhân viên công ty cảm thấy là một phần của đại gia đình Sushi Maki.

Từ công ty thiếu tiền, phải thiết kế logo bằng phông chữ Microsoft Word đến chuỗi sushi 20 triệu USD: Nhân viên là ông chủ quan trọng nhất! - Ảnh 4.

Abe Ng (giữa) trong một sự kiện dành cho nhân viên Sushi Maki.

Đây cũng là dịp để Abe thưởng cho những nhân viên chăm chỉ. Ông cho biết công ty mất hơn 50.000 USD doanh thu trong thời gian các nhà hàng đóng cửa nhưng điều quan trọng là việc tổ chức sự kiện vào ngày trong tuần thay vì cuối tuần để nhân viên có thời gian ở bên người thân.

Abe giãi bày: "Luôn kéo nhân viên về phía bạn và khiến họ tin tưởng bạn. Hãy đặt lợi ích của họ lên hàng đầu. Con trai tôi nói rằng khách hàng có thể luôn đúng nhưng nhân viên mới là ‘ông chủ’ quan trọng nhất".

Theo Gia Vũ

Trí thức trẻ

Trở lên trên