Tự doanh đang tích cực mua ròng cổ phiếu ngân hàng nào?
Trong thời gian 17/5 - 20/5, khối tự doanh đã thực hiện mua ròng tại nhiều cổ phiếu ngân hàng như STB (16,7 tỷ đồng), VIB (8,4 tỷ đồng), MSB (5,6 tỷ đồng), SSB (1,3 tỷ đồng), LPB (1,1 tỷ đồng),…
Bắt đầu từ 17/5, Sở giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE) đã công bố trở lại dữ liệu giao dịch tự doanh của các công ty chứng khoán (CTCK). Trong khi đó, HNX chưa từng công bố dữ liệu này.
Theo đó, tính từ phiên 17/5 đến hết 20/5, khối tự doanh mua vào 38,8 triệu cổ phiếu trên HoSE, trị giá 1.334 tỷ đồng, trong khi bán ra 45 triệu cổ phiếu, trị giá 1.928 tỷ đồng. Tổng khối lượng bán ròng ở mức 6,2 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị bán ròng là 604 tỷ đồng, trong đó có 731 tỷ đồng đến từ giao dịch khớp lệnh.
Tại nhóm ngân hàng, khối tự doanh đã thực hiện mua ròng tại một loạt cổ phiếu như: STB (16,7 tỷ đồng), VIB (8,4 tỷ đồng), MSB (5,6 tỷ đồng), SSB (1,3 tỷ đồng), LPB (1,1 tỷ đồng),…
Tự doanh là hoạt động giao dịch mua, bán chứng khoán cho chính mình của các công ty chứng khoán. Do đó, giao dịch tự doanh luôn được nhiều nhà đầu tư theo dõi đặc biệt trong bối cảnh thị trường đã giảm khá sâu kể từ đầu năm.
Trước đó, nhiều chuyên gia phân tích của các công ty chứng khoán đã đưa ra quan điểm tích cực về nhóm cổ phiếu ngân hàng.
Trong báo cáo triển vọng ngành ngân hàng quý II/2022, CTCP Chứng khoán BIDV (BSC) cho rằng ngành ngân hàng đang có mức định giá hấp dẫn so với mức tăng trưởng lợi nhuận, cùng nhiều yếu tố hỗ trợ có thể diễn ra sẽ giúp các cổ phiếu ngành ngân hàng tăng trưởng vượt trội hơn so với mặt bằng chung của VN-Index.
Còn theo ông Hoàng Công Tuấn - Kinh tế trưởng của Chứng khoán MB (MBS), việc các cổ phiếu ngân hàng giảm giá mạnh trong thời gian gần đây là do các áp lực từ phía thị trường, không phải do nhóm này yếu hơn so với mặt bằng chung.
Minh chứng rõ ràng nhất là nhiều phiên trước, nhóm cổ phiếu ngân hàng đã nắm giữ vai trò níu giữ chỉ số và giao dịch nhóm này cũng có phần tích cực hơn so với tổng thể. Vì thế, cổ phiếu ngân hàng không phải là nguyên nhân làm VN-Index sụt giảm, mà ngược lại thị trường chung mới là nhân tố ảnh hưởng đến nhóm cổ phiếu này.
Chuyên gia của MBS cũng cho rằng, sau những lần điều chỉnh như vậy, cơ hội cũng sẽ được mở ra cho những mã cổ phiếu tốt. Mặt khác, điều này cũng sẽ khiến cho việc thu hút dòng tiền của các mã cổ phiếu không có yếu tố cơ bản hỗ trợ có phần khó khăn hơn.
''Thời điểm này không phải là thời điểm để nhà đầu tư tiếp tục bán tháo cổ phiếu. Vì hiện tại đã có những mã cổ phiếu được chiết khấu ở mức rất rẻ. Nhiều mã thậm chí còn về dưới mức giá năm 2021'', ông Tuấn nói.
Riêng với những mã ngân hàng được khối tự doanh mua ròng mạnh tuần qua, giới phân tích của các công ty chứng khoán cũng có nhận định tích cực trong vòng 1-2 tháng qua.
Theo VnDirect, với lợi thế tập trung vào các sản phẩm cho vay bán lẻ, VIB sẽ có khả năng để khai thác tốt nhu cầu cho vay bán lẻ đang gia tăng mạnh mẽ trong 2 năm tới. VnDirect kỳ vọng VIB sẽ tăng trưởng tín dụng ổn định trên 20% trong giai đoạn 2022-2023.
Trong báo cáo triển vọng ngành ngân hàng, Chứng khoán Mirae Asset (MAS) cũng đưa VIB vào danh sách 6 cổ phiếu ngân hàng đáng chú ý trong năm nay bên cạnh TCB, VPB, VCB, BID và CTG.
Theo nhóm phân tích, VIB sẽ là cổ phiếu tăng trưởng trong giai đoạn 2022–2023 nhờ duy trì được tỷ lệ sinh lời trên vốn chủ (ROE) cao nhất ngành với mức 29,4%. Mirae Asset dự báo lợi nhuận trước thuế VIB năm 2022 sẽ đạt trên 10.530 tỷ, tăng hơn 31% so với năm trước; tổng tài sản tăng hơn 19%, lên hơn 370.233 tỷ.
Mới đây ngân hàng này đã chốt danh sách cổ đông hưởng quyền nhận cổ phiếu thưởng, tỷ lệ 35% vào ngày 16/5. Đây là ngân hàng đầu tiên triển khai việc chia thưởng cho cổ đông trong năm nay.
Nhịp sống kinh tế