MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Từ đống đổ nát đến "kỳ tích kinh tế" ngoạn mục nhất thế kỷ 20, Nhật Bản đã làm những gì?

14-11-2022 - 16:19 PM | Tài chính quốc tế

Từ đống đổ nát đến "kỳ tích kinh tế" ngoạn mục nhất thế kỷ 20, Nhật Bản đã làm những gì?

Chỉ trong vòng 23 năm, Nhật Bản đã vươn lên trở thành nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới, vượt qua những người khổng lồ như Pháp, Đức và Vương quốc Anh.

Nhà kinh tế học người Philippines Andrew J. Masigan đã phân tích về "phép màu kinh tế" của Nhật Bản sau thất bại trong Thế chiến II. Sau đây là nội dung lược dịch từ bài viết của ông trên trang Business World.

---

Ngày 9/8/1945, một quả bom plutonium tàn phá thành phố Nagasaki chỉ 3 ngày sau khi thành phố Hiroshima hứng chịu quả bom Urani của Mỹ. Phát xít Nhật đầu hàng, Thế chiến II chấm dứt, và những gì còn lại ở Nhật là đống đổ nát sau chiến tranh.

Các vụ đánh bom khiến sản xuất lương thực bị gián đoạn và người dân phải sống trong cảnh đói kém. Nền kinh tế Nhật vốn có động lực là sản xuất vật tư phục vụ chiến tranh đã bị đình trệ đáng kể khi sản xuất công nghiệp giảm 90%. Thu nhập bình quân đầu người giảm mạnh 47%.

Vào thời điểm đó, tỉ lệ nghèo đói của Nhật Bản ở mức cao nhất mọi thời đại, và đến cả những thứ đồ thiết yếu thì chính phủ nước này vẫn khó có thể cung cấp cho người dân. Việc tái thiết nền kinh tế là một thách thức khi Nhật Bản có ít dân số (tệ hơn nữa là họ còn thiếu đàn ông trưởng thành, do thương vong trong thời chiến), thiếu tiền và tài nguyên thiên nhiên.

Tuy nhiên, chỉ trong vòng 23 năm, Nhật Bản đã vươn lên trở thành nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới, vượt qua những người khổng lồ như Pháp, Đức và Vương quốc Anh. Không nghi ngờ gì nữa, Nhật Bản là "kỳ tích kinh tế" ngoạn mục nhất thế kỷ 20. Vậy họ đã làm điều đó như thế nào?

Từ đống đổ nát đến kỳ tích kinh tế ngoạn mục nhất thế kỷ 20, Nhật Bản đã làm những gì? - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Lý do Nhật Bản làm nên "kỳ tích"

Sau thất bại vào năm 1945, Nhật Bản không còn lựa chọn nào khác ngoài việc đồng ý với các điều khoản cứng rắn để đổi lấy viện trợ tái thiết của Mỹ. Từ năm 1946 đến năm 1952, Nhật Bản đã nhận được khoảng 2,2 tỷ USD, trong đó bao gồm gần 1,7 tỷ USD là viện trợ không hoàn lại và 504 triệu USD Mỹ cho vay.

Đổi lại, Nhật Bản là đồng minh của Mỹ và là một phần quan trọng trong chính sách đối ngoại của Washington đối với khu vực châu Á. Nhật Bản cam kết không thành lập lực lượng quân đội để tiến hành chiến tranh với bất kỳ quốc gia nào khác, và cũng sẽ không tích trữ vũ khí hủy diệt hàng loạt. Thay vào đó, lực lượng vũ trang của họ sẽ tập trung vào an ninh trong nước.

Nhật Bản đã sử dụng nguồn quỹ tái thiết một cách khôn ngoan. Một phần lớn trong số tiền này được đầu tư vào xây dựng các nhà máy thép, nhà máy hóa dầu, phòng thí nghiệm hóa học, xưởng máy, nhà máy điện cũng như nhà máy sản xuất thủy tinh và thấu kính. Nói cách khác, Nhật Bản lựa chọn con đường phát triển các ngành công nghiệp cơ bản thay vì công nghiệp hóa nhanh chóng.

Các công ty như Thép Nippon, Hitachi và Công nghiệp nặng Mitsubishi đã được ký hợp đồng thuê mới với sự hỗ trợ của chính phủ.

Tuy nhiên, yếu tố thực sự thay đổi cuộc chơi là việc chính phủ tuyên bố trước toàn dân về mục tiêu của mình, và nhận được sự ủng hộ của dư luận toàn quốc. Nhật Bản đã vươn lên từ thất bại để trở thành một siêu cường công nghiệp. Nhật Bản sẽ khôi phục danh dự của mình, không phải bằng sức mạnh quân sự, mà là bằng uy thế trong lĩnh vực kinh tế. Đây là tầm nhìn quốc gia được củng cố trong tâm trí của dư luận, những người sẽ góp phần hiện thực hóa mục tiêu này.

Để làm được điều đó, công dân cần có một mức độ kỷ luật xã hội cao hơn. Các nhà lãnh đạo, cả trong chính phủ và thành phân tư nhân đều phải có tinh thần đạo đức cao. Các công ty được khuyến khích hợp tác hơn là cạnh tranh. Các ngân hàng được giao nhiệm vụ hỗ trợ thay vì chiếm đoạt. Lực lượng lao động được kỳ vọng không chỉ hoàn thành, mà còn vượt qua cả nhiệm vụ được giao. Chính những điều này đã tạo nên văn hóa "lợi ích tập thể" của Nhật Bản.

Chính phủ Nhật Bản đã chủ động cắt giảm 90% chi tiêu quân sự và dành khoản tiền này cho giáo dục, mà cụ thể là tập trung vào các ngành STEM (Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học), những lĩnh vực sẽ phục vụ cho ngành công nghiệp của nước nhà trong tương lai.

Từ đống đổ nát đến kỳ tích kinh tế ngoạn mục nhất thế kỷ 20, Nhật Bản đã làm những gì? - Ảnh 2.

Ví dụ về mô hình Keiretsu

"Keiretsu" và văn hóa "lợi ích tập thể" của Nhật Bản

Người Nhật cũng đã phân tích những điểm yếu trong mô hình công nghiệp của phương Tây và sử dụng những điểm yếu này làm lợi thế của họ. Một trong những điểm yếu đó là cách thức cấu trúc các chuỗi cung ứng công nghiệp kiểu phương Tây.

Ở Mỹ và Châu Âu, một chuỗi cung ứng sẽ phụ thuộc vào một nhà sản xuất chính, chẳng hạn Ford Motor Co. Ford sẽ mua các bộ phận và linh kiện của mình từ nhiều nhà cung cấp, và mỗi nhà cung cấp lại có các nhà thầu phụ của riêng họ. Các nhà thầu phụ sẽ phụ thuộc vào một loạt các nhà cung cấp nguyên liệu thô.

Mối quan hệ giữa mỗi đơn vị trong chuỗi cung ứng dựa trên các hợp đồng mua bán ngắn hạn. Những hợp đồng này thường có hiệu lực trong một năm - nhưng cũng có những trường hợp ký hợp đồng ngắn hạn chỉ 30 ngày.

Nếu bất kỳ đơn vị nào trong chuỗi cung ứng gặp phải những cú sốc, chẳng hạn như chi phí tăng đột biến, hỏa hoạn hoặc người lao động đình công, họ vẫn phải bán sản phẩm của mình theo mức giá quy định trong hợp đồng, ngay cả khi bị thua lỗ. Nếu họ không thể bán hàng, Ford, hoặc bất kỳ đơn vị nào khác trong chuỗi cung ứng, chỉ cần loại bỏ và ký hợp đồng với một nhà cung cấp thay thế.

Mô hình của phương Tây dựa trên nguyên tắc công bằng về sự sống sót của những đơn vị khỏe nhất trong số các đơn vị độc lập. Có rất ít "cửa" hợp tác. Mỗi đơn vị đều hoạt động vì lợi nhuận trước mắt, chứ không phải vì mục tiêu lâu dài.

Dựa trên điểm yếu của phương Tây, Nhật Bản đã thiết kế một hệ sinh thái công nghiệp nhằm thúc đẩy tăng trưởng thông qua hợp tác. Hệ sinh thái này có tên là "Keiretsu" .

Keiretsu là một mạng lưới các công ty liên kết với nhau tạo thành các liên minh mạnh mẽ, và các thành viên của liên minh sở hữu một lượng nhỏ cổ phần của nhau để củng cố liên minh của họ. Do đó, thành công hoặc thất bại sẽ là của cả liên minh, chứ không phải là của riêng ai. Trung tâm của Keiretsu thường là một ngân hàng, đóng vai trò là nhà tài chính của liên minh.

Thay vì các hợp đồng mua bán ngắn hạn, các thành viên của Keiretsu ký kết hợp đồng dài hạn đến 25 năm. Tính chất dài hạn của các hợp đồng bảo vệ các thành viên khỏi những cú sốc kinh doanh. Các ngân hàng trong Keiretsu cung cấp tài chính để hỗ trợ các thành viên trong trường hợp kinh doanh sa sút, và ngân hàng cũng cho thành viên vay ưu đãi để mở rộng.

Có 2 mô hình Keiretsu: ngang và dọc. Mô hình Keiretsu ngang bao gồm các công ty lớn độc lập thuộc các lĩnh vực công nghiệp khác nhau. Thông thường, một ngân hàng và/hoặc một công ty thương mại có ảnh hưởng về mặt ra quyết định và định hướng chiến lược tổng thể.

Một ví dụ cho mô hình Keiretsu ngang là Mitsubishi, với trung tâm tài chính là Ngân hàng Tokyo. Các thành viên khác trong nhóm là Mitsubishi Motors, Meiji Mutual Life Insurance, và Mitsubishi Shoji Trading Company, và các thành viên khác.

Mô hình Keiretsu dọc do một thực thể lớn dẫn đầu, và cũng là đầu ra cuối cùng của các sản phẩm trong chuỗi cung ứng. Các ví dụ về mô hình Keiretsu dọc thường thấy trong các ngành công nghiệp ô tô và điện tử như Mazda và Sony.

Lợi thế cạnh tranh của mô hình Keiretsu rất lớn. Do tính chất dài hạn của hợp đồng mua bán, các thành viên có thể đầu tư vào nghiên cứu và phát triển, và các tiến bộ kỹ thuật được chia sẻ với tất cả các thành viên của một Keiretsu.

Hợp tác là trọng tâm của mọi Keiretsu. Nhờ việc chia sẻ tài nguyên, các thành viên của một Keiretsu có thể tối đa hóa lợi nhuận. Những khoản lợi nhuận này được tái đầu tư vào nghiên cứu, phát triển sản phẩm và phúc lợi cho nhân viên.

Mỗi thành viên của Keiretsu dựa trên chuyên môn của thành viên khác để phát triển, do đó, tăng trưởng được đẩy nhanh, doanh thu kép và thị phần mở rộng.

Các Keiretsu duy trì quan điểm kinh doanh lâu dài. Họ đầu tư vào việc chinh phục các thị trường mới và các phân khúc sản phẩm mới ngay cả khi làm điều đó khiến phải chịu lỗ ban đầu.

Sự hình thành của Keiretsu là cách Nhật Bản vươn lên trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới chỉ sau 23 năm.

Mời quý độc giả đón đọc phần 2: Cách Nhật Bản vươn xa hơn, và sau đó là khó khăn vì giảm phát và kinh tế trì trệ ra sao?


Theo Hồng Anh

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên