MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tư duy khác của Phó Thủ tướng và chuyện du lịch ở chiếu trên

Cảnh đẹp Việt Nam, tiềm năng du lịch Việt Nam không thua kém gì thế giới, song chính tư duy và lối mòn cũ đang khiến ngành du lịch khó trở thành mũi nhọn của nền kinh tế.

Đó là quan điểm được ông Phạm Hà, nhà sáng lập và giám đốc điều hành Luxury Travel, đưa ra khi trao đổi với chúng tôi về chỉ đạo phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đến năm 2020 của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ.

Thưa ông, trong cuộc họp mới đây của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ với các bộ, ngành liên quan về phát triển du lịch, Phó Thủ tướng đã đặt ra mục tiêu xây dựng du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đến năm 2020. Du lịch hiện nay chiếm 7% GDP, có nhiều tiềm năng phát triển nhưng liệu bây giờ chúng ta mới xây dựng đề án và đặt mục tiêu phát triển như vậy, có muộn quá không?

Chưa bao giời là quá muộn để thay đổi, quan trọng là có muốn hay không thôi. Chúng ta dùng mỹ từ mũi nhọn từ bao năm nay mà hiện nay nó vẫn tù và tù túng thực sự. Theo tôi phải gấp rút thay đổi, có ngay Bộ du lịch, xác định rõ du lịch là một ngành kinh tế, một ngành công nghiệp không khói quan trọng của đất nước.

Với tài nguyên du lịch giầu có nhất thế giới và ẩm thực hảo hạng, Việt Nam phải ở chiếu trên các nước trong khu vực và điểm đến hàng đầu đầu châu Á, đóng góp cho GDP từ 10% trở lên. Hãy học Thái Lan làm du lịch chuyên nghiệp, quản lý đồng bộ rất văn minh, bền vững và thu được đến đồng tiền cuối cùng mà khách vẫn vui.

Phó Thủ tướng cho rằng cần phải thay đổi tư duy ngành du lịch, từ ngành chỉ phục vụ vui chơi giải trí sang tư duy kinh tế trong quản lý và vận hành. Ông nghĩ sao về quan điểm này?

Trong rất nhiều hội thảo du lịch từ 10 năm nay, tôi đều nêu quan điểm phải coi du lịch là một ngành công nghiệp, tổng hợp, đặc thù, nên tôi hoàn toàn đồng ý với quan điểm của Phó Thủ tướng, Chính phủ đã chú trọng phát triển du lịch là ngành mũi nhọn, tạo điều kiện thuận lợi và có chính sách phù hợp.

Du lịch cũng như những ngành kinh tế khác cần tuân theo nguyên tắc kinh tế thị trường nên chịu sự chi phối của quy luật cung cầu, sự cạnh tranh và cần có sự chuyên môn hóa trong quản lý lao động. Để mang lại doanh thu từ du lịch vì thế cần sự đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng giao thông, và liên kết giữa các vùng, cảng biển....

Việc chỉ ra những yếu kém của ngành du lịch, như thiếu tính năng động trong phục vụ, chỉ nặng tính bao cấp, chưa xem du lịch là ngành kinh tế đang là nút thắt khiến cho ngành kém phát triển. Theo ông đây có phải là những lý do khiến cho du lịch Việt Nam ngày càng tụt hậu so với các nước, đặc biệt trong khu vực?

Xét cho cùng cũng là do định hướng mà ra thôi, nên cần mở nút thắt này. Việt Nam cảnh đẹp gì cũng không kém thế giới, chỉ kém “con người”, và tư duy làm du lịch. Cần nhìn nhận vào sự thật, yếu kém đó là do con người ngại tìm tòi những cái mới, ngại sự thay đổi, từ tư duy quản lý trì trệ theo lối mòn khiến ngành du lịch chưa thực sự được coi là ngành dịch vụ mũi nhọn.


Ông Phạm Hà, CEO của Luxury Travel cho rằng cần sớm thành lập Bộ Du lịch

Ông Phạm Hà, CEO của Luxury Travel cho rằng cần sớm thành lập Bộ Du lịch

Phó Thủ tướng cũng đưa ra một vấn đề là cần thay đổi cả tư duy trong quản lý, cơ quan quản lý không phải chỉ quản lý kinh tế vĩ mô chung mà quản lý du lịch. Theo ông, liệu đâu là những hạn chế trong cách thức quản lý du lịch hiện nay?

Những nhà quản lý du lịch hiện nay hạn chế trong cách thức nghiên cứu môi trường vĩ mô và vi mô. Vì thế, việc xây dựng và khai thác các tuyến điểm, cơ sở vật chất du lịch không có quy hoạch và định hướng bền vững, cụ thể.

Chúng ta cần gấp những người quản lý hiểu du lịch, có tâm và có tầm để phát triển. Những người có năng lực thực sự, được học hành bài bản, kiến tạo chính sách, quản lý du lịch phục vụ doanh nghiệp, dự báo, định hướng chiến lược phát triển hài hòa, bền vững, thay cho cơ quan quản lý du lịch theo kiểu xin cho, là cha mẹ doanh nghiệp. Theo đó, cần ban hành luật du lịch sửa đổi theo hướng mở, văn minh, hiện đại hội nhập AEC.

Khuyến nghị của ông dưới góc độ là doanh nghiệp đối với việc xây dựng đề án phát triển ngành du lịch đạt mục tiêu đến năm 2020 là ngành kinh tế mũi nhọn?

Để phát triển du lịch như một ngành kinh tế, cần có cơ chế phát triển như một ngành kinh tế, mũi nhọn thực sự, từ đó có những cơ chế chính sách phát triển du lịch thuận tiện cho đầu tư du lịch, xây dựng cơ sở hạ tầng, sân bay, cảng biển du lịch, chính sách thuế....

Theo tôi, phải thành lập Bộ Du lịch, Sở Du lịch, Phòng Du lịch quản lý từ Trung ương tới địa phương và Văn phòng Đại diện tại các thị trường mục tiêu. Luật du lịch sớm ra đời theo hướng hội nhập ASEAN và phục vụ doanh nghiệp phát triển. Bộ Du lịch sẽ định hướng xu thế thị trường, kiến tạo cùng doanh nghiệp tạo ra nhiều trải nghiệm mới mỗi năm.

Đặc biệt phải bỏ VISA càng sớm càng tốt hoặc đuổi kịp nước bạn Campuchia là làm e-visa. Tôi tin khách sẽ đến nhiều hơn và quay trở lại nhiều hơn và tin rằng 5 năm tới, Việt Nam kỳ vọng thu hút 14-15 triệu du khách. Ngành này đóng góp khoảng 9-10%GDP, tốc độ tăng trưởng 14-15% một năm và tạo ra 3,5 triệu việc làm, trong đó có hơn 1 triệu việc làm trực tiếp đúng theo bản đề án Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch đặt ra đến năm 2020.

Cẩm An (thực hiện)

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên