Tư duy làm du lịch vẫn còn cũ kỹ, đâu là động lực tăng trưởng cho BĐS du lịch kiểu mới?
Thị trường bất động sản du lịch truyền thống có dấu hiệu giảm nhiệt, để tiếp tục duy trì đà tăng trưởng trong năm 2020, các chủ đầu tư tại Việt Nam đã linh động phát triển nhiều xu hướng mới, mô hình mới.
Tại Tọa đàm và Giao lưu trực tuyến: Những xu hướng mới của thị trường bất động sản du lịch Việt Nam, do Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam (Reatimes) tổ chức chiều 19/11, chuyên gia kinh tế TS, TS. Vũ Đình Ánh cũng cho rằng, ngoài việc học cái hay cái tốt, tinh hoa văn hóa thế giới thì các doanh nghiệp Việt Nam cần có sự sáng tạo, trong những sự sáng tạo đó, ông Ánh kỳ vọng các doanh nghiệp đầu tư lớn lên dần trong các ý tưởng sáng tạo và tăng tính khả thi cho các kế hoạch, dự án mới của mình. Để từ đó không chỉ phát triển ngành bất động sản nói riêng mà còn phát triển chung nền kinh tế quốc gia.
Theo TS. Vũ Đình Ánh, phát triển du lịch không chỉ cần các doanh nghiệp, tập đoàn lớn, cũng không nên quá trông mong vào các doanh nghiệp, chuyên gia nước ngoài mà còn cần huy động sức mạnh của 95,4 triệu người dân. Và quan trọng là cần sự tham gia của các cơ quan quản lý Nhà nước.
Ông nhấn mạnh: "Tư duy làm du lịch của chúng ta dường như vẫn còn cũ kỹ. Ngày nay, du lịch liên quan đến 3 thị trường: thị trường bất động sản, thị trường du lịch và thị trường tài chính. Trong đó, vai trò của thị trường du lịch là rất quan trọng. Tổng Cục Du lịch phải nắm được số liệu, dự báo được xu hướng để định hướng phát triển".
Bàn về xu hướng mới của BĐS nghỉ dưỡng, TS. Nguyễn Trí Hiếu cũng cho biết: "Tôi về Việt Nam đến nay đã 10 năm, tôi nhận ra rằng, chúng ta có tài nguyên thiên nhiên tuyệt vời và khách du lịch đến Việt Nam ngày càng đông. Nhưng chúng ta chưa khai thác được các công viên quốc gia thành điểm du lịch nổi tiếng, hút khách. Chúng ta có công viên quốc gia để bảo vệ các loài vật chứ chưa có công viên quốc gia như một quần thể để chăm sóc du khách, dù đây là một địa điểm tuyệt vời cho du lịch trải nghiệm".
"Như ở Mỹ có công viên quốc gia với lực lượng an ninh bảo vệ sát sao, giờ vào và giờ ra được quy định cụ thể. Việt Nam có vịnh Hạ Long, Kẻ Bàng nhưng không có công viên quốc gia. Tại sao chúng ta không học hỏi những mô hình của nước ngoài? Chưa kể, du khách đến Việt Nam, họ xem thắng cảnh nhưng họ cũng đòi hỏi tiện nghi cao cấp, trong khi đó, chúng ta chưa có nhiều địa điểm nghỉ dưỡng sang trọng đẳng cấp quốc tế, loại hình du lịch trải nghiệm, phục vụ khách hạng sang lại càng khan hiếm. Vi thế tôi cho rằng, chúng ta nên tập trung vào phân khúc này", ông Hiếu khẳng định.
Liên quan đến thị trường bất động sản du lịch, ở góc độ cơ quan quản lý nhà nước, ông Hà Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết: "Liên quan đến thị trường bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng, hiện nay, Bộ Xây dựng đang cùng với các cơ quan chuẩn bị các báo cáo và dự thảo về tiêu chuẩn xây dựng, chỉ tiêu dân số, vấn đề kinh doanh...
"Nội dung nữa chúng tôi thấy rất quan trọng là vấn đề phân loại đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Nói cách khác, nó liên quan đến vấn đề quy định cụ thể về chế độ sử dụng đất. Vừa qua, Thủ tướng đã có chỉ đạo giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường trong thời gian tới khi sửa đổi Luật Đất đai phải xác định rõ chế độ sử dụng đất với các loại hình mới trong phát triển bất động sản du lịch", ông Hưng cho biết.