MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tư duy quản trị của doanh nhân quyết định tinh thần doanh nghiệp

18-09-2018 - 17:30 PM | Doanh nghiệp

Doanh nhân Việt Nam đang thay đổi tích cực trong tư duy quản trị doanh nghiệp. Một trong những nền tảng tư duy mà họ chịu ảnh hưởng là tư duy quản trị Nhật Bản, trong đó coi trọng sự cân bằng giữa: Khách hàng – Nhân viên – Tổ chức.

Tư duy “Khách hàng là số 1” và cách tạo ra giá trị cho khách hàng

Tư duy này tương tự như “Khách hàng là thượng đế”- một tôn chỉ nằm lòng của nhiều doanh nghiệp Việt Nam. Trên thực tế, các doanh nghiệp theo mô hình B2B không tiếp cận tư duy này như doanh nghiệp B2C. Khách hàng của B2B cũng là doanh nghiệp. “Sự hài lòng của khách hàng” trong mô hình B2B không chỉ đến từ sản phẩm, dịch vụ tốt với chi phí hợp lý, mà còn ở sự đồng điệu về triết lý và phương thức sản xuất, kinh doanh giữa người đứng đầu hai doanh nghiệp: họ phải thực sự hiểu rõ doanh nghiệp mình, xác định kim chỉ nam đúng đắn và chiến lược phù hợp, từ đó tin tưởng hợp tác lâu dài.

Bà Trần Thị Thu Trang, Tổng GĐ Công ty HanelPT đã thành công khi đưa HanelPT trở thành “Thương hiệu của niềm tin” đối với nhiều khách hàng Nhật Bản. Năm 2017, Hanel PT ký kết hợp đồng hợp tác với Công ty Brother Industries VN, vốn chưa có tiền lệ ủy thác sản xuất linh kiện cho doanh nghiệp Việt Nam. Bên cạnh việc áp dụng công nghệ tiên tiến, bà Thu Trang đã thuyết phục khách hàng Nhật Bản bằng chính quan điểm kinh doanh “Cung cấp hàng hóa, dịch vụ chất lượng là trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp”, và “Tạo ra con người trước khi tạo ra sản phẩm”.

Tư duy “Nhân viên là vốn quý của công ty” và cải cách trong quản trị nhân sự

Quản trị doanh nghiệp theo tư duy của người Nhật luôn coi trọng yếu tố con người. Yếu tố không thể thiếu tạo nên một tổ chức mạnh chính là nhân viên và sự trưởng thành của đội ngũ này. Nhân viên không đơn thuần là những người được trả lương để làm việc theo đúng kế hoạch, đúng quy trình. Họ là tài sản, là nguồn lực quý báu của doanh nghiệp, khác biệt với các loại nguồn lực khác chính ở trái tim và năng lực sáng tạo. Vì thế, mỗi cá nhân làm việc trong một tổ chức luôn cần được thấu hiểu, coi trọng và tạo điều kiện phát triển.

Bước ngoặt chuyển đổi tư duy kinh doanh từ "Lợi nhuận là trên hết" sang "Nhân viên là trên hết" của CEO Thái Thị Thu Đào đã giúp công ty TNHH TMQC Mắt Đỏ thu được nhiều kết quả ấn tượng. Được biết đến như một công ty sản xuất POSM (vật phẩm quảng cáo tại điểm bán), Mắt Đỏ đã khởi nghiệp từ con số 0 và trải qua không ít khó khăn, cho đến khi bà Thu Đào nhận ra: “Nhân viên được trân trọng, được trau dồi thường xuyên và được đồng hành cùng lãnh đạo trong mọi hoạt động mới là điều cần thiết để phát triển sự nghiệp kinh doanh bền vững”. Những dự án hợp tác với các khách hàng tên tuổi như Nestle, Coca Cola, LG, Bridgestone, Hệ thống siêu thị Coopmart… là minh chứng cho sự thay đổi đúng đắn của Mắt Đỏ trong quản trị nhân sự.

Tư duy quản trị của doanh nhân quyết định tinh thần doanh nghiệp - Ảnh 1.

Tư duy “Muốn đi xa phải đi cùng nhiều người” và sự tâm đắc với tư duy quản trị Nhật Bản

Câu chuyện của Hanel PT và Mắt Đỏ chỉ là hai trong rất nhiều những thay đổi trong tư duy kinh doanh của một bộ phận doanh nhân Việt Nam hiện nay, yếu tố cần thiết trước yêu cầu hội nhập, hợp tác với khách hàng nước ngoài. Bà Thu Trang và bà Thu Đào đều thừa nhận đã thay đổi tư duy ngay sau khi tham gia học Chương trình Kinh doanh cao cấp – Keieijuku do Viện VJCC, trường ĐH Ngoại thương tổ chức với sự hỗ trợ của Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản JICA. “Tham gia Keieijuku, điều thay đổi lớn nhất là quan điểm của bản thân tôi đối với quản trị doanh nghiệp đã thay đổi hoàn toàn”; “ Khác biệt của chương trình là ở sự thay đổi nhận thức về con đường phát triển doanh nghiệp bền vững và sứ mệnh cống hiến xã hội của doanh nhân” là những chia sẻ từ hai nữ lãnh đạo của Mắt Đỏ và Hanel PT về khóa học này.

Học hỏi từ chuyên gia, gặp gỡ và tìm thấy sự đồng cảm trong nhận thức, tư duy kinh doanh và cách thức quản trị con người, sản xuất hàng hóa từ các bạn đồng khóa, các doanh nhân Việt Nam càng tự tin hơn với con đường phát triển doanh nghiệp của mình. Hơn thế nữa, họ cảm nhận được ngọn lửa và sức mạnh của sự kết nối, cùng quyết tâm trở thành một cộng đồng doanh nghiệp sản xuất có thương hiệu về uy tín trong mắt các đối tác trong và ngoài nước.

Tư duy quản trị của doanh nhân quyết định tinh thần doanh nghiệp - Ảnh 2.

Triển khai từ năm 2009 đến nay với hơn 400 học viên tốt nghiệp qua 10 khóa học, Keieijuku vẫn tiếp tục bề bỉ với sứ mệnh “Đào tạo đội ngũ doanh nhân làm chủ các ngành công nghiệp Việt Nam”, hàng năm đào tạo thêm 120 lãnh đạo và cán bộ quản lý doanh nghiệp trên cả nước. Ngài Công sứ kinh tế và thương mại Nhật Bản- Katsuro Nagai đã phát biểu “Chúng tôi đánh giá cao sự thành công của chương trình Keieijuku, đóng góp cho Việt Nam một đội ngũ doanh nhân thấu hiểu triết lý kinh doanh và tinh thần kinh doanh của người Nhật, từ đó tạo thêm nhiều cơ hội hợp tác tốt đẹp về kinh tế và thương mại giữa hai quốc gia.” Chương trình đào tạo như Keieijuku thực sự là điều mà doanh nhân Việt Nam đang rất cần.

Ánh Dương

Nhịp sống kinh tế

Từ Khóa:

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên