Từ khóa "Anh trai vượt ngàn chông gai" hay "Anh trai say hi" thịnh hành hơn?
Cốc Cốc vừa chính thức phát hành Báo cáo xu hướng tìm kiếm và lướt web 2024, nhìn lại những mối quan tâm nổi bật của người dùng Việt trên Internet. Theo đó, năm 2024 chứng kiến sự bùng nổ mạnh mẽ của ngành giải trí trong nước với những làn sóng quan tâm đặc biệt từ khán giả dành cho các chương trình thực tế, concert âm nhạc và phim truyền hình.
Xu hướng tìm kiếm nổi bật: bùng nổ tìm kiếm từ khóa về các hiện tượng mạng, sự kiện giải trí và công nghệ tăng sức hút
So với năm 2023, Giải trí vẫn tiếp tục là chủ đề được tìm kiếm nhiều nhất, với mức tăng trưởng nhẹ 2%. Về xu hướng tăng trưởng, Công nghệ là chủ đề nổi bật nhất, với lượng tìm kiếm tăng 22%.
Năm 2024 chứng kiến sự bùng nổ mạnh mẽ của ngành giải trí trong nước với những làn sóng quan tâm đặc biệt từ khán giả dành cho các chương trình thực tế, concert âm nhạc và phim truyền hình.
Các chương trình ca nhạc như “Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai” và “Anh Trai Say Hi” trở thành tâm điểm tìm kiếm. Không chỉ thu hút khán giả trong không gian giải trí truyền hình, các “anh trai” còn tạo cơn sốt cháy vé concert.
Theo báo cáo, từ khóa thịnh hành số 1 trong lĩnh vực giải trí là Anh Trai Say Hi và số 2 là Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai.
Báo cáo cũng cho thấy, các nhân vật trong các tiểu thuyết Trung Hoa trở thành hiện tượng. Các từ lóng như “liễu như yên” (thường được dùng để chỉ nữ phụ phản diện với vẻ ngoài xinh đẹp, quyền lực và tính cách đầy toan tính), “hồng hài nhi” (chỉ người nam trong mối quan hệ yêu đương nữ hơn tuổi - nam kém tuổi) hay “bạch nguyệt quang” (chỉ mối tình đầu yêu đơn phương trong sáng thuở niên thiếu tràn nhưng cuối cùng không đến được với nhau) tiếp tục lan truyền rộng khắp trên các mạng xã hội, minh chứng cho ảnh hưởng của văn hóa đối với hành vi tìm kiếm.
Bên cạnh đó, với sức nóng của các chương trình âm nhạc, câu nói của các nghệ sĩ gây nhiều ấn tượng với khán giả. Hot nhất là “ai sợ thì đi về” của rapper MCK, “đỉnh nóc kịch trần bay phấp phới” của NSND Tự Long và “đã ai làm gì đâu” của nghệ sĩ Quang Trung.
Phim truyền hình Việt Nam cũng ghi điểm với khán giả bằng việc khai thác những chất liệu mới mẻ. Nổi bật là tác phẩm như “Độc đạo”, “Đi giữa trời rực rỡ” và “Hoa sữa về trong gió”.
Năm 2024, lĩnh vực công nghệ tại Việt Nam cũng ghi nhận sự thay đổi lớn trong chính sách quản lý không gian mạng.
Đáng chú ý nhất là việc Ngân hàng Nhà nước ban hành các chính sách liên quan đến xác thực sinh trắc học như Quyết định 2345/QĐ-NHNN và Thông tư 1818/2024/TT-NHNN đã góp phần tạo nên bước ngoặt về bảo mật trong giao dịch trực tuyến. Bên cạnh đó, Nghị định 147/2024/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng đã được Chính phủ thông qua và sẽ có hiệu lực từ ngày 25/12/2024. Chính sách mới chính là cơ sở để phát triển môi trường số minh bạch và an toàn hơn. Theo đó, người dùng và các nền tảng đều bắt buộc có trách nhiệm trong việc đảm bảo tài khoản chính chủ và tính chính xác của thông tin, nội dung đăng tải trên mạng.
Theo đó, quy định bắt buộc xác thực sinh trắc học trong giao dịch trực tuyến đã thúc đẩy tăng trưởng lượng tìm kiếm đột biến tới 957%.
Sự kiện ra mắt iPhone 16 tuy không nhiều đổi mới vẫn tăng 322% lượng tìm kiếm. Top 5 sản phẩm công nghệ được người dùng tìm kiếm nhiều nhất trong năm 2024 gồm: “samsung s24 ultra”, “iphone 16”, “redmi note 13”, “iphone 15” và “macbook air m3”.
Top 5 ứng dụng và phần mềm thịnh hành nhất là: “canva”, “tiktok”, “gemini”, “capcut” và “scratch”. Các nền tảng học trực tuyến như Scratch, VNedu và IOE ghi nhận tăng trưởng 154%, 73% và 20%.
Bão Yagi và các tin tức liên quan đến từ thiện là sự kiện được chú ý nhất trong năm 2024. Cơn bão mạnh nhất trên Biển Đông trong 3 thập kỷ qua, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản đã khiến các từ khóa liên quan như “sao kê” và “lũ quét” tăng mạnh về lượng tìm kiếm với mức lần lượt là 368% và 114%.
Ở nhóm chủ đề Tài chính và bất động sản, giá vàng đạt mốc kỷ lục 90 triệu đồng/lượng, trở thành nội dung tài chính được quan tâm nhất. “Giá vàng hôm nay” đã trở thành từ khoá nóng nhất về Tài chính, với mức tăng trưởng 147% về lượng tìm kiếm. Những thay đổi mới trong Luật Đất đai 2024 cũng được nhiều người dùng quan tâm.
Bên cạnh đó, báo cáo cũng tổng kết xu hướng tìm kiếm của 5 chủ đề khác, gồm: Thể thao, Xe cộ, Thương mại điện tử, Du lịch và Việc làm.
Thói quen lướt web – những quan sát thú vị
Trong năm 2024, trình duyệt Cốc Cốc đã cùng người dùng Việt khám phá gần 10 tỷ trang web. Trung bình, mỗi người dùng ghé thăm 67 trang web trong năm.
Dữ liệu ghi nhận từ trình duyệt cho thấy nhu cầu lướt mạng xã hội, xem video và nghe nhạc, làm việc chiếm tỷ trọng lớn nhất (lần lượt chiếm 27,4%, 23% và 15,4% tổng lượng truy cập).
Trên máy tính, các tính năng hỗ trợ học tập và công việc được người dùng yêu thích.
Trong đó, top 3 tính năng được người dùng Cốc Cốc sử dụng nhiều nhất gồm: Đa nhiệm trên Thanh bên (Chat với bạn bè, tìm kiếm, xem hai trang web cùng lúc mà không cần chuyển tab), Dịch đa ngôn ngữ (Bôi đen để dịch văn bản tức thì với hơn 100 ngôn ngữ) và Đọc tin trên trang Thẻ mới (Đọc tin tức ngay trên tab mới với đề xuất của AI).
Lượng truy cập các trang web tin tức đạt hơn 2,6 tỷ, trong đó, lượng truy cập từ tính năng Cốc Cốc Đọc tin trên trang Thẻ mới (New Tab) đạt gần 335,8 triệu, chiếm 12,9%.
Đặc biệt, việc cùng lúc mở nhiều cửa sổ duyệt web (tab) đã trở thành thói quen của đông đảo người dùng. Kỷ lục năm 2024 xác lập với con số 200 tabs mở cùng lúc trên trình duyệt Cốc Cốc.
Trên di động, người dùng chủ yếu sử dụng trình duyệt Cốc Cốc để giải trí. Phim ảnh và truyền hình là nội dung được truy cập nhiều nhất, tiếp theo là tìm kiếm thông tin và đọc truyện với lượng truy cập lần lượt chiếm 39,8%, 10% và 9,5%.
Cùng với nhu cầu giải trí, Chế độ phim ảnh (Cá nhân hóa trải nghiệm xem video trong toàn màn hình với các tùy chỉnh nâng cao như Khoá màn hình, Tỷ lệ màn hình, Thao tác nhanh và Tốc độ phát), Ẩn danh (Duyệt web riêng tư, không lưu lại lịch sử) và Tải nhanh (Tải nhạc, tải video từ web về máy ở định dạng, chất lượng ưa thích) đã lọt top 3 tính năng được người dùng sử dụng nhiều nhất trên Cốc Cốc Mobile.
Nhịp sống thị trường